Sống đơn độc là một lợi thế lớn trong thế giới động vật. Con người có thể học được điều gì từ chúng?
Các loài động vật đơn độc ít có được sự chú ý từ các nhà khoa học vì những mặc định rằng đó là trạng thái tồn tại cơ bản, nguyên thủy, gắn với chống đối xã hội và trí thông minh kém. Có lẽ vì bản thân chúng ta là những sinh vật xã hội nên chúng ta bị thu hút nhiều hơn vào việc nghiên cứu những sinh vật hợp tác theo nhóm. Nhưng gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra đời sống của các loài động vật đơn độc thú vị hơn rất nhiều. Đặc biệt khi xu hướng “một mình” của con người đang trở nên phổ biến, những loài động vật này nhắc nhở chúng ta về nhiều lợi ích của sự đơn độc và việc sống một mình không đồng nghĩa với cô đơn. Cùng Techie tìm hiểu nhé!
Một số loài động vật ưa thích sống đơn độc
Chuột chũi mù Trung Đông là một ví dụ điển hình của sự hướng nội tuyệt đối. Chúng đào hệ thống đường hầm riêng sâu khoảng 30cm dưới mặt đất và dành phần lớn cuộc đời ở đó, thu thập rễ cây, củ và hành để sinh sống. Mỗi con chuột chũi sở hữu một lãnh thổ riêng biệt và nếu một con vô tình xâm phạm lãnh thổ của con khác, một cuộc chiến dữ dội có thể xảy ra, thường dẫn đến cái chết của kẻ yếu hơn.

Loài gặm nhấm này chỉ tương tác với đồng loại trong mùa giao phối, nhưng ngay cả khi đó, chúng vẫn duy trì sự thận trọng. Con đực đào hang tiến về phía con cái nhưng dừng lại trước khi vào hẳn lãnh thổ của nó. Trong nhiều ngày, chúng giao tiếp bằng cách tạo ra những rung động nhịp nhàng, gõ đầu vào trần đường hầm. Chỉ khi con cái tỏ ý chấp nhận, con đực mới tiến vào để giao phối, sau đó rời đi ngay lập tức, đóng kín đường hầm phía sau và tiếp tục cuộc sống ẩn dật.
Một số loài đơn độc khác sống có phần cởi mở hơn. Như loài bạch tuộc, vốn nổi tiếng với bản tính thích một mình, thường chỉ gặp nhau để giao phối hoặc săn mồi lẫn nhau, đôi khi cũng tập hợp lại. Ban đầu, một con bạch tuộc tích lũy các vỏ sò bỏ đi sau khi ăn, lâu dần tạo thành lớp trầm tích đủ ổn định để một con khác đến xây hang. Quá trình này lặp lại và cuối cùng, một nhóm lên đến 16 con bạch tuộc cùng sinh sống tại khu vực này.

Sống đơn độc có tốt hơn sống theo bầy đàn?
Sống theo bầy đàn có thể mang lại nhiều lợi ích: ngựa vằn an toàn hơn trong nhóm, sư tử săn mồi hiệu quả hơn khi phối hợp cùng nhau, chim giúp nhau nuôi con và tinh tinh gắn kết bằng cách chăm sóc lông cho nhau. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự cạnh tranh khốc liệt về nơi trú ẩn, thức ăn, thậm chí cả bạn tình đều phải chia sẻ. Nếu không thể chia sẻ, chỉ một số cá thể có thể giành được lợi ích.
Đối với những loài như sư tử, nơi có nguồn thức ăn dồi dào, việc săn bắt theo nhóm là một cách hiệu quả. Nhưng với những loài phải tìm kiếm con mồi nhỏ lẻ hoặc rải rác, sống đơn độc lại là lựa chọn tối ưu. Đây là lý do tại sao tatu và thú ăn kiến kiếm ăn một mình khi săn côn trùng hay hổ săn mồi đơn độc để tránh cạnh tranh, bảo vệ lãnh thổ riêng.

Sống một mình giúp động vật giảm bớt cạnh tranh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh và ký sinh trùng. Đối với những con cái nuôi con non, điều này còn giúp chúng tập trung toàn bộ năng lượng vào con của mình thay vì phải chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng như các loài sống bầy đàn. Ngoài ra, một số loài như lười chỉ có thể dựa vào khả năng ngụy trang khi chúng không sống trong nhóm lớn.
Nhưng cuộc sống một mình đôi khi cũng đầy trở ngại
Sống một mình có những thách thức riêng, chẳng hạn như mất đi lợi ích từ sự quây quần để giữ ấm. Còn với các loài có tính xã hội cao, việc cô lập có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.
Việc cô đơn và tự sống ngay từ khi sinh ra đã khiến con con rời xa sự chăm sóc và dạy dỗ từ mẹ. Đặc biệt, một số loài có tập tính bắt chước, việc lớn lên một mình có thể ảnh hưởng đến các sự phát triển thể chất của chúng.
Như chuột chũi mẹ đến một thời gian nhất định chúng sẽ trở nên hung dữ và buộc con phải rời khỏi đường hầm để sinh tồn. Nghe có vẻ rất khắc nghiệt nhưng đó là cách loài này duy trì sự sống trong suốt cuộc đời.
Cuộc sống của những loài động vật đơn độc giúp chúng ta nhận ra rằng việc ở một mình không còn là vấn đề quá nặng nề, ngay cả khi đó được coi là kỳ lạ trong một xã hội vốn hướng ngoại. Động vật đơn độc cũng có thể xây dựng các mạng lưới xã hội có ý nghĩa xung quanh chúng và những người sống một mình cũng có thể làm như vậy. Nếu phù hợp, ở một mình đôi khi là lựa chọn tốt nhất của nhiều người.
>> Xem thêm: Có thể bạn chưa biết: Loài vật nào thông minh nhất?