Quên nỗi lo tận thế đi! Mối hiểm nguy thật sự của công nghệ AI đã xuất hiện và cấp thiết hơn nhiều!

Đã hơn 6 tháng kể từ khi ChatGPT ra mắt toàn cầu. Kể từ đó, dường như mọi người trên thế giới đều có chung nỗi lo về viễn cảnh thống trị của AI. Và vì thế, có vẻ như chúng ta đã xao nhãng trước một mối hiểm nguy mang tính khẩn cấp – cũng như đáng lo ngại hơn rất nhiều? Cụ thể là gì? Techie sẽ bật mí ngay sau đây!

Nghịch lý tại Thung lũng Silicon

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 16/5, Sam Altman – CEO của OpenAI đã nói rằng: nỗi sợ lớn nhất với AI là nó có thể gây hại cho thế giới nếu không kiểm soát. Theo đó, Altman cùng với Demis Hassabis – CEO của Google DeepMind và Giám đốc công nghệ của Microsoft là Kevin Scott cùng hàng chục nhà nghiên cứu và doanh nhân trí tuệ nhân tạo khác đã ký tên trong một lá thư chỉ có một câu, tuyên bố: “Giảm thiểu rủi ro tuyệt chủng do trí tuệ nhân tạo nên là một ưu tiên toàn cầu cùng với những rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân.”

mối nguy của AI
Cả thế giới dường như đều đang chung nỗi lo ngại về viễn cảnh AI thống trị con người

Cảnh báo trên đã được giới truyền thông đưa tin rộng rãi. Một số quan điểm cho rằng đã đến lúc đối diện với các kịch bản tận thế do AI một cách nghiêm túc hơn. Nhưng điều này lại làm nổi bật một nghịch lý tại Thung lũng Silicon hiện nay: các lãnh đạo hàng đầu của các công ty công nghệ lớn đều cùng lúc cho biết AI có tiềm năng gây tuyệt chủng con người, song họ lại không ngừng chạy đua để triển khai công nghệ này vào các sản phẩm tiếp cận hàng tỷ người.

Trước đó, Elon Musk đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên TV rằng trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến “sự tàn phá của nền văn minh”. Nhưng chính bản thân Musk cũng đang đầu tư vào công nghệ này để tạo ra một lựa chọn cạnh tranh với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của Microsoft và Google.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, việc thu hút sự quan tâm vào các tình huống xa xôi có thể làm lạc hướng khỏi những tác hại lớn và mang tính tức thì hơn. Cũng trong buổi điều trần trước quốc hội Mỹ tháng 5, giáo sư AI Gary Marcus nói: “Một số CEO có thể thực sự lo lắng về AI, nhưng số khác đang cố lái nỗi lo của cộng đồng vào những thứ trừu tượng, khiến mọi người xao nhãng về những ảnh hưởng tức thời”.

Vậy đâu mới là mối nguy cần quan tâm ngay lập tức?

Theo Marcus, điều nhân loại cần tập trung nhất trong thời điểm này là “mối đe dọa đối với nền dân chủ từ việc sản xuất hàng loạt thông tin sai lệch hấp dẫn”. Các AI tạo sinh như ChatGPT và Dall-E được đào tạo trên những lượng lớn dữ liệu trực tuyến để tạo ra các tác phẩm viết và hình ảnh hấp dẫn dựa trên các yêu cầu của người dùng. Với những công cụ này, người ta có thể nhanh chóng mô phỏng phong cách hoặc hình dáng của các nhân vật nổi tiếng nhằm tạo ra các chiến dịch thông tin sai lệch.

Trong lời khai trước Quốc hội, Altman cũng thừa nhận về khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo để thao túng cử tri và tạo ra thông tin sai lệch. Tuy nhiên, ngay cả trong các tình huống thông thường, thông tin do AI cung cấp vẫn gây ra sự quan ngại. Những công cụ này từng bị chỉ trích vì cho các câu trả lời sai yêu cầu của người dùng, “mơ hồ” và có khả năng gây ra sự định kiến về chủng tộc, giới tính.

Thông tin sai lệch do AI
Vấn nạn thông tin sai lệch được “tiếp tay” bởi AI mới là điều đáng quan ngại hơn

Trước đó, Geoffrey Hinton – người được mệnh danh là “cha đẻ của AI” cũng đã rời Google để cảnh báo về mối nguy hại tin giả mà AI có thể gây ra. Ông nhiều lần bày tỏ sự lo lắng về viễn cảnh thế giới ngập tràn thông tin sai lệch được giả mạo tinh vi đến mức con người sẽ không còn có thể nhận biết đâu là sự thật.

Đồng quan điểm trên, giáo sư tại Đại học Washington, đồng thời là giám đốc của Phòng thí nghiệm Ngôn ngữ tính toán Emily Bender cho biết một số công ty có thể muốn làm xao nhãng sự chú ý của dư luận vào những vấn đề khác, ví dụ như cách hệ thống AI được đào tạo, và nguồn gốc dữ liệu mà các công ty này sử dụng.

“Nếu công chúng và các cơ quan quản lý chỉ tập trung vào những kịch bản “khoa học viễn tưởng” tưởng tượng này, thì có lẽ các công ty AI có thể trốn thoát khỏi việc đánh cắp dữ liệu và các hành vi lợi dụng trong một thời gian dài” Bender nói với CNN.

Cuối cùng, Bender đặt ra một câu hỏi đơn giản đối với ngành công nghệ về trí tuệ nhân tạo: “Nếu họ thật sự tin rằng điều này có thể gây ra tuyệt chủng con người, thì tại sao không dừng lại?”

Tóm lại thì, AI và những vấn đề xung quanh nó vẫn còn rất nhiều thông tin gây tranh cãi. Về phía người dùng, Techie mong rằng chúng ta luôn giữ được sự tỉnh táo cần thiết khi sử dụng các công cụ này!

>>Xem thêm: FBI cảnh báo về nạn tống tiền bằng công nghệ deepfake

Khám phá thêm
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên...