Nghỉ phép để “chữa lành” liệu có phải là một ý tưởng hay?
Khái niệm nghỉ phép để đi “chữa lành” đã không còn xa lạ – nhất là đối với những lao động trẻ hiện nay. Một chuỗi siêu thị tại Trung Quốc thậm chí còn cho nhân viên nghỉ phép 10 ngày bất cứ thời điểm nào trong năm – nếu người đó cảm thấy “không vui”. Nhưng liệu điều này có giải quyết được gốc rễ vấn đề? Cùng Techie bàn luận thêm về chủ đề này nhé!
Gác lại công việc để đi “chữa lành”
Ý tưởng về việc nghỉ phép để đi “chữa lành” bắt đầu như một khái niệm không chính thức. Mọi người sẽ nói về việc dành một vài ngày nghỉ phép để nghỉ ngơi hoặc nạp lại năng lượng sau khoảng thời gian làm việc căng thẳng.
Gần đây hơn, nhiều nơi làm việc đã bắt đầu tổ chức những ngày nghỉ “chữa lành” như một phúc lợi cần thiết cho người lao động. Điển hình như những người làm việc tại Đại học Texas (Hoa Kỳ) được nghỉ thêm 8 giờ/năm dành cho hoạt động chăm sóc sức khỏe. Hay “chơi trội” hơn, phải nói đến chuỗi siêu thị Pang Dong Lai. Vào cuối tháng 3/2024, “ông trùm bán lẻ” tại Trung Quốc đã gây xôn xao khi công bố chính sách cho nhân viên nghỉ thêm 10 ngày/năm để có nhiều thời gian hơn ngoài công việc.
“Tôi muốn mọi nhân viên đều có quyền tự do. Mọi người đều có lúc không vui, vì vậy nếu không vui thì đừng đến làm việc”, chủ tịch Yu Donglai của chuỗi siêu thị tuyên bố.
Tuy nhiên, nghỉ phép để “chữa lành” liệu có thật sự là một ý tưởng hay không? Giống như tất cả mọi câu hỏi liên quan đến tâm lý con người, câu trả lời có lẽ là: còn tùy!
Nghỉ phép để nạp lại năng lượng là cần thiết
Sẽ là hữu ích khi chúng ta nghỉ làm trong một khoảng thời gian ngắn để “nạp lại năng lượng”. Đặc biệt là nếu bạn đang làm một công việc thật sự có nhiều áp lực, việc dành thời gian để thư giãn sẽ giúp não bộ được “trẻ hóa”. Bởi, sự căng thẳng trước những yêu cầu khắt khe của công việc đôi khi có thể đánh thuế khả năng tư duy của bạn, hoặc thậm chí là nguyên nhân tiềm ẩn cho những vấn đề sức khỏe tâm lý nghiêm trọng hơn.
Khi hoàn thành xong một công việc đầy áp lực, việc dành thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp bạn quay trở lại với tinh thần sản khoái và thái độ tích cực. Hoặc nếu bạn đang tham gia vào một dự án kéo dài nhiều tháng, đôi khi dừng lại để nạp lại năng lượng cũng rất cần thiết. Điều này cũng giống như khi người ta tập luyện để tham gia cuộc đua marathon, đôi khi dành ra một vài buổi chiều hoặc một ngày để đi bộ đường dài sẽ có giá trị hơn nhiều.
Nhưng không phải mọi ngày nghỉ đều có giá trị “chữa lành”
Hãy đặt tình huống rằng bạn đang tham gia vào một dự án quan trọng. Các đầu việc đều đã được phân công, chia đều cho mỗi thành viên. Nhưng khi gần tới deadline để bàn giao sản phẩm, một thành viên trong nhóm bất ngờ xin nghỉ phép 1 tuần để đi “chữa lành”. Liệu đây có phải là một quyết định đúng đắn khi đã vô tình làm gia tăng áp lực và sự căng thẳng cho các thành viên còn lại?
Chưa bàn tới trách nhiệm trong công việc, thì một nghiên cứu cách đây gần 100 năm đã chứng minh rằng con người luôn có xu hướng liên tục suy nghĩ về những nghiệm vụ mà họ đang thực hiện. Có nghĩa là, khi chúng ta cố gắng nghỉ ngơi trong khi thực hiện một nhiệm vụ, sẽ rất khó để chúng ta “ngắt kết nối” với nhiệm vụ đó.
Vì vậy, lời khuyên ở đây là nếu bạn đã đi đến chặng cuối của một dự án căng thẳng, thì có lẽ sẽ tốt hơn là bạn nên hoàn thành nó rồi hãy nghỉ ngơi – thay vì nghỉ giữa chừng. Những ngày nghỉ “chữa lành” sẽ thật sự có giá trị khi chúng ta được ngắt kết nối hoàn toàn với công việc. Có rất nhiều người không ngủ đủ giấc, không có/thiếu thời gian dành cho bản thân. Thỉnh thoảng dành thời gian để ngủ bù, tham gia các hoạt động thú vị như giải trí, thể thao hoặc đến spa/thẩm mỹ viện có thể chính là điều bạn cần.
Các vấn đề mang tính gốc rễ
Có một thực tế là ngày nghỉ “chữa lành” không phải là cách để chữa trị các tình trạng mãn tĩnh. Nếu bạn đang phải chịu đựng cảm giác buồn bã kéo dài, trầm cảm hay rối loạn lo âu, hãy coi đó là một vấn đề y tế. Lúc này, điều bạn cần là một chuyên gia về tâm lý để có kế hoạch toàn diện hơn nhằm điều trị những gì đang xảy ra.
Ngày nghỉ phép chăm sóc sức khỏe tinh thần có lẽ hữu ích, nhưng nó không đủ để giải quyết gốc rễ vấn đề. Mặt khác, không phải mọi căng thẳng đều đến từ công việc. Nó còn có thể đến từ các mối quan hệ cá nhân, tình trạng kinh tế, các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống…
Cuối cùng, nghỉ phép để “chữa lành” sẽ không có giá trị khi bạn làm việc trong một môi trường độc hại – nơi có những kỳ vọng thiếu thực tế, những người đồng nghiệp “toxic” hay những người chủ lạm quyền… Lúc này, chúng ta không thể mong đợi thỉnh thoảng có một ngày nghỉ “chữa lành” để bù đắp. Điều cần thiết là xem xét kỹ lưỡng bản thân và khắc phục các vấn đề tiềm ẩn thay vì điều trị các triệu chứng.
>>Xem thêm: Nữ tướng Baidu bị sa thải vì ủng hộ văn hóa làm việc độc hại