Nanobot: Bí quyết giúp con người sống qua ngưỡng 120 tuổi?

Trong cuốn sách nổi tiếng “The Singularity is Nearer: When We Merge With AI” (Tạm dịch: Điểm kỳ dị đang đến gần: Khi chúng ta hợp nhất với trí tuệ nhân tạo), nhà tương lai học Ray Kurzweil đã đề cập đến nanobot. Ông tin rằng, nó có thể giúp giải quyết những vấn đề sức khỏe bên trong cơ thể con người, giúp chúng ta sống lâu hơn. Dưới đây là nội dung được Techie trích từ cuốn sách của Kurzweil. 

Hiện chúng ta đã bước qua thời điểm cuối của giai đoạn đầu tiên tạo ra các giải pháp kéo dài tuổi thọ của con người. Giai đoạn này bao gồm phương pháp ứng dụng dược phẩm và dinh dưỡng để vượt qua những thách thức về sức khỏe. Trong thập niên 2020, chúng ta đang bắt đầu giai đoạn 2, đó là sự hợp nhất của công nghệ sinh học với công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tiếp đến, những năm 2030 sẽ là giai đoạn thứ 3 của quá trình kéo dài tuổi thọ. Khi bước vào giai đoạn này, con người sẽ có thể sống lâu một cách đáng kể, vượt xa ngưỡng giới hạn 120 năm hiện nay. Bằng cách ứng dụng công nghệ nano, những hạn chế bên trong cơ quan sinh học của con người sẽ được khắc phục hoàn toàn!

Ray Kurzweil
Nhà tương lai học Ray Kurzweil

Vì sao là ngưỡng giới hạn 120 tuổi?

Chỉ có một người duy nhất được ghi nhận sống lâu hơn 120 năm: bà Jeanne Calment người Pháp đã sống đến 122 tuổi. Vậy tại sao 120 lại là giới hạn khó khăn đối với tuổi thọ con người? Người ta có thể dự đoán rằng người cao tuổi phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhất định, ví dụ như Alzheimer, đột quỵ, đau tim, ung thư… Và sau ngày này tháng nọ tiếp xúc với các nguy cơ trên, cuối cùng người ta cũng sẽ chết vì một cái gì đó.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Dữ liệu thống kê cho thấy, từ 90 đến 110 tuổi, cứ mỗi năm, khả năng tử vong của một người sẽ tăng thêm 2%. Ví dụ, một người đàn ông ở Mỹ vào độ tuổi 97 có 30% khả năng sẽ chết trước 98 tuổi. Nếu ông ta sống tới 98 tuổi, khả năng mất trước tuổi 99 sẽ là 32%. Tuy nhiên, từ 110 tuổi trở đi, tỷ lệ này sẽ tăng tới 3.5%/năm.

Jeanne Calment
Người ghi nhận sống lâu nhất thế giới – tới 122 tuổi

Các bác sĩ giải thích rằng: vào khoảng 110 tuổi, cơ thể của con người bắt đầu suy thoái một cách khác biệt và nghiêm trọng so với tốc độ lão hóa của nhóm người già “trẻ tuổi” hơn. Quá trình lão hóa của nhóm trên 110 tuổi không chỉ đơn giản là sự tiếp tục “sống chung” với các căn bệnh người già, họ còn luôn phải đối mặt với những thách thức mới như suy thận và suy hô hấp. Những điều này dường như đến một cách tự nhiên, không phải là hệ quả của lối sống hay bất kỳ căn bệnh khởi phát nào khác. Đơn giản chỉ là cơ thể con người từ năm 110 tuổi trở đi sẽ bắt đầu phân hủy.

Trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc tìm hiểu lý do. Một trong những người dẫn đầu trong lĩnh vực này là tiến sĩ, nhà sinh vật học Aubrey de Grey. Theo tiến sĩ Grey giải thích, lão hóa cũng giống như sự hao mòn trên động cơ ô tô – đó là hư hỏng tích tụ do hoạt động bình thường của hệ thống.

Sự xuống cấp
Giống như sự hao mòn ở động cơ khi hoạt động nhiều năm, cơ thể chúng ta cũng vậy

Trong trường hợp của cơ thể con người, tổn thương đó phần lớn đến từ sự kết hợp giữa chuyển hóa tế bào và sinh sản tế bào. Quá trình trao đổi chất tạo ra chất thải trong và xung quanh tế bào và làm hỏng các cấu trúc thông qua quá trình oxy hóa (giống như sự rỉ sét của một chiếc ô tô!). Khi chúng ta còn trẻ, cơ thể chúng ta có khả năng loại bỏ chất thải này đồng thời sữa chữa những tổn thương một cách hiệu quả. Nhưng khi chúng ta già đi, hầu hết các tế bào của chúng ta đã tái sản xuất nhiều lần, dẫn đến các lỗi ngày càng tích tụ. Cuối cùng, tốc độ tổn thương bắt đầu diễn ra nhanh hơn nhiều so với tốc độ tự chữa của cơ thể.

Theo đó, các nhà nghiên cứu nhận rằng giải pháp duy nhất để kéo dài tuổi thọ là đưa cơ thể thoát khỏi sự lão hóa. Nói một cách dễ hiểu, cơ thể con người cần có khả năng tự sữa chữa tổn thương do lão hóa ở cấp độ tế bào.

Có một số khả năng đang được nghiên cứu để làm được điều này. Nhưng tôi tin rằng giải pháp tối ưu nhất là robot nano.

Nanorobotics
Nanobot

Và thậm chí chúng ta còn chẳng phải đợi cho đến khi công nghệ này thực sự hoàn thiện mới có thể hưởng lợi từ nó. Nếu bạn có thể sống đủ lâu, khi các nghiên cứu chống lão hóa bắt đầu cộng thêm ít nhất một năm vào tuổi thọ của bạn, rồi thêm một năm nữa… thì bạn sẽ có đủ thời gian để đến được thời điểm robot nano chữa trị mọi khía cạnh bên trong cơ thể của bạn.

Đó chính là lý do logic đằng sau tuyên bố giật gân của tiến sĩ Aubrey de Grey, rằng: “Người đầu tiên sống đến 1000 tuổi có thể đã được sinh ra”.

Nếu công nghệ nano của năm 2050 giải quyết đủ vấn đề lão hóa để những người 100 tuổi bắt đầu sống đến 150 tuổi, thì chúng ta sẽ có thời gian đến năm 2100 để giải quyết bất kỳ vấn đề mới nào có thể nảy sinh ở độ tuổi đó. Và một khi AI đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu vào thời điểm đó, tiến bộ sẽ tăng theo cấp số nhân.

Vì vậy, mặc dù phải thừa nhận những dự đoán này gây sửng sốt – thậm chí nghe có vẻ vô lý đối với trực giác của chúng ta về tư duy tuyến tính – nhưng hoàn toàn có lý do để chúng ta xem đây là một tương lai có thể xảy ra.

Nanobot trong y học

Trong nhiều năm, tôi đã có nhiều cuộc đối thoại về việc kéo dài tuổi thọ, và ý tưởng này thường gặp phải sự phản đối. Mọi người thường cảm thấy khó chịu khi nghe tin ai đó mất sớm vì bệnh tật, nhưng khi nghe đến khả năng kéo dài sự sống của con người nói chung, họ lại phản ứng tiêu cực.

“Cuộc sống quá khó khăn để cứ phải suy ngẫm mãi” là câu trả lời phổ biến. Nhưng hầu như, người ta thường không muốn kết thúc cuộc sống của mình trừ khi họ phải chịu sự đau đớn tột cùng về thể chất, tinh thần hoặc tâm linh. Và nếu con người được tiếp cận những cải thiện liên tục của cuộc sống ở mọi khía cạnh, thì hầu hết những phiền não sẽ dần giảm bớt. Có nghĩa là, khi con người kéo dài được tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của họ cũng được cải thiện đáng kể.

Nhưng làm thế nào công nghệ nano thực sự có thể biến điều này thành hiện thực? Theo quan điểm của tôi, mục tiêu dài hạn là robot nano y tế. Chúng sẽ được cấu thành từ các bộ phận hình kim cương với cảm biến, bộ điều khiển, máy tính, thiết bị liên lạc và có thể cả nguồn điện trên bo mạch. Thật trực quan khi tưởng tượng các nanobots như những chiếc tàu ngầm robot kim loại nhỏ xíu chạy trong dòng máu. Nhưng xét về mặt vật lý, kích thước nano đòi hỏi một cách tiếp cận khác biệt. Bởi ở quy mô này, nước cũng là một dung môi mạnh và những phân tử oxy hóa có khả năng phản ứng rất cao. Do đó, sẽ cần những vật liệu mạnh như kim cương.

nanorobots
Nanobot sẽ sữa chửa mọi vấn đề trong cơ thể từ cấp tế bào

Và trong khi các tàu ngầm ở quy mô vĩ mô có thể  tự di chuyển một cách trơn tru qua chất lỏng, thì đối với các vật thể có kích thước nano, chất lỏng có lực ma sát rất lớn. Hãy tưởng tượng đến việc bạn đang cố gắng bơi trong… bơ đậu phộng thay vì nước! Vì vậy, cần áp dụng các nguyên lý đẩy khác nhau đối với nabobot. Mặt khác, với kích thước nhỏ như vậy, chúng sẽ không đủ năng lượng lưu trữ để hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập. Cho nên nanobot phải được thiết kế để hấp thụ năng lượng xung quanh, hoặc nghe theo các tín hiểu điều khiển bên ngoài, hoặc kết hợp cả 2 để thực hiện nhiệm vụ.

Để duy trì cơ thể và chống lại các vấn đề sức khỏe, mỗi người sẽ cần một số lượng nanobot khổng lồ. Mỗi con nanobot có kích thước tương đương một tế bào trong cơ thể. Ước tính, cơ thể con người được tạo nên từ từ hàng chục nghìn tỷ tế bào sinh học. Nếu chúng ta tự tăng cường với tỷ lệ 1 nanobot cho 100 tế bào, thì con số sẽ lên tới vài trăm tỷ nanobot. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn có thể thay đổi dựa trên mức độ tối ưu của nano. Chẳng hạn, khoa học sẽ đủ tiến bộ đến mức tạo ra các nanobot tiến tiến, có thể sữa chữa cho hàng chục nghìn tế bào?!

Trên đây là một phần nội dung từ cuốn sách From The Singularity Is Nearer của Ray Kurzweil. Còn rất nhiều lập luận để Kurzweil tin rằng, đến giai đoạn 2050, cơ thể và não bộ của con người sẽ “vượt xa khả năng của cơ thể sinh học”. Bạn có thể khám phá sâu hơn bằng cách tìm đọc cuốn sách này.

Tuy nhiên, việc sống lâu hơn chắc hẳn cũng sẽ đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn liệu chúng ta có thể theo đuổi một công việc “cả đời” hay có một mối hôn nhân bền vững kéo dài “trăm năm hạnh phúc”?

>>Xem thêm: Thế kỷ 21 trong tưởng tượng của các nghệ sỹ ở thế kỷ 19 sẽ như thế nào?

Khám phá thêm
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên...