MiniMax – Startup AI Trung Quốc vươn tầm quốc tế với ứng dụng Talkie tại Mỹ
Ứng dụng chatbot giải trí Talkie của MiniMax, một công ty khởi nghiệp AI đình đám từ Trung Quốc, vừa có bước đột phá lớn tại thị trường Mỹ. Cùng Techie tìm hiểu xem đây là ứng dụng gì mà lại thành công đến thế!
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower, Talkie đã trở thành ứng dụng AI được tải xuống nhiều thứ tư tại Mỹ trong nửa đầu năm 2024, vượt mặt nhiều đối thủ như Character.ai được Google hậu thuẫn. Trong khi đó, trên toàn cầu, Talkie ghi nhận 17 triệu lượt tải, chỉ xếp sau Character.ai với gần 19 triệu lượt tải.
Talkie thuộc phân khúc “AI bạn đồng hành,” một xu hướng công nghệ AI đang phát triển mạnh, cho phép người dùng tạo và trò chuyện với các nhân vật ảo được xây dựng từ người thật hoặc nhân vật hư cấu. Startup MiniMax có trụ sở tại Thượng Hải, dự kiến đạt doanh thu khoảng 70 triệu USD trong năm nay, chủ yếu nhờ nền tảng chatbot avatar dành cho các thị trường quốc tế.
Ứng dụng AI bạn đồng hành đang đặc biệt phổ biến ở giới trẻ, với hơn 70% người dùng trong độ tuổi từ 18-35 cho các ứng dụng hàng đầu như Talkie, Character.ai, Linky AI và HiWaifu, theo Sensor Tower. Thành công của Talkie phản ánh sự tăng trưởng của các ứng dụng mạng xã hội do các công ty AI Trung Quốc phát triển ở thị trường quốc tế, trong khi nhu cầu trong nước còn chậm lại do các ứng dụng phổ biến đã chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Khả năng sáng tạo nội dung từ Generative AI
Generative AI (GenAI) là các thuật toán được dùng để tạo nội dung mới, từ âm thanh, mã code, hình ảnh đến video và văn bản. Điều này đã thu hút sự quan tâm của giới công nghệ trên thế giới khi nền tảng GenAI không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại Trung Quốc, MiniMax và các ứng dụng như Glow và Alienchat từng phổ biến trên các kho ứng dụng nhưng nay đã bị gỡ bỏ. Co-founder của MiniMax, ông Yan Junjie, cho biết các công ty công nghệ lớn trong nước đang kiểm soát thị trường nội địa, khiến cạnh tranh trở nên khó khăn hơn. Điều này khiến các công ty AI như MiniMax tìm cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn tại các thị trường nước ngoài.
Cơ hội phát triển AI từ khoảng trống thị trường quốc tế
Khi OpenAI trì hoãn ra mắt sản phẩm Sora do lo ngại về an ninh, các công ty AI Trung Quốc nhanh chóng tận dụng khoảng trống này. Công nghệ Kling của Kuaishou hiện đang dẫn đầu thị trường, với 3,6 triệu người dùng trên toàn cầu và đã tạo ra hơn 37 triệu video và 100 triệu hình ảnh tĩnh. Theo phó chủ tịch của Kuaishou, ông Zhang Di, công ty đã bắt đầu thu phí dịch vụ tạo video dạng Sora từ tháng 8, mở rộng mô hình này qua gói đăng ký hàng tháng.
Cùng với Kuaishou, các tập đoàn lớn khác như Alibaba, Tencent, và ByteDance cũng tham gia cuộc đua với các công cụ tạo video dựa trên AI để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong và ngoài nước. Các ứng dụng giáo dục sử dụng GenAI của Trung Quốc cũng tạo dấu ấn tại Mỹ, trong đó nổi bật là Question.AI của Zuoyebang và Gauth của ByteDance, cả hai đều lọt top ba ứng dụng giáo dục miễn phí trên App Store và Google Play tại Mỹ trong năm nay.
Mặc dù vậy, ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo vẫn giữ vị trí số một, chứng minh sức mạnh của các nền tảng học tập truyền thống trong bối cảnh sự trỗi dậy của các ứng dụng AI mới.
Xem thêm: Châu Âu đứng giữa cơn sốt AI và tham vọng bảo vệ môi trường