Trung Quốc đã “đánh bại” các nước khác để dẫn đầu thị trường xe điện như thế nào?
Trong cuộc đua giảm lượng khí thải carbon, các quốc gia phát triển như Mỹ và New Zealand hiện đều đang áp dụng chính sách kích cầu xe điện theo cách mà Trung Quốc đã thành công trở thành thị trường xe điện lớn nhất trên Thế giới. Vậy bài học từ đất nước tỷ dân là gì? Cùng Techie cập nhật nhé!
Thành công đáng kinh ngạc của Trung Quốc
Theo số liệu cập nhật năm 2022, xe điện chiếm 25% trong tổng số xe du lịch bán ra tại Trung Quốc – vượt xa tỷ lệ 1/7 tại Hoa Kỳ và khoảng 1/8 tại châu Âu. Tốc độ này vẫn đang gia tăng. HSBC dự kiến, tỷ lệ thâm nhập của xe điện ở Trung Quốc sẽ đạt 90% vào năm 2030.
Doanh số bán xe ô tô “sạch” của Trung Quốc đạt 5.67 triệu chiếc vào năm 2022, chiếm hơn một nửa tổng số bán ra toàn cầu. Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ở phía người mua, ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện của đất nước này cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các thương hiệu Trung Quốc phủ sóng khoảng 50% tổng số xe điện bán ra trên thế giới.
Mặt khác, mạng lưới sạc tại Trung Quốc cũng đi đầu với việc thêm mới 649.000 bộ sạc công cộng chỉ trong năm 2022, chiếm hơn 70% trong tổng số các hệ thống lắp đặt trên toàn cầu vào năm ngoái.
Vì cơ sở trên, các hãng sản xuất xe điện đã và đang đổ xô đến Trung Quốc với nhiều mẫu xe mới, tạo ra cuộc cạnh tranh về giá cả. Các nhà phân tích dự đoán, sẽ có một số cuộc sáp nhập trong ngành công nghiệp này tại đất nước tỷ dân.
Dưới đây là những phân tích của Bloomberg về chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” đã được Trung Quốc áp dụng để phát triển thị trường xe điện:
‘Củ cà rốt’ – Chính sách khuyến khích
- Các khoản trợ cấp cho người tiêu dùng
Trợ cấp mua xe: người mua xe điện được hoàn lại số tiền lên đến 60.000 Nhân dân tệ (khoảng 200 triệu VND). Được biết, chương trình trợ cấp kéo dài suốt 10 năm và đã kết thúc vào năm 2022. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương – đơn cử như Thượng Hải – vẫn cung cấp các khoản hoàn trả lên đến 10.000 Nhân dân tệ (tương đương 33 triệu VND).
Miễn thuế: Mức thuế tiêu chuẩn 10% được miễn cho người dùng mua ô tô điện có giá dưới 300.000 Nhân dân tệ. Chính sách miễn trừ thuế được áp dụng đến năm 2025, sau đó trở lại với mức 5%.
- Các khoản trợ cấp từ nhà sản xuất
Hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ đối với các nhà sản xuất xe điện đã giúp nhiều công ty bắt đầu hoạt động. Mặc dù có nhiều công ty xuất hiện, với hơn 500 thương hiệu vào năm 2019, nhưng những nỗ lực này đã thúc đẩy sự thành công của BYD. Thương hiệu nội địa này đã vươn lên dẫn đầu thị trường xe điện tại Trung Quốc, kết thúc triều đại hàng thập kỷ của Volkswagen (Đức).
Cơ sở hạ tầng: các trạm sạc xe điện được chính phủ hỗ trợ với độ phủ sóng khắp nơi, giúp giảm chi phí cho người lái và giảm lo ngại về khoảng cách di chuyển. Tính đến tháng 5/2023, Trung Quốc có 6,36 triệu bộ sạc xe điện, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên hành tinh.
‘Cây gậy’ – Những biện pháp cưỡng ép
Rào cản của xăng: việc mua và sở hữu xe chạy bằng xăng ngày càng không hấp dẫn. Các thành phố tại Trung Quốc đang chống lại tình trạng ùn tắc bằng cách giới hạn số lượng xe lưu thông trên đường với các biện pháp như cấp biển số mới. Người lái xe điện có thể dễ dàng nhận được biển số màu xanh lá, nhằm chứng tỏ khả năng thân thiện với môi trường của họ.
Hình phạt sản xuất: Trung Quốc giới thiệu một hệ thống đánh giá kép cho ngành công nghiệp ô tô vào năm 2017, đánh giá điểm cho việc sản xuất ô tô sạch và áp mức phạt cho những xe tiêu thụ nhiên liệu cao. Các xe từ các nhà sản xuất có điểm số âm có thể bị thu hồi khỏi thị trường. Để tránh bị phạt, các nhà sản xuất có thể mua điểm tín dụng từ các đối thủ có điểm số dương, chẳng hạn như Tesla Inc. hoặc BYD. Tuy nhiên điều này lại ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của nhà sản xuất.
Việc bán hàng: chính quyền địa phương yêu cầu các cơ quan đoàn thể chuyển sang sử dụng xe điện. Điều này cũng đã góp phần tăng doanh số cho các hãng sản xuất địa phương.
Có thể nói, với vấn nạn ô nhiễm môi trường và sự suy giảm về tài nguyên, xu hướng chuyển sang sử dụng xe điện thay cho xe dùng động cơ đốt là lẽ tất yếu. Dù hiện tại, xe điện chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam, nhưng đây vẫn sẽ là xu thế trong tương lai gần.
>>> Xem thêm: Xe không người lái: tương lai của ngành công nghiệp ô tô