Robot AI Ai-Da lần đầu tham dự cuộc họp tại Thượng viện Anh
Vừa qua, một robot AI lần đầu tiên trong lịch sử đã tham gia chất vấn tại Thượng viện Anh Quốc. Mang cái tên Ai-Da, cô tới đây để trả lời các câu hỏi về tương lai của ngành sáng tạo.
Cô gái robot có dáng vẻ y hệt con người có tên gọi Ai-Da – vừa qua đã có buổi chất vấn với Ủy ban Truyền thông và Kỹ thuật số Anh, với mục đích thăm dò về tương lai của các ngành công nghiệp sáng tạo. Đồng thời Ai-Da cũng tham gia một cuộc tranh luận về cách thức công nghệ đang định hình, thậm chí đang cản trở lĩnh vực nghệ thuật.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia, một người máy được đưa ra làm chứng tại Thượng viện Anh. Aidan Meller, người phát minh ra robot Ai-Da, đồng thời là chuyên gia nghệ thuật hiện đại và đương đại, đã cho biết trước phiên họp: “Việc Ai-Da được cho phép lên ý kiến trong phiên họp cực kỳ quan trọng này là một điều đáng kinh ngạc.”
Được mệnh danh là “nghệ sĩ robot siêu thực đầu tiên trên thế giới”, Ai-Da được biết đến rộng rãi với khả năng vẽ chân dung và làm thơ bằng cách sử dụng kết hợp cánh tay robot, camera trong mắt và thuật toán AI. Ai-Da cho biết, các tính năng độc đáo cho phép cô tạo ra “những hình ảnh hấp dẫn”.
“Tôi phụ thuộc vào các chương trình máy tính và thuật toán,” Ai-Da nói, đồng thời chậm rãi di chuyển đầu từ bên này sang bên kia và thỉnh thoảng chớp mắt. “Dù không phải là con người, nhưng tôi vẫn có thể sáng tạo nghệ thuật.”
Ai-Da thừa nhận cô không biết thế giới sẽ đi về đâu, tuy nhiên cô cho rằng công nghệ đặt ra cả “mối đe dọa và cơ hội” cho sự sáng tạo. Cô dự đoán: “Vai trò của công nghệ trong việc sáng tạo nghệ thuật sẽ tiếp tục phát triển.
Điều này là do một trục trặc kĩ thuật không rõ nguyên nhân đối với Ai-Da khiến cô gái người máy bất chợt…ngủ gật. Meller đã giải thích cụ thể với những người tham dự trong khi nỗ lực khởi động lại người máy: “Khi chúng tôi khởi động lại Ai-Da, đôi khi cô ấy sẽ có những biểu cảm khá thú vị.”
Được tạo ra vào năm 2019, robot Ai-Da đã hứng chịu phản ứng dữ dội trong và ngoài nước từ đó đến nay.
Meller cho biết vào năm ngoái, Ai-Da đã bị giam giữ ở Ai Cập trong hơn một tuần vì bị nghi ngờ là một phần của âm mưu gián điệp. Lực lượng biên phòng Ai Cập đã giam giữ cô vì lo ngại về chiếc camera ẩn trong mắt của Ai-Da.
Khi đó, nhờ vào sự can thiệp của một Đại sứ Anh, cô được thả tự do đúng lúc để kịp tham gia một cuộc triển lãm tại các kim tự tháp của Ai Cập.
Nhân dịp Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Anh vào đầu năm nay, Ai-Da đã tự vẽ bức chân dung của bà mang tên “Nữ hoàng thuật toán”. Meller đã ca ngợi tác phẩm này là bức tranh đầu tiên vẽ nữ hoàng bằng robot, trong khi các nhà phê bình cho rằng tác phẩm thiếu đi yếu tố cảm xúc.
Jonathan Jones, nhà phê bình nghệ thuật của Guardian, đã chỉ trích bức chân dung của Ai-Da là “một ví dụ khác về hành vi sao chép lộ liễu khoác chiếc áo công nghệ AI.”
Câu chuyện về tính sáng tạo và nguyên bản của các tác phẩm tạo ra bằng AI có vẻ vẫn chưa đến hồi kết. Tháng 8 vừa qua, tác phẩm Théâtre D’opéra Spatial được tạo ra bởi phần mềm AI Midjourney đoạt giải Nhất trong cuộc thi nghệ thuật của Hội chợ Bang Colorado cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội và làm dấy lên câu hỏi: Liệu các tác phẩm bằng AI có nên được coi là sản phẩm nghệ thuật?
Lược dịch từ The Washington Post.