Tại sao công nghệ Analog thu hút người dùng dù đã lỗi thời?
Sự nhanh chóng và tiện lợi của công nghệ kỹ thuật số (digital technology) lẽ ra phải chôn vùi các thiết bị công nghệ đã trở nên lạc hậu. Thế nhưng, đĩa than và nhiếp ảnh film vẫn tồn tại. Tại sao mọi người vẫn tiếp tục sử dụng chúng? Cùng Techie đào sâu hơn về chủ đề này ngay sau đây!
Sự hồi sinh của công nghệ analog
Analog là công nghệ liên quan đến việc xử lý các tín hiệu, mà trong đó thông tin được biểu thị bằng các đại lượng liên tục như điện áp hoặc dòng điện. Ví dụ phổ biến nhất của công nghệ anolog trong âm nhạc là đĩa than – nơi âm thanh được ghi trực tiếp lên bề mặt của đĩa dưới dạng rãnh xoắn ốc.
Tại Anh, khoảng 6 triệu đĩa than đã được mua vào năm 2023, tăng 11,7% so với năm trước. Đáng chú ý, lượng đĩa than bán ra đã liên tục tăng trong 16 năm liên tiếp. Sự hồi sinh của đĩa than đồng thời cũng đã thúc đẩy sự hồi sinh của các cửa hàng băng đĩa độc lập. Cụ thể, số lượng cửa hàng băng đĩa tại các con phố lớn ở Anh đã tăng lên khoảng 30% so với một thập kỷ trước.
Chắc chắn định kiến rằng: chỉ những người đàn ông lớn tuổi mới nghe đĩa than là không còn chính xác nữa. Điều này được chứng minh rõ ràng khi lượng đĩa than được phát hành bởi các nghệ sỹ đương đại như Taylor Swift, Lana Del Ray, Tyler, The Creator, Olivia Rodrigo… luôn sớm “hết veo” trên kệ.
Cần lưu ý thêm, để nghe được đĩa than, người dùng ít nhất cần phải trang bị thêm các thiết bị như đầu phát, loa và bộ khuếch đại âm thanh. Vậy tại sao người ta lại chọn tiêu thụ công nghệ “khó nhằn” này giữa vô vàn những lựa chọn đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều?
Giá trị của sự chậm rãi
Năm 2018, một bài viết của tác giả Giana trên tờ Harvard Business Review về Mô hình kinh doanh “Giúp khách hàng chậm lại” đã đề cập đến nhu cầu ngày càng tăng đối với “sự giảm tốc của người dùng”. Bài viết cũng đề cập đến các khái niệm liên quan như slow shopping (tạm dịch: mua sắm có ý thức) và quite room (phòng yên tĩnh) trong một số cửa hàng cao cấp.
Bài báo của Giana đã dự đoán một tương lai mà hiện nay, nhiều người chúng ta đang thừa nhận. Đó là trong một thế giới kỹ thuật số điên cuồng, khi mọi thứ đang vận hành quá nhanh, con người bắt đầu có xu hướng “giảm tốc” để dành thời gian cho bản thân, kết nối thiên nhiên và tận hưởng những điều đơn giản trong cuộc sống.
“Sự chậm rãi có tính hấp dẫn” là quan điểm được nhiều người chơi máy ảnh film đồng tình. “Tôi thích tốc độ của máy film, nó thực sự làm bạn chậm lại”. Naomi, một người sở hữu chiếc máy ảnh theo phong cách thế kỷ 19 cho biết.
Lựa chọn chụp ảnh của máy film cũng thực sự rất hạn chế. Với 26 bức ảnh trong một cuộn phim, người ta cần có ý thức đối với mỗi lần bấm máy. Quá trình xử lý film để in và chờ đợi nó cũng tốn mất vài ngày. Trong khoảng thời gian đó, người ta thậm chí có thể chụp hàng nghìn bức ảnh kỹ thuật số. Nhưng chính sự chậm rãi mới là điều làm nên tính hấp dẫn.
Theo một cuộc khảo sát nhiếp ảnh toàn cầu năm 2018, có khoảng1/4 số người chụp ảnh bằng máy flim – trong đó có nhiều người dưới 40 tuổi – chưa từng sử dụng phương tiện này trước đây. Thay vì hoài niệm, họ chuyển sang quay phim vì giá trị thẩm mỹ của nó và cảm giác kiểm soát sáng tạo hơn đối với ảnh của mình. Trên toàn cầu, mặc dù thị trường máy ảnh flim vẫn còn rất nhỏ nhưng đang cho thấy sự phát triển nhanh chóng.
Sự đề cao trong điện ảnh và thời trang
Làm phim kỹ thuật số có lợi thế rõ ràng so với phim analog, đặc biệt là nhanh hơn hẳn trong khâu hậu kỳ. Vì vậy, người ta luôn cho rằng phim kỹ thuật số tiết kiệm chi phí hơn. Song, điều này không thực sự chính xác nếu bạn là một nhà làm phim có kỷ luật. Đó là quan điểm đến từ Steven Overman – Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Kodak.
Các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ có lẽ cũng là những người hâm mộ kỹ thuật analog, dựa trên các đề cử tại hạng mục Quay phim xuất sắc nhất ở Giải Oscar 2024. Mặc dù việc quay dưới định dạng film trên phim vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số phim phát hành, nhưng bốn trong số năm đề cử điện ảnh được quay bằng kho film Kodak (Oppenheimer, Killers of the Flower Moon, Poor Things và Maestro).
Overman cũng lưu ý rằng trong các lĩnh vực như thời trang, các nhiếp ảnh gia thương mại sử dụng máy film đang kiếm được nhiều tiền hơn so với các đồng nghiệp sử dụng thiết bị kĩ thuật số. Lý do là họ có thể trở nên nổi bật hơn trong một thị trường vốn đã bão hòa với những tác phẩm tuyệt vời về mặt kỹ thuật. Ông cho biết các thương hiệu xa xỉ như Gucci đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng ảnh film vì điều này mang lại cho quảng cáo của họ một diện mạo khác biệt.
Công việc, nỗ lực, ý nghĩa
Chúng ta đều đồng ý rằng tốc độ của máy ảnh kỹ thuật số hữu ích hơn trong việc ghi lại chuyển động của chủ thể – ví dụ như khi chụp động vật hoang giả. Tuy nhiên, đó lại là vấn đề chính. “Chất lượng thì không nghi ngờ gì. Nhưng bạn sẽ bỏ lỡ tất cả sự chuẩn bị” – Jame, một cựu giáo viên dạy nhiếp ảnh phân tích. Ông so sánh với việc đi xem ca nhạc trực tiếp so với nghe CD ở nhà. Âm thanh có thể hay hơn, nhưng chúng ta lại bỏ lỡ việc nhìn thấy sự nỗ lực của các nghệ sĩ và đội ngũ của họ.
Công việc, nỗ lực, ý nghĩa – những điều này được kết nối với nhau đối với người dùng và cả người tiêu thụ công nghệ analog. Trong khi công việc thường được coi là phương tiện để đạt được mục đích, từ kiếm sống đến rèn luyện sức khỏe, thì những người yêu thích công nghệ analog lại thích thú với cả quá trình thực hiện mọi thứ, cả những phép thử và sai, và trau dồi kỹ năng. Đó là sự tận hưởng quá trình – thay vì chỉ hướng đến kết quả.
Tất nhiên, hầu như mọi người đều không theo chủ nghĩa analog một cách thuần túy. Những người yêu thích đĩa than hầu hết cũng có cũng có danh sách nhạc trên Spotify. Những nhiếp ảnh gia film đôi khi sẽ lấy điện thoại ra để chụp ảnh nhanh; và những người hâm mộ modular synth thường có máy tính bảng chứa đầy ứng dụng để mô phỏng âm thanh khi di chuyển.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu so sánh cả hai, họ nói về ý nghĩa lớn hơn mà họ dành cho trải nghiệm analog của mình. Người nghe nhạc bằng đĩa than thường nói rằng họ cảm thấy gắn bó hơn với âm nhạc và có được trải nghiệm sâu sắc hơn với nghệ sĩ.
Hồi sinh kỹ năng ở người dùng
Trong cuốn sách đầu tay bán chạy nhất của Malcolm Gladwell là “The Tipping Point” (Điểm bùng phát), những người tiêu dùng đón nhận công nghệ mới được coi là những nhà đổi mới, trong khi những người chậm áp dụng nhất là những kẻ tụt hậu, thường là do thiếu điều kiện để chi trả cho những thiết bị mới nhất. Tuy nhiên, sự hồi sinh của phong cách “anti-tech” analog giờ đây lại được xem như một hình thức tiêu dùng đẳng cấp mới. Bởi, nó đòi hỏi chi phí liên quan đến việc sử dụng, sửa chữa, khả năng hỏng hóc cũng như cần thời gian học hỏi và không gian vật lý để lưu trữ.
Sự hồi sinh của công nghệ analog được thúc đẩy bởi những người muốn trở thành người tiêu dùng tích cực chứ không thụ động. Càng tham gia nhiều vào công việc đòi hỏi bởi các công nghệ analog, họ càng có nhiều quyền kiểm soát hơn trong việc định hình trải nghiệm mong muốn của mình – đầu tiên là bằng cách học các quy tắc, sau đó là áp dụng kỹ năng của họ, và cuối cùng, phá vỡ các quy tắc, tạo ra những sai lầm thú vị để chia sẻ với những người cùng chí hướng.
Ngoài ra, việc kết nối công nghệ kỹ thuật số và analog cũng rất phổ biến – kết hợp hai hệ thống hoàn toàn khác nhau để tạo ra nhiều thành phẩm sáng tạo hơn nữa.
Nói cách khác, sự dễ dãi trong công nghệ kỹ thuật số có thể khiến người ta mất đi kỹ năng, trong khi đó, công nghệ analog lại là cách người dùng nuôi dưỡng và nâng cao kỹ năng khi sử dụng thiết bị.
Ban đầu là sự hoài niệm, nhưng giờ đây, công nghệ analog đã bắt đầu trở thành sự lựa chọn cho những người tiêu dùng muốn tìm kiếm sự cân bằng giữa thời đại bùng nổ của thông tin và công nghệ số.
>>Xem thêm: Liệu các ứng dụng hẹn hò có thực sự giúp ta tìm được tri kỷ?