Spotify và tham vọng mới mang tên Backstage

Spotify là điểm đến quen thuộc khi nói đến dịch vụ phát nhạc trực tuyến. Nhưng có lẽ Spotify đang “lăm le” đạt được tầm ảnh hưởng lớn hơn với dự án mới phát hành có tên Backstage.

Với việc chiếm 1/3 thị phần toàn cầu trong mảng phát nhạc trực tuyến, có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều về Spotify. Khoảng 456 triệu người trên toàn thế giới nghe nhạc, podcast, sách audio mỗi tháng qua nền tảng Spotify, 42% trong số đó có trả phí.

Quảng cáo và sử dụng trả phí từ lâu đã là một phần quan trọng trong mô hình kinh doanh của Spotify, bất kể việc nền tảng này cũng thử sức với nhiều mô hình khác như bán vé concert. Tuy nhiên, công ty này hiện đang xem xét việc kiếm doanh thu từ một nguồn khác – một nguồn không hề liên quan đến trải nghiệm sử dụng Spotify của người dùng.

Hồi tháng 10 năm nay, Spotify đã tiết lộ kế hoạch nhằm lợi nhuận hoá một dự án mã nguồn mở dành cho lập trình viên được nền tảng này khởi động từ 3 năm trước. Dự án này là thành quả làm việc của hàng trăm lập trình viên từ Netflix, American Airlines, Box, Roku, Splunk, Epic Games, VMware, Twilio, và LinkedIn.

spotify-backstage
Dự án Backstage của Spotify đang được đón nhận bởi nhiều tên tuổi lớn. Ảnh: Spotify Backstage

Và đến nay, dự án này đã đến ngày “gặt hái” kết quả.

Cấu trúc frontend

Dự án trên – có tên là Backstage – là một nền tảng được thiết kế để sắp xếp infrastructure (cơ sở hạ tầng – hay còn gọi là infra) của các công ty, bằng cách cho phép họ xây dựng các “cổng” (portal) riêng của các lập trình viên, kết hợp với các công cụ, ứng dụng, dữ liệu, dịch vụ, API và các văn bản trên một giao diện duy nhất.

Với Backstage, người dùng có thể theo dõi Kubernetes, chẳng hạn như kiểm tra tình trạng CI/CD, xem chi phí hao tốn trên Cloud và theo dõi các sự cố an ninh.

backstage-cua-spotify
Dự án Backstage của Spotify. Ảnh: TechCrunh

Mặc dù đã có nhiều công cụ khác với chức năng tương tự như Compass, nhưng Backstage có lợi thế lớn hơn nhiều ở chỗ dự án này có sự linh hoạt, có khả năng mở rộng và là dự án mã nguồn mở, giúp các công ty tránh vendor lock-in (các rủi ro những doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu khi chuyển dữ liệu, dịch vụ hoặc ứng dụng sang nhà cung cấp đám mây mới nếu nhà cung cấp đó gặp phải sự cố nào đó.

Spotify đã bắt đầu sử dụng Backstage trong nội bộ từ năm 2016, trước khi phát hành phiên bản này theo giấy phép mã nguồn mở vào đầu năm 2020. Và đầu năm nay, Backstage đã được Cloud Native Computing Foundation (CNCF) tiếp nhận ươm tạo.

Spotify và Microservices

Hầu hết các công ty công nghệ lớn đều đã và đang phát triển các chương trình nguồn mở khá mạnh mẽ. Các chương trình này thường ở dạng: đóng góp cho các dự án của bên thứ ba có liên đới đến các tech stack được sử dụng tại các công ty này, hoặc thông qua việc quyên góp các dự án được phát triển nội bộ cho cộng đồng. Và đó chính xác là điều đã khiến Spotify khởi động dự án Backstage, khi trước đó đã bị lu mờ bởi sự nổi lên của Kubernetes trong lĩnh vực Microservices.

Spotify và Microservices là một câu chuyện dài. Spotify là công ty sớm áp dụng Microservices, một kiến ​​trúc giúp các công ty tổng hợp các phần mềm phức tạp một cách dễ dàng hơn, thông qua việc tích hợp các thành phần được phát triển riêng biệt và kết nối các thành phần này thông qua API. Điều này trái ngược với kiến ​​trúc Monolith truyền thống – một kiến trúc tuy có sự đơn giản hơn ở một số khía cạnh, nhưng lại khó duy trì và mở rộng quy mô.

Spotify về cơ bản đã có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển đổi từ Monolith sang Microservices. Nhưng Microservices đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bộ phận, và là một quy trình “khó xơi”, tốn nhiều nguồn lực. Để giải quyết vấn đề này, Spotify đã phát triển một nền tảng container orchestration có tên là Helios, mở nguồn vào năm 2014. Container orchestration là công cụ, dịch vụ dùng để điều phối và quản lý nhiều container sao cho chúng làm việc một cách hiệu quả nhất. 

du-an-helios-cua-spotify-github
Dự án Helios của Spotify trên Github

Tuy nhiên, với sự phát triển Kubernetes từ kho nguồn mở của Google, Spotify đã đưa ra quyết định “đau đớn” là từ bỏ Helios và dốc toàn lực vào Kubernetes.

Tyson Singer, người đứng đầu bộ phận công nghệ và nền tảng của Spotify, giải thích: “Kubernetes đã nhận được rất nhiều thành công, khiến chúng tôi phải gạt bỏ Helios, mặc dù đây là một quyết định vô cùng tốn kém”. “Nhưng đây là điều cần làm, bởi vì chúng tôi không thể đầu tư cho Helios với quy mô ngang tầm của Kubernetes”, ông nói tiếp.

Điều này là bài học nhớ đời cho Spotify và là nguồn gốc của việc quyết định khởi động Backstage vào năm 2020. Singer cho biết: “Backstage là hệ điều hành dành cho các nhóm phát triển sản phẩm của Spotify — Backstage thực sự là cốt lõi của chúng tôi. “Và Spotify không muốn phải thay thế nó.”

Quay trở lại với Backstage của hiện tại: Spotify hiện đang nỗ lực gấp đôi để đầu tư cho Backstage nhằm “mời chào” các công ty lớn nhất thế giới. Điều này sẽ liên quan đến việc kiếm tiền từ dự án mã nguồn mở cốt lõi bằng cách bán các plugin cao cấp.

Singer tiếp tục: “Việc tạo doanh thu từ các plugin này cho phép chúng tôi tự tin hơn.” “Và đó là điều chúng tôi muốn — bởi vì, việc thay thế (một lần nữa) sẽ rất tốn kém đối với chúng tôi.”

 

Khám phá thêm
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm đến hơn 70%, Việt Nam luôn được coi là thị trường...