Công nghệ AI đang tác động đến điện ảnh như thế nào?

AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo) không còn chỉ là những câu chuyện trong phim ảnh mà vượt xa hơn thế, AI đang trực tiếp tác động đến nhiều khía cạnh của ngành công nghiệp điện ảnh: từ tạo hình, chọn diễn viên, viết kịch bản cho đến hỗ trợ sản xuất và thậm chí là dự đoán sự thành công của bộ phim!

AI được sử dụng như thế nào trong lĩnh vực điện ảnh?

Viết kịch bản

Bằng cách cung cấp một khối lượng lớn dữ liệu dưới dạng kịch bản phim, các thuật toán AI sẽ phân tích dữ liệu, học hỏi từ đó và tạo ra các kịch bản độc đáo. Điều này giúp quá trình viết kịch bản nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và nguồn lực đáng kể. 

Trên thực tế, đã có không ít bộ phim/kịch bản phim viết bằng AI được giới thiệu đến khán giả trong thời gian qua. Điển hình như phim ngắn Do you love me do AI đồng sáng tác được ra mắt vào năm 2016, hay bộ phim khoa học viễn tưởng Sunspring được viết bởi một AI có tên Benjamin. 

Chọn và tạo ra diễn viên

Công nghệ AI có thể đẩy nhanh tiến độ chọn diễn viên bằng cách tổ chức các buổi casting một cách tự động. Dựa trên các tiêu chí được chỉ định, AI sẽ tìm kiếm diễn viên phù hợp trong cơ sở dữ liệu được lưu trữ.

Bên cạnh đó, AI hiện cũng đang được ứng dụng trong việc tạo ra những các nhân vật kỹ thuật số khác nhau. Điển hình như hồi tháng 8/2022 vừa qua, thị trường điện ảnh Hàn Quốc đã cho ra mắt một bộ phim chiếu mạng (web drama) có tên là Bad girlfriend. Điểm đáng chú ý là diễn viên được tạo nên thông qua trí tuệ nhân tạo AI đã xuất hiện với một vai phụ trong phim. 

Đại diện của Dexter Studio – đơn vị sản xuất bộ phim cho biết, trong tương lai, các diễn viên thật sẽ có khả năng làm việc bên cạnh các diễn viên ảo. Và không chỉ giới hạn ở phạm vi web drama, các diễn viên AI sẽ có thể xuất hiện trên các tác phẩm truyền hình và thậm chí là màn ảnh rộng trong tương lai không xa.

Diễn viên được tạo thành từ công nghệ AI
Diễn viên được tạo từ công nghệ AI gây ấn tượng vì quá giống người thật

Thay đổi khuôn mặt diễn viên (deepfake)

Bắt nguồn từ một người dùng Reddit có tên “deepfakes”, công nghệ deepfake đang phát triển nhanh chóng và ngày càng trở nên tinh vi. Về cơ bản, công nghệ deepfake sẽ thu hình ảnh chất lượng cao khuôn mặt của một đối tượng nhất định, sau đó thay thế hoàn toàn vào khuôn mặt của một người khác trong video. 

Tiềm năng dễ thấy nhất của deepfake đối với ngành công nghiệp điện ảnh chính là việc tráo đổi gương mặt giữa diễn viên chính với diễn viên đóng thế. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho khán giả, chẳng hạn liệu rằng các diễn viên nổi tiếng có thể lợi dụng gương mặt để kiếm tiền bằng cách nhận nhiều phim và diễn xuất ít hơn? Chưa kể đến các vấn đề giả danh nhân dạng vào mục đích xấu.

Diễn viên đóng thế
Với công nghệ deepfake, bài toán về diễn viên đóng thế sẽ được giải quyết một cách đơn giản

Đáng chú ý vừa mới đây, theo như tờ Telegraph đưa tin, huyền thoại phim hành động Bruce Willis đã trở thành diễn viên Hollywood đầu tiên bán quyền sử dụng khuôn mặt của mình cho hãng Deepcake của Mỹ.

Sản xuất nhạc phim

Mặc dù vẫn còn những hoài nghi và tranh cãi xung quanh âm nhạc do AI tạo ra, nhưng các công cụ sáng tác nhạc bằng AI hiện đang ngày càng được cải tiến và trở nên phổ biến hơn. Với thuật toán reinforcement learning (tạm dịch: học tập tăng cường), AI có thể phân tích các dữ liệu dựa trên tình huống trong phim, qua đó “sáng tác” ra những ca khúc phù hợp.

Vậy điểm yếu của âm nhạc được tạo ra bằng AI là gì? Theo những người nghe đánh giá, mặc dù giai điệu của AI khá dễ nghe và có sức thuyết phục riêng, nhưng càng nghe càng cảm thấy không có “hồn” chút nào! Tuy nhiên, chí ít hiện tại, AI đã có thể tập hợp tài nguyên âm thanh và mô phỏng giai điệu từ các tác phẩm gốc. Nhờ đó, công việc soạn nhạc phim có thể được giảm tải đáng kể!

Dự đoán sự thành công của bộ phim

Bằng cách phân tích kịch bản của một bộ phim, AI cũng có thể dự đoán doanh thu và bộ phim có thể thu được. Mặc dù việc dự đoán từ các thuật toán của AI không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng các hãng phim lớn ngày càng quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn.

Điển hình như, hãng phim Warner Bros. đã hợp tác với công ty công nghệ Cinelytic  để dự đoán thành công của các bộ phim và doanh thu phòng vé của hãng. Hay như 20th Century Fox đã tích hợp hệ thống Merlin sử dụng AI và máy học để khớp phim với các thể loại và khán giả cụ thể, cũng như cung cấp thông tin nhân khẩu học đầy đủ cho bất kỳ bộ phim nào. Sony Pictures sử dụng hệ thống AI ScriptBook các bộ phim của hãng.

Dự đoán phim bằng AI
“Khán giả” AI sẽ dùng thuật toán để dự đoán sự thành công của bộ phim

Liệu AI có “bóp chết” sự sáng tạo của nghệ thuật thứ 7?

Không riêng gì trong lĩnh vực điện ảnh, cứ mỗi bước tiến của AI trong bất kỳ lĩnh vực nào: từ sản xuất, kinh doanh cho đến các lĩnh vực nghệ thuật như sáng tác, vẽ tranh… chúng ta luôn hoài nghi liệu rằng những gì mình đang làm có bị AI thay thế vào một ngày không xa. 

Tiềm năng AI có lẽ dường như là vô hạn. Song, mặc dù công nghệ có tiến bộ đến đâu, sẽ vẫn khó để đạt sự chính xác 100%. Một chiếc xe lái tự động có thể nhận biết mọi chướng ngại vật, song cảm xúc và trải nghiệm của con người lại là một điều vô cùng khó lường. Khi đánh giá một bộ phim, vấn đề hay – dở luôn tùy thuộc vào cảm xúc chủ chủ quan của mỗi người. Chính điều nay đã làm cho khái niệm về một bộ phim “hay” trở nên trừu tượng và khó nắm bắt hơn. Và với sự phát triển của truyền thông hiện tại, việc đánh đúng tâm lý thị hiếu đám đông cũng không được xem là thước đo “độ hay” của một bộ phim. 

Công nghệ AI tác động đến điện ảnh như thế nào
Sự phát triển của AI dấy lên mối lo ngại về việc “giết chết” nghệ thuật đích thực

Tuy nhiên, bất kỳ lĩnh vực nào, đều có những “mẫu số chung”. Chẳng hạn như, AI đã từng dự đoán chính xác phần lớn các bộ phim đoạt giải Oscar mùa giải 2017, 2018. Điều này cho thấy, AI có thể đánh giá được trào lưu của bộ môn nghệ thuật này.

Liệu rằng AI có giết chết điện ảnh đích thực hay không? Câu hỏi này có lẽ sẽ tiếp tục bỏ ngỏ trong nhiều năm tới. Còn nếu quay ngược về quá khứ, chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy, nghệ thuật đích thực luôn tồn tại chỗ đứng cho riêng mình. Và ở hiện tại, AI đang tốt nhất khi đảm nhiệm vai trò như những công cụ hỗ trợ

Khám phá thêm
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm đến hơn 70%, Việt Nam luôn được coi là thị trường...