Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể phát thải 2,5 tỷ tấn CO2 đến năm 2030
Theo một nghiên cứu từ Morgan Stanley, ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ phát thải khoảng 2,5 tỷ tấn CO2 tương đương đến cuối thập kỷ này. Điều này đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cho các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và đầu tư vào các công nghệ giảm carbon. Cùng Techie tìm hiểu nhé!
Trong những năm gần đây, các “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Microsoft, Meta và Amazon đang chạy đua mở rộng quy mô các trung tâm dữ liệu nhằm phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Những trung tâm dữ liệu này đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ, góp phần làm tăng đáng kể lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Tuy nhiên, các công ty cũng cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải này từ nay đến năm 2030.
Nghiên cứu của Morgan Stanley cho biết lượng phát thải từ ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu sẽ chiếm khoảng 40% tổng lượng khí thải mà Mỹ thải ra trong một năm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một thị trường lớn cho các giải pháp giảm phát thải carbon, bao gồm đầu tư vào năng lượng sạch, thiết bị tiết kiệm năng lượng, và vật liệu xây dựng “xanh”.
Để giữ lời hứa về việc giảm khí thải, các công ty công nghệ đang tập trung vào các giải pháp như công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) và các quy trình loại bỏ CO2. Microsoft, một trong những công ty mua năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đã ký kết nhiều thỏa thuận cung cấp năng lượng sạch tại các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Ireland, và Pháp. Gần đây, công ty đã ký hợp đồng với Pivot và RWE để phát triển các dự án năng lượng gió và mặt trời với tổng công suất hơn 800 MW tại Texas, Mỹ.
Ngoài ra, Microsoft cùng với Google, Meta và Amazon đã tham gia vào dự án thử nghiệm việc sử dụng “bê tông xanh” trong xây dựng trung tâm dữ liệu. Meta cũng vừa công bố một hệ thống đo lường lượng phát thải carbon của các máy chủ theo thời gian thực, giúp theo dõi tác động môi trường từ quá trình sử dụng phần cứng.
Sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu, mặc dù gia tăng lượng khí thải, cũng mang lại cơ hội lớn cho các ngành công nghệ xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường.
Xem thêm: Đây là cách: Các ứng dụng điện thoại có thể giúp bảo vệ môi trường