Công nghệ AI: ảnh hưởng ở hiện tại và tương lai

Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên các trang mạng xã hội, người ta bàn tán xôn xao về việc AI vẽ tranh – có thể “cướp” nghề của họa sỹ. Hay sự xuất hiện của ChatGPT sẽ thay thế hàng loạt công việc trong tương lai gần?! 

Trong cuốn Lược sử tương lai, nhà sử gia Israel Yuval Noah Harari đã đề cập đến việc AI sẽ giải quyết được hầu hết vấn đề mà con người vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Và ở trong một thế giới mới, sẽ có hai “tôn giáo” mới ra đời. Đó là techno-humanism (nhân tính kỹ thuật), và data religion – Dataism (tôn giáo dữ kiện). Chúng đều xuất phát từ các phòng thí nghiệm điện tử ở thung lũng Sillicon. Tất nhiên, dự đoán về tương lai chỉ là giả thuyết. Nhưng rõ ràng với những gì AI hiện tại đã làm được, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ về sự phổ cập hóa của nó ở một tương lai không xa. Cùng Techie tìm hiều về chủ đề này nhé!

Công nghệ AI là gì?

AI – viết tắt của chữ Artificial Intelligence – được hiểu là công nghệ điện toán thông minh nhân tạo. Hay có thể gọi ngắn gọn là trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ AI.

AI là một lĩnh vực trong khoa học máy tính và công nghệ thông tin. Công nghệ này cho phép phát triển các hệ thống và chương trình máy tính có khả năng tự động học hỏi, tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề giống như con người. Nó sử dụng các kỹ thuật và thuật toán để tạo ra các hệ thống thông minh và tự động hóa, cho phép tương tác với môi trường xung quanh một cách tự nhiên.

Công nghệ AI là gì
 Câu hỏi công nghệ AI là gì đã nhường chỗ cho mối bận tâm lớn nhất: nó sẽ tác động như thế nào

Các lĩnh vực công nghệ AI

Lĩnh vực AI rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực con khác nhau. Dưới đây là một số lĩnh vực chính trong công nghệ AI:

Học máy (Machine Learning – ML)

Lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các thuật toán và mô hình máy học để học từ dữ liệu và tạo ra các dự đoán hoặc phân loại. Các thuật toán học máy được thiết kế để có thể cải thiện hiệu suất theo thời gian. Hiện lĩnh vực này đang được ứng dụng chính trong phân tích dữ liệu lớn (Big data).

Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP)

Là một khía cạnh của công nghệ AI, NLP tập trung vào việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đồng thời, phát triển các thuật toán để hiểu và sản xuất ngôn ngữ tự nhiên. NLP được ứng dụng để giải quyết các vấn đề như dịch máy, phân tích cảm xúc, tóm tắt văn bản và phân loại chủ đề. Phần mềm Chat GPT đang “làm mưa làm gió” gần đây cũng được phát triển từ công nghệ NLP.

Thị giác máy tính (Computer Vision)

Thị giác máy tính là lĩnh vực liên quan đến việc thiết kế các thuật toán và phần mềm giúp máy tính thu nhận, xử lý hình ảnh và video kỹ thuật số. Các ứng dụng của thị giác máy tính rất đa dạng và phổ biến. Có thể kể đến như:

+ Ứng dụng nhận diện khuôn mặt, nhận diện biển số xe…

+ Phát hiện và phân loại sản phẩm trong công nghiệp;

+ Các ứng dụng nhận diện tình huống giao thông

+ Phát hiện xâm nhập trong an ninh, phát hiện bệnh trong y tế…

Công nghệ AI tái hiện người thực chất cũng là ứng dụng của thị giác máy tính.

Công nghệ AI tái hiện người
Công nghệ AI tái hiện người từ nhân vật hoạt hình

Lĩnh vực Robotics

Robotics là một lĩnh vực liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các robot. Trong phát triển công nghệ AI, Robotics là một lĩnh vực rất quan trọng. Bởi, nó kết hợp cả những kiến thức về cơ học, điện tử và lập trình với trí tuệ nhân tạo để tạo ra các hệ thống tự động hoá thông minh.

Tự động hóa quy trình kinh doanh (Business Process Automation – BPA)

Đây là lĩnh vực liên quan đến việc áp dụng các công nghệ tự động hóa để cải thiện hoạt động kinh doanh của tổ chức hoặc doanh nghiệp. BPA tối ưu hóa các quy trình kinh doanh bằng cách sử dụng các công nghệ như RPA (Robotic Process Automation), AI và Machine Learning để thực hiện các tác vụ như nhập dữ liệu, xử lý hồ sơ hoặc đăng nhập vào các hệ thống.

Hệ thống thông minh (Intelligent Systems)

Là hệ thống máy tính được thiết kế để có khả năng học hỏi và thích nghi với môi trường. Hệ thống thông minh được xây dựng dựa trên các phương pháp trí tuệ nhân tạo. Điển hình như học máy, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… Hệ thống có khả năng tự động học hỏi từ dữ liệu, điều chỉnh chính xác các thuật toán và đưa ra các quyết định và dự đoán dựa trên những gì họ đã học được.

Học sâu (Deep Learning)

Là phương pháp xây dựng các mô hình máy học để mô phỏng cách thức não người hoạt động. Phương pháp này tập trung vào các  mạng nơ-ron (neural networks) có nhiều tầng để xử lý dữ liệu đầu vào và giải quyết các vấn đề phức tạp. Ví dụ như nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ.

Những lợi ích và thách thức trong phát triển công nghệ AI

Lợi ích của trí tuệ nhân tạo

Lợi ích của công nghệ AI
Công nghệ AI có thể giải quyết những vấn đề phức tạp mà con người không làm được

Với “trí tuệ của con người” và thậm chí còn thông minh hơn thế, công nghệ AI đem đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời. Có thể kể đến như:

  • Cải thiện năng suất: Bằng cách tự động hóa một số công việc, AI giúp giảm sự phụ thuộc vào lao động và tăng hiệu quả sản xuất.
  • Phát hiện và ngăn chặn rủi ro: AI có thể phân tích và dự đoán các nguy cơ. Từ đó giúp con người ra quyết định đúng đắn hơn. Các rủi ro AI có thể dự đoán là thảm họa thiên nhiên, bệnh dịch,… Hoặc các mối nguy hại trong sản xuất kinh doanh…
  • Toàn cầu hóa ngôn ngữ: công nghệ AI giúp cho việc giao tiếp của mọi người từ các quốc gia khác nhau dễ dàng và thuận tiện hơn.
  • Cá nhân hóa: AI có khả năng phân tích, học hỏi hành vi của từng đối tượng. Từ đó, nó có thể đưa ra đề xuất phù hợp với từng người.
  • Xử lý các vấn đề phức tạp mà con người không làm được.

Mặt trái của công nghệ AI

Mặt trái của AI cũng chính là những vấn đề mà con người đang lo ngại. Mặc dù hiện tại, phần lớn các vấn đề này đều chưa thật sự diễn ra.

  • Mất việc làm: AI có thể thay thế một số công việc của con người trong tương lai. Do đó, một bộ phận lao động sẽ đối diện với nguy cơ thất nghiệp.
  • Độc quyền: Các công ty lớn và một số quốc gia có thể sử dụng AI để tạo ra lợi thế cạnh tranh, dẫn đến sự độc quyền và tập trung quyền lực.
  • Sai lệch dữ liệu: AI sử dụng dữ liệu để hoạt động. Cho nên không loại trừ khả năng nó bị chi phối bởi các dữ liệu thiên vị hoặc sai lệch.
  • Gây ảnh hưởng tâm lý: Điều này xảy ra trường hợp AI được sử dụng để nhận diện khuôn mặt. Nó có thể gây ra lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư và tác động tâm lý đến một số người.
  • Sử dụng sai mục đích: nếu việc sử dụng AI không được kiểm soát chặt chẽ, nó có thể dẫn đến việc một số thế lực sử dụng vào mục đích phi nhân đạo.
Mặt trái của công nghệ AI
Quyền riêng tư là một trong những vấn đề cần được chú trọng khi phát triển AI

Nói chung, những thách thức liên quan đến phát triển công nghệ AI đều mang tính vĩ mô. Để giải quyết, cần có những chính sách, luật định chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của con người.

Các ứng dụng “gây bão” của AI trong thời gian gần đây

Công nghệ AI vẽ tranh

Tranh vẽ bằng công nghệ AI
Những bức tranh được vẽ bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo

Hồi tháng 12/2022, ứng dụng chỉnh sửa ảnh Lensa đã gây bão khi ra mắt tính năng vẽ tranh bằng AI. Điều này đã dẫn đến một làn sóng phản đối gay gắt từ các nghệ sỹ trong ngành. Thực tế, không chỉ Lensa, mà một số công cụ, nền tảng khác cũng cho phép người dùng “sáng tạo” nghệ thuật bằng AI.

Công nghệ AI vẽ tranh thực chất là một ứng dụng từ lĩnh vực thị giác máy tính và học máy. Các tác phẩm của AI được tổng hợp từ nguồn dữ liệu sẵn có. Đồng thời, cho phép người dùng tương tác với hệ thống để chỉ định các yếu tố cho bức tranh. Chẳng hạn như màu sắc, độ tương phản… Tuy nhiên, công nghệ này cũng đang gặp phải nhiều thách thức về tính sáng tạo và thẩm mỹ. Lý do vì AI vẫn chưa thể hiểu được tình cảm và trải nghiệm như con người.

Công nghệ AI tái hiện người

Tái hiện người bằng AI là công nghệ sử dụng kỹ thuật học sâu để tái tạo hình ảnh, âm thanh và các đặc trưng khác của một người. Nó có thể cho hình ảnh của người với độ chân thật rất cao. Hiện nay, một số chương trình giải trí đang ứng dụng công nghệ này. Mục đích nhằm tạo ra phiên bản số hóa của các ngôi sao, cho phép họ tương tác với khán giả trong các sự kiện trực tuyến.

Việc sử dụng công nghệ AI tái hiện ca sỹ không còn là điều quá xa lạ. Điển hình, hồi tháng 2/2022, chương trình ALIVE đã làm “sống lại” nam ca sỹ đã khuất Lim Yoon Taek. Điều này đã khiến khán giả và người thân của anh vô cùng xúc động.

Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ AI tái hiện người cũng đang gặp phải nhiều thách thức và tranh cãi liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư và đạo đức.

Công nghệ AI tái hiện ca sĩ
Công nghệ AI tái hiện ca sĩ quá cố Lim Yoon Taek tại một chương trình giải trí Hàn Quốc

Công nghệ AI Chat GPT

Chat GPT có lẽ là công cụ phổ cập nhất của AI ở thời điểm hiện tại. Đây là mô hình ngôn ngữ tự động được phát triển bởi Open AI. Chat GPT được huấn luyện trên một lượng dữ liệu khổng lồ để tạo ra các câu trả lời tự động cho các câu hỏi hoặc các đoạn văn bản. Bên cạnh đó, nó có thể làm thơ, viết nhạc và thậm chí là viết code.

Mặc dù các câu trả lời từ Chat GPT không phải lúc nào cũng chính xác. Nguyên nhân là vì nó học từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau – bao gồm những nguồn tin sai lệch. Song, công nghệ của Open AI đang cho thấy sự học hỏi rất nhanh. Cộng hưởng với việc hàng loạt người dùng đang “huấn luyện” bằng cách sử dụng chat bot, Chat GPT có thể sẽ rất “đáng gờm” trong tương lai.

Các ứng dụng hữu ích khác

  • Lĩnh vực giao thông vận tải
Mô hình xe tự lái
Mô hình xe tự lái sẽ phát triển mạnh trong tương lai

Công nghệ AI được ứng dụng để cải thiện hiệu suất và an toàn trong ngành giao thông vận tải. Tiêu biểu như các hệ thống quản lý giao thông thông minh; hệ thống phân tích dữ liệu và dự báo về tình trạng giao thông tương lai… Hay như xe tự lái cũng là ứng dụng từ IoT kết hợp với AI (AIoT).

>> Tìm hiểu nhanh về IoT 

  • Sản xuất

Thông qua phân tích quy trình, AI có thể đưa ra các dự báo để tối ưu hóa hiệu suất. Nó cũng được ứng dụng để tạo ra các hệ thống sản xuất tự động, giảm thiệu sự can thiệp của con người.

  • Y tế

Công nghệ AI có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu và hình ảnh y tế. Qua đó, giúp bác sỹ chẩn đoán và dự báo bệnh tật. Ngoài ra, nó cũng có thể là “trợ lý” giám sát sức khỏe thông qua các thiết bị mang, đeo… hoặc các ứng dụng y tế. Ngoài ra, AI còn được dùng để phát triển thuốc, hỗ trợ phẫu thuật…

  • AR/VR

Hiện nay, các công ty đang tích hợp công nghệ AR/VR cùng với AI. Điều này hứa hẹn đem đến thêm nhiều những ứng dụng tuyệt vời cho đời sống. Chẳng hạn, khi thiết kế một trò chơi giải trí, nếu như VR làm cho không gian trở nên sống động hơn thì AI sẽ làm cho nhân vật trở nên thông minh hơn.

  • Điện tử viễn thông

Ứng dụng điển hình nhất chính là các trợ lý ảo được phát triển bằng AI. Chẳng hạn như Siri, Alexa… trên các thiết bị điện tử chúng ta đang sử dụng. AI giúp cho các thiết bị trở nên thông minh và hữu ích hơn với người dùng.

Tầm nhìn về công nghệ AI trong 50 năm tới

Câu hỏi công nghệ AI là gì có lẽ không còn là thắc mắc ở thời điểm hiện tại. Điều bận tâm nhất, là AI sẽ có sức ảnh hưởng như thế nào trong tương lai.

Theo nghiên cứu từ Viện nghiên cứu tương lai thuộc Đại học Oxfox, máy móc có thể vượt con người về việc dịch ngôn ngữ vào năm 2024; viết tốt các bài tiểu luận vào năm 2026. Đến năm 2049, các cỗ máy có thể viết ra những cuốn sách bán chạy. Và thậm chí chúng có thể làm thay công việc của bác sỹ phẫu thuật.

AI đảm nhiệm công việc bác sĩ
Công nghệ AI thậm chí có thể đảm nhiệm công việc khám chữa bệnh

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, có 50% xác suất công nghệ sẽ làm tốt hơn con người trong tất cả công việc trong khoảng 45 năm tới.

Dựa trên những tiến bộ trong quá khứ và hiện tại, các nhà khoa học cũng chắc chắn về khả năng tăng cường học tập của AI. Điều này cho phép nó giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp hơn và cải thiện hiệu suất. Bên cạnh đó, robot thông minh và các hệ thống tự động hóa cũng sẽ rất phát triển.

Mặt khác, hệ thống AI đạo đức sẽ trở nên phổ biến trong tương lai. Chúng giúp giải quyết những mối lo ngại về mặt trái của AI. Nhờ vậy, các hệ thống AI và robot không chỉ đạt hiệu quả mà còn đảm bảo tính an toàn, phù hợp các tiêu chuẩn đạo đức xã hội.

Lời kết

Dù muốn hay không, công nghệ AI đang và sẽ trở thành một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống. Trong lịch sử, cách mạng nông nghiệp đã từng mất hàng nghìn năm. Và phải trải qua hàng trăm năm đối với cách mạng công nghiệp. Nhưng tốc độ của cuộc cách mạng công nghệ sẽ nhanh hơn thế. Có lẽ rằng, trong một xã hội không ngừng biến đổi, học tập sẽ là kỹ năng tốt nhất để chúng ta hội nhập tương lai.

>>Xem thêm: Công nghệ AI đang tác động thế nào đến điện ảnh?

Khám phá thêm
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Nếu như các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Okcupid, Facebook Dating vẫn chưa đem đến cho bạn một anh...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
“Nói Việt Nam không có văn hóa riêng do sao chép từ Trung Quốc chẳng khác gì nói Nhật Bản...