Những quốc gia nào đang cấm TikTok – Lý do tại sao?
Bỉ đã chính thức tham gia vào danh sách các quốc gia cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị công vụ. Cụ thể, chính phủ Bỉ lo ngại về vấn đề an ninh mạng, tính bảo mật của ứng dụng có đến 1 tỷ người dùng này. Cùng Techie khám phá những đất nước cũng đang cấm TikTok là ai nhé!
TikTok bị chính phủ phương Tây ghẻ lạnh
Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Đan Mạch và Canada gần đây cũng đã ra lệnh cấm sử dụng TikTok. Chính phủ ở các nước lo ngại rằng thông tin nhạy cảm có thể bị lộ ra ngoài khi người dùng tải ứng dụng. Cho nên các quốc gia đã nhanh chóng cấm cài đặt ứng dụng trên các thiết bị chính phủ.
TikTok là Ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của Trung Quốc. Bytedance – công ty mẹ của TikTok, đã lên tiếng rằng ứng dụng không chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc và được điều hành hoàn toàn độc lập.
Nhưng nhiều quốc gia vẫn còn thận trọng về nền tảng này và mối liên hệ của nó với Trung Quốc. Các công ty công nghệ phương Tây, bao gồm Airbnb, Yahoo và LinkedIn, cũng đã rời khỏi Trung Quốc hoặc giảm hoạt động tại đó do luật bảo mật nghiêm ngặt của Bắc Kinh, quy định cách thức các công ty có thể thu thập và lưu trữ dữ liệu.
Xem thêm: TikTok nói gì trước nghi vấn thu thập dữ liệu người dùng tại Mỹ?
Dưới đây là các quốc gia và khu vực đã áp dụng lệnh cấm một phần hoặc toàn bộ ứng dụng này.
Liên minh châu Âu
Quốc hội châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu, ba cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu, đều đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị nhân viên, vì lý do liên quan đến an ninh mạng.
Lệnh cấm của Quốc hội châu Âu, được thông báo vào thứ Ba, có hiệu lực từ ngày 20 tháng 3. Nó cũng “mạnh mẽ khuyến khích” các thành viên của quốc hội và nhân viên gỡ bỏ ứng dụng khỏi các thiết bị cá nhân của họ.
Bỉ
Theo một bài đăng trên trang web của Thủ tướng Bỉ, TikTok sẽ bị tạm thời cấm trên các thiết bị được sở hữu hoặc trả tiền bởi chính phủ liên bang Bỉ trong vòng ít nhất là sáu tháng.
Đáp lại thông báo của Bỉ, TikTok cho biết họ “thất vọng về việc đình chỉ này, dựa trên thông tin sai lầm cơ bản về công ty của chúng tôi”, thêm rằng họ sẵn sàng “gặp các quan chức để giải đáp mọi lo ngại và sửa chữa các hiểu lầm”.
Đan Mạch
Vào ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã thông báo rằng họ sẽ “cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công vụ như một biện pháp bảo mật thông tin.
Trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết Trung tâm An ninh Mạng và Cơ quan Tình báo Ngoại giao của quốc gia này đánh giá rằng TikTok có nguy cơ chứa phần mềm gián điệp. Bộ Quốc phòng Đan Mạch còn cho biết nhân viên của Bộ “phải gỡ bỏ TikTok khỏi điện thoại và các thiết bị làm việc ngay lập tức nếu trước đó đã cài đặt”.
Hoa Kỳ
Cũng vào tháng 3/2023, Hoa Kỳ cho biết các nhân viên làm việc tại cơ quan chính phủ phải xóa TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống liên quan có chứa dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp của Hoa Kỳ đang đề nghị cấm toàn bộ ứng dụng. Hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ cũng đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị chính phủ. Cả Cục điều tra Liên bang và Ủy ban Truyền thông Liên bang đã cảnh báo rằng ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu người dùng TikTok với chính quyền Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có lo ngại về nội dung của TikTok rằng liệu nó có gây hại cho sức khỏe tinh thần của thiếu niên hay không. Các nhà nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận Center for Countering Digital Hate đã trích trong một báo cáo vào tháng 12/2022 của họ rằng: nội dung về rối loạn ăn uống trên nền tảng TikTok đã thu hút được 13,2 tỷ lượt xem, điều này có thể “bình thường hoá” căn bệnh tâm lý nguy hiểm này. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, có đến hai phần ba thanh thiếu niên của Hoa Kỳ sử dụng TikTok.
Canada
Sau thông báo của Mỹ, Canada cũng lên tiếng rằng các thiết bị được cấp phép của chính phủ không được sử dụng TikTok, nhằm tránh các nguy cơ lộ thông tin riêng tư và bảo vệ an ninh quốc gia.
Ấn Độ
Năm 2020, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác, bao gồm ứng dụng nhắn tin WeChat, vì lo ngại về quyền riêng tư và an ninh. Lệnh cấm được đăng tải ngay sau khi xảy ra một cuộc xung đột giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới Himalaya đang tranh chấp, làm chết 20 binh sĩ Ấn Độ và làm bị thương hàng chục người.
Dù Công ty Bytedance đã được chính phủ Ấn Độ trao cơ hội để trả lời các câu hỏi về quyền riêng tư và an ninh trong ứng dụng của mình, nhưng lệnh cấm đã được biến thành vĩnh viễn vào tháng 1 năm 2021.
Tổng kết
Vấn đề về độ bảo mật của TikTok đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên toàn cầu. Một số quốc gia đã quyết định cấm sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị được cấp phép của chính phủ hoặc đưa ra những hạn chế cụ thể đối với việc sử dụng TikTok. Các vấn đề về quyền riêng tư và an ninh đang được xem là những điểm yếu của ứng dụng này, và việc đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu của người dùng trở thành một ưu tiên hàng đầu đối với TikTok. Sự an toàn và bảo mật của TikTok cần được giám sát và cải tiến liên tục để đảm bảo rằng ứng dụng này không chỉ là một công cụ giải trí phổ biến mà còn là một nền tảng an toàn cho người dùng.
Xem thêm: Filter mới của Tiktok gây sửng sốt cho người dùng – liệu có phải phát triển dựa trên AI