Những câu chuyện khoa học ấn tượng nhất năm 2023
Năm 2023 là một năm đáng nhớ trong thế giới khoa học, với nhiều phát hiện và tiến bộ mới mang tính đột phá. Từ những khám phá về vũ trụ xa xôi đến những hiểu biết sâu sắc về cơ thể con người, khoa học đã tiếp tục mở ra những chân trời mới cho chúng ta.
Ấn Độ đáp xuống cực nam của Mặt Trăng
Trong khi những tỷ phú phương Tây mải mê “ném tiền” vào những tên lửa du hành vũ trụ, các nhà khoa học Ấn Độ lặng lẽ đạt được thành tích chưa từng có. Tàu Chandrayaan-3 chính là lần đầu tiên con người chạm tới cực Nam Mặt Trăng.
Được biết, cực nam Mặt trăng là điểm xa nhất về phía nam trên Mặt Trăng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học bởi sự hiện diện của băng nước ở những khu vực bóng tối vĩnh cửu xung quanh nó. Băng nước có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu, oxy và nước uống – những thứ có thể phục vụ cho sự sống trên Mặt trăng trong tương lai.
Năm 2023: Thời điểm trí tuệ nhân tạo bùng nổ
2023 là năm trí tuệ nhân tạo (AI) bước vào cuộc sống hàng ngày với ChatGPT và những “người anh em họ” – các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT đã trở thành “hiện tượng” vào năm 2023, khiến người dùng kinh ngạc bởi khả năng có thể trả lời nhanh chóng về gần như mọi thứ, kể cả các phép toán phức tạp.
Ngành công nghệ – dẫn đầu bởi những “ông lớn” nghìn tỷ đô la – đã bị bất ngờ trước thành công của một sản phẩm đến từ một công ty chỉ có vài trăm nhân viên. Hiện tại, cuộc đua giành vị trí tiên phong trong thị trường AI do ChatGPT khởi xướng đang diễn ra vô cùng sôi động.
Chúng ta là hậu duệ của châu Phi
Loài người hiện đại – Homo sapiens – đã lần đầu tiên xuất hiện trên mảnh đất châu Phi, và phần lớn trong nửa triệu năm qua quá trình tiến hóa của con người cũng diễn ra ở đó. Phần còn lại của thế giới được con người cư trú chỉ trong 100.000 năm gần đây, khi một số ít “anh hùng” đã dũng cảm rời khỏi cái nôi của nhân loại ở châu Phi.
Đây là kết quả được công bố sau một thập niên nghiên cứu do nữ giáo sư Sarah Tishkoff, nhà di truyền học tại Đại học Pennsylvania. Bà đã lặn lội tới những vùng đất xa xôi và nguy hiểm trên lục địa đen cùng một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia khác, nhằm lấy mẫu DNA của hơn 3 ngàn cư dân Phi châu hiện đại từ 121 vùng dân cư khác nhau.
Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu DNA đều chỉ bắt nguồn từ 14 nhóm tộc người tổ tiên khác nhau, và các ngôn ngữ họ nói cũng gần tương đương với các biến thể của gien di truyền. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: một nhóm nhỏ gồm khoảng 150 người châu Phi đã đi “gieo giống” trên toàn thế giới, ngay sau khi vượt qua Hồng hải
2023 là năm nóng nhất lịch sử
Có một câu chuyện ngụ ngôn: con ếch bị thả vào nước sôi sẽ vùng vẫy thoát thân, nhưng nếu nước nóng dần, nó sẽ chết mà không hay biết. Năm 2023, Trái Đất đã đạt kỷ lục nóng nhất lịch sử, lần thứ 7 trong vòng 7 năm. Như Vua Charles đã nói tại hội nghị Cop28, chúng ta đang dần “miễn dịch” với những lời cảnh báo.
Tin tốt là chúng ta đã có sẵn giải pháp. Trong năm qua, Vương quốc Anh sản xuất năng lượng xanh nhiều hơn bao giờ hết. Trí tuệ nhân tạo bắt đầu phân tích dữ liệu khí hậu và thời tiết với tốc độ vượt trội so với hàng triệu nhà dự báo con người. Vệ tinh Swot của NASA bắt đầu đo lường lượng nước trên Trái Đất, góp phần phòng ngừa thiên tai.
Bước tiến trong điều trị bệnh của cộng đồng da màu
Những năm gần đây, những bất công về chủng tộc trong lĩnh vực y tế đã được nhiều người quan tâm chú ý. Chính vì vậy, việc Vương quốc Anh đi tiên phong trong việc phát triển liệu pháp điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và thalassemia beta bằng công nghệ sinh học là một bước tiến đáng mừng.
Hai căn bệnh suy nhược và đôi khi gây tử vong này có tỷ lệ mắc cao hơn ở cộng đồng người da màu và những người có nguồn gốc từ miền Nam Địa Trung Hải, Trung Đông, Nam Á và Châu Phi.
Cơ quan quản lý thuốc của Vương quốc Anh đã phê duyệt công cụ chỉnh sửa gen Crispr-Cas9 mang tên Casgevy để điều trị bệnh. Liệu pháp này đã được chứng minh là có thể giảm bớt các cơn đau suy nhược của bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và loại bỏ hoặc giảm nhu cầu truyền máu hồng cầu ở bệnh thalassemia trong ít nhất một năm.
Béo phì là căn bệnh thế kỷ!
Thế giới đang đối mặt với một vấn đề nan giải: 650 triệu người trưởng thành bị béo phì (BMI trên 30 kg/m2), tiêu thụ nhiều calo hơn nhu cầu cơ thể. Ngược lại, 735 triệu người trên toàn cầu đang phải chịu cơn đói triền miên. Tuy nhiên, số người chết vì béo phì lại cao hơn so với suy dinh dưỡng. Do đó, sự ra đời của một nhóm thuốc mới có tên gọi chất kích thích thụ thể glucagon-like peptide-1 (GLP-1) được xem là bước tiến đáng mừng.
Ban đầu, thuốc GLP-1 được bào chế để kiểm soát bệnh tiểu đường, sau đó, được cấp phép sử dụng như thuốc giảm cân. Wegovy, một loại thuốc tiêu biểu của nhóm này, hoạt động bằng cách giảm lượng đường trong máu và tạo cảm giác no nhanh hơn khi ăn. Trong một thử nghiệm lâm sàng kéo dài 2 năm với 304 người tham gia, những người dùng Wegovy giảm 15% trọng lượng cơ thể, trong khi nhóm đối chứng chỉ giảm 3%.
Các loài chim quý dần mất đi
Năm 2023 là một năm đầy kỷ lục, nhưng không phải là kỷ lục đáng tự hào. Bên cạnh vấn đề nóng lên toàn cầu, một thảm họa môi trường khác đang diễn ra: sự suy giảm nhanh chóng của các loài động vật hoang dã.
Mặc dù cấp bách, cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học chỉ nhận được sự quan tâm ít hơn so với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là đã có sự suy giảm rõ rệt của các loài chim ở châu Âu.
Trong bốn thập kỷ qua, số lượng chim trên khắp châu Âu đã giảm đáng kinh ngạc, lên đến 550 triệu con. Cho đến nay, người ta tin rằng nguyên nhân chính là mất môi trường sống và ô nhiễm.
Xem thêm: Điểm mặt những cú ngã ngựa trong ngành Tech năm 2023