“Mặt phải” của công nghệ đối với sức khỏe tinh thần
Mạng xã hội và công nghệ nói chung thường bị chỉ trích như những tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người – về cả thể chất lẫn tinh thần. Nhưng ở một khía cạnh khác, công nghệ cũng đang “góp sức” đáng kể trong các phương pháp trị liệu sức khỏe tinh thần trong những năm gần đây.
Với sự phát triển của công nghệ, các chuyên gia trị liệu có thể cung cấp các phương pháp điều trị hiệu quả, dễ tiếp cận và cá nhân hóa cho bệnh nhân, bất kể vị trí, địa vị xã hội hay tình trạng tài chính của họ. Hãy cùng Techie tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết này nhé!
Cách công nghệ đang được ứng dụng trong trị liệu tâm lý
Teletherapy
Teletherapy là hình thức trị liệu từ xa thông qua cuộc gọi video, điện thoại hoặc tin nhắn. Hình thức điều trị này ngày càng trở nên phổ biến nhờ tính tiện lợi và dễ tiếp cận của nó. Một trong những lợi ích chính của teletherapy là nó có thể được thực hiện ở bất kỳ đâu, miễn là bệnh nhân có kết nối internet. Điều này có nghĩa là những bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc đến văn phòng điều trị vật lý, chẳng hạn như những người có khuyết tật về thể chất hoặc sống ở vùng nông thôn, vẫn có thể nhận được điều trị.
Các ứng dụng sức khỏe trên điện thoại (Mental health apps)
Có nhiều ứng dụng sức khỏe tinh thần khác nhau để hỗ trợ bệnh nhân theo dõi tâm trạng, cung cấp kỹ năng chống chọi và thậm chí kết nối với các chuyên gia sức khỏe tinh thần. Những ứng dụng này có thể đặc biệt hữu ích cho những người có thể không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp trị liệu sức khỏe tinh thần truyền thống hoặc những người có thể cảm thấy không thoải mái khi tìm kiếm trị liệu truyền thống.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, các ứng dụng chỉ nên sử dụng như một công cụ hỗ trợ. Một số ứng dụng được khuyên dùng:
- Cho chứng mất ngủ: CBT-i Coach
- Cho chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương: PTSD Coach
- Cho việc học kỹ năng chống chọi căng thẳng: DBT Coach
- Cho việc quản lý tâm trạng và lo lắng: CBT Thought Diary
- Cho việc theo dõi tâm trạng/bộ nhớ và giữ tinh thần sắc bén: THINC-it.
Chatbot trị liệu
Là một hệ thống trí tuệ nhân tạo được thiết kế để cung cấp hỗ trợ và điều trị tâm lý cho người dùng thông qua giao tiếp qua tin nhắn hoặc trò chuyện trực tuyến. Chatbot này có khả năng đưa ra câu trả lời, cung cấp thông tin hữu ích, và thậm chí đưa ra các kỹ thuật và phương pháp tự trị tâm lý.
Ví dụ, một chatbot trị liệu tâm lý có thể giúp người dùng quản lý căng thẳng và lo lắng bằng cách cung cấp kỹ thuật thở sâu và luyện tập thư giãn. Nó có thể cung cấp hướng dẫn và bài tập theo yêu cầu của người dùng, giúp họ thực hiện các phương pháp tự trị tâm lý tại nhà. Chatbot cũng có thể cung cấp lời khuyên và hỗ trợ tư vấn trong quá trình chăm sóc tâm lý hàng ngày.
Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality)
Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong điều trị tâm lý đã đem đến nhiều thay đổi đáng kể cho các bệnh nhân, đặc biệt trong việc vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Virtual Reality (VR) được ứng dụng trong trị liệu tâm lý bằng cách tạo ra một môi trường ảo để người bệnh tương tác và trải nghiệm các tình huống mà họ đang đối mặt. Đây được gọi là liệu pháp tự phơi nhiễm (Exposure Therapy). Người có vấn đề tâm lý tiếp cận với nỗi sợ hãi thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tưởng tượng (nhưng sẽ không gây nguy hiểm cho họ) kết hợp với các liệu pháp thư giãn để dần vượt qua được nỗi ám ảnh của bản thân.
>>Tìm hiểu thêm về Virtual Reality (VR)
5 lợi ích của công nghệ trong trị liệu sức khỏe tinh thần
Nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ
Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận các dịch vụ trị liệu dễ dàng hơn bao giờ hết. Hình thức trị liệu từ xa (Teletherapy) không chỉ làm giảm thiểu chi phí mà còn giúp cho bệnh nhân ở xa không phải di chuyển đến phòng khám. Mặt khác, điều này cũng đặc biệt hữu ích với những người bị mắc chứng lo âu xã hội.
Tăng cường sự tham gia của bệnh nhân
Nói cách khác, mức độ phụ thuộc vào bác sĩ tâm lý của bệnh nhân sẽ được giảm thiểu. Thông qua các ứng dụng sức khỏe tinh thần, người bệnh có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân. Các ứng dụng cũng có thể cung cấp phản hồi và hỗ trợ thời gian thực cho người dùng.
Cá nhân hóa
Sự phát triển của AI hiện tại có tiềm năng cá nhân hóa các phương pháp điều trị để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của từng bệnh nhân. Ví dụ, công nghệ giả lập thực tế ảo (Virtual Reality – VR) có thể tập trung vào từng nỗi sợ hãi và ám ảnh của từng bệnh nhân, từ đó xây dựng các tình huống để họ đối diện và dần vượt qua những ám ảnh trong tiềm thức của bản thân.Tương tự, các thuật toán học máy có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu bệnh nhân và nhận biết các mẫu triệu chứng để phát triển các kế hoạch điều trị cá nhân hóa.
Giảm kỳ thị
Công nghệ có thể giúp giảm kỳ thị liên quan đến vấn đề sức khỏe tinh thần. Ví dụ, các nhóm hỗ trợ và diễn đàn trực tuyến có thể cung cấp một không gian an toàn và hỗ trợ để mọi người chia sẻ kinh nghiệm và kết nối với những người khác đang trải qua những thách thức tương tự. Hơn nữa, các ứng dụng sức khỏe tâm thần có thể được sử dụng một cách kín đáo, mà không cần bệnh nhân tiết lộ tình trạng sức khỏe tâm thần của mình cho người khác.
Cải thiện kết quả
Công nghệ đang cho thấy sự hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần. Điển hình, việc ứng dụng Virtual Reality trong trị liệu đã được chứng minh là hiệu quả trong việc điều trị rối loạn lo âu. Hay như việc cung cấp dịch vụ điều trị từ xa đã được chứng minh là có kết quả tương ứng với việc cung cấp dịch vụ trực tiếp cho một số tình trạng bệnh lý. Hơn nữa, các ứng dụng trị liệu cũng đóng vai trò như một công cụ bổ trợ để đem đến kết quả tốt hơn.
Nhược điểm của công nghệ trong trị liệu
Mặc dù công nghệ đem đến nhiều lợi ích tiềm năng, nhưng không thể phủ nhận những nhược điểm chưa được giải quyết triệt để:
Thiếu tương tác con người
Mặc dù teletherapy và các ứng dụng sức khỏe tinh thần có thể cung cấp hỗ trợ và tài nguyên cho bệnh nhân, nhưng chúng không cung cấp mức độ kết nối con người tương tự như điều trị trực tiếp. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những người đang gặp vấn đề về cô đơn hoặc cô lập xã hội.
Vấn đề về quyền riêng tư
Quyền riêng tư luôn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong việc sử dụng công nghệ để trị liệu. Khi bệnh nhân chia sẻ thông tin về tình trạng nhạy cảm của mình cho chatbot, họ có thể lo ngại về việc bảo mật dữ liệu. Chúng ta cũng không chắc rằng liệu các ứng dụng có thu thập dữ liệu người dùng và phục vụ cho mục đích khác hay không.
Hiệu quả còn hạn chế
Mặc dù công nghệ có tiềm năng cải thiện kết quả sức khỏe tinh thần, nhưng nó không phải là một biện pháp chữa trị tất cả. Đối với những vấn đề nghiêm trọng, công nghệ khó có thể trị liệu hiệu quả như khi gặp bác sỹ tâm lý trực tiếp.
Nói chung, mỗi người có một “ngưỡng” trị liệu khác nhau. Cùng một phương pháp, người này có thể hiệu quả nhưng người kia thì không. Tương tự, trị liệu bằng công nghệ có thể chỉ phù hợp với một nhóm người nhất định. Trong tương lai, với sự phát triển mạnh mẽ của AI, công nghệ trị liệu tâm lý sẽ tiếp tục mở ra những khả năng mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của những người cần hỗ trợ về sức khỏe tinh thần.
>>Xem thêm: Sự trỗi dậy của các chatbot trị liệu: có nên tin tưởng AI về sức khỏe tinh thần?