5 phút hiểu hết về công nghệ VR

Công nghệ VR (Virtual Reality – thực tế ảo) đã từng chỉ là giấc mơ khoa học viễn tưởng. Nhưng ngày nay, nó đã trở thành một hiện thực đầy hứa hẹn trong cuộc sống hằng ngày. Công nghệ này đã mở ra một cánh cửa mới, cho phép con người trải nghiệm những thứ vốn dĩ chỉ có trong tưởng tượng. Nói cách khác, VR đang góp phần  thay đổi cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh.

Trong bài viết này, hãy cùng Techie khám phá sâu hơn về VR, từ cơ chế hoạt động, đến ứng dụng và tiềm năng trong tương lai của nó!

Công nghệ VR là gì?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu về thuật ngữ “Thực tế ảo”. Đây là thuật ngữ dùng để mô tả môi trường được giả lập (ảo hóa) được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng, và được điều khiển bởi một thiết bị thông minh.

Công nghệ VR chính là công nghệ tạo ra môi trường ảo, mô phỏng thực tế và cho phép người sử dụng tương tác với nó thông qua các thiết bị đeo và giao diện 3D. Nó tạo ra một trải nghiệm đa giác quan, cho phép người dùng cảm nhận và tham gia vào một thế giới ảo, không giới hạn bởi thực tại vật lý.

Công nghệ VR
VR đang góp phần thay đổi cách con người tương tác với thế giới xung quanh

Phân biệt công nghệ VR và công nghệ AR

AR là viết tắt của cụm từ Augmented Reality, được hiểu là công nghệ thực tế ảo tăng cường. Cả AR và VR đều liên quan đến việc tạo ra trải nghiệm ảo. Tuy nhiên, 2 công nghệ này có những điểm khác biệt trong cách được tạo ra và tương tác với thế giới xung quanh.

Công nghệ VR

  • Tạo ra môi trường hoàn toàn ảo và đưa người dùng vào trong đó.
  • Người dùng đeo kính VR và hoàn toàn “ở” trong thế giới ảo, không còn nhìn thấy thực tại xung quanh.
  • Tạo ra trải nghiệm đa giác quan, bao gồm thị giác, âm thanh và thậm chí cả cảm giác về chuyển động.
  • Người dùng tương tác với môi trường ảo bằng cách sử dụng bộ điều khiển thiết bị chuyển động hoặc các thiết bị tương tự.

Công nghệ AR

Công nghệ AR
Khác với VR, công nghệ AR có sự kết hợp với giữa thế giới ảo và không gian thực

Thay vì đưa con người vào thế giới ảo như VR, công nghệ AR có sự kết hợp với thực tại:

– Người dùng sử dụng thiết bị di động hoặc kính AR để nhìn qua màn hình và thấy thêm thông tin ảo trên thực tại xung quanh.

– Cung cấp thông tin bổ sung, tương tác và trải nghiệm mở rộng trên thế giới thực.

Cả 2 công nghệ VR và AR đều có những ứng dụng đa dạng và tồn tại song song với nhau.

Thiết bị hỗ trợ công nghệ VR

Để tham gia vào thế giới ảo do công nghệ VR mang đến, cần có những thiết bị hỗ trợ. Có thể kể đến như:

  • Kính VR (head-mounted display)

Là thiết bị đeo để người dùng nhìn vào thế giới ảo. Kính VR có màn hình hiển thị 3D và công nghệ hiển thị hình ảnh cho người dùng. Một số kính VR nổi tiếng bao gồm Oculus Rift, HTC Vive, và PlayStation VR.

Thiết bị kính VR
Thiết bị kính VR Meta Quest 2
  • Cảm biến chuyển động

Là thiết bị cảm biến giúp theo dõi và ghi nhận chuyển động của người dùng trong không gian 3D. Thiết bị này giúp đồng bộ hóa chuyển động của người dùng với thế giới ảo.

  • Tai nghe VR (VR Headphones)

Âm thanh giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng. Tai nghe VR có chức năng tạo ra âm thanh sống động và tạo cảm giác như người dùng đang tiếp xúc với môi trường ảo xung quanh.

  • Thiết bị cảm giác haptics

Haptics cung cấp phản hồi cảm giác chạm, rung, hoặc áp lực khi người dùng tương tác với các đối tượng ảo. Nhờ đó, chúng tạo cảm giác thực tế và tăng tính tương tác trong môi trường ảo.

Trên đây chỉ là một số thiết bị cơ bản. Công nghệ VR đang liên tục phát triển, do đó có thể có thêm những thiết bị mới với tính năng nâng cao hơn trong tương lai.

Ứng dụng của công nghệ VR trong cuộc sống

Giải trí

Có thể nói, công nghệ VR đang thay đổi cách con người trải nghiệm giải trí và các trò chơi điện tử. Với việc chìm đắm trong thế giới ảo, người dùng sẽ cảm nhận được sự sống động và hấp dẫn hơn. Đặc biệt là với các trò chơi như đua xe, phiêu lưu, thể thao…

Giáo dục

Nếu như trước đây, học sinh chỉ có thể quan sát những ví dụ bài giảng qua hình ảnh trong sách giáo khoa hay video, thì VR đang hứa hẹn mang đến những trải nghiệm sống động hơn hẳn. Nó có thể tạo ra mô phỏng không gian, thí nghiệm khoa học, học tập ngôn ngữ, lịch sử hay du lịch ảo để làm minh họa trực quan cho bài học.

Y tế

Công nghệ VR được sử dụng trong việc đào tạo và mô phỏng quy trình y tế phức tạp, từ phẫu thuật ảo đến phục hồi chức năng. Ngoài ra, nó cũng có thể được ứng dụng để làm căng thẳng, phục hồi sau chấn thương cho bệnh nhân.

Thiết kế, kiến trúc

Nếu như những bức vẽ 3D giúp chúng ta hình dung được hình dạng kiến trúc của công trình, thì VR còn mang đến nhiều hơn thế. Người dùng có thể tương tác với không gian ảo như thật. Chẳng hạn như đi dạo trong các mô hình kiến trúc 3D và qua đó có thể tinh chỉnh thiết kế trước khi xây dựng thực tế.

ứng dụng của công nghệ VR
Ứng dụng của công nghệ VR trong lĩnh vực kiến trúc

Du lịch, thể thao

VR cho phép du khách trải nghiệm du lịch ảo và khám phá các địa điểm nổi tiếng trên thế giới mà không cần di chuyển vật lý. Nó cũng được sử dụng để mang đến trải nghiệm thể thao sống động hơn, cho phép người dùng tham gia vào các hoạt động như trượt tuyết, leo núi, lướt sóng và nhiều hoạt động khác.

Một số điểm hạn chế của công nghệ VR

Mặc dù có nhiều tiềm năng và ứng dụng hữu ích, tuy nhiên công nghệ VR cũng còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục. Nhìn chung, công nghệ này vẫn ở giai đoạn phát triển, do đó nó chưa thật sự hoàn hảo về trải nghiệm. Cụ thể như:

– Kính VR gây cảm giác nặng và khó chịu khi đeo trong thời gian dài. Ngoài ra, không gian vật lý có thể hạn chế khả năng di chuyển tự nhiên trong môi trường ảo.

– Để sử dụng một cách thành thạo, người dùng cần học cách làm quen với thiết bị VR. Điều này có thể mất nhiều thời gian hơn so với các công nghệ điện tử khác.

– Thiết bị VR có chi phí khá cao, vì thế nó cũng giới hạn lượng người tiếp cận. Mặt khác, để tận dụng tối đa công nghệ VR, cần có cấu hình máy tính mạnh và không gian rộng để tạo ra trải nghiệm tốt.

– Bên cạnh đó, một số người có thể cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi hoặc buồn nôn sau khi trải nghiệm công nghệ VR. Triệu chứng này được gọi là “motion sickness” hoặc “simulator sickness”.

– Cuối cùng, công nghệ VR cũng mang đến thách thức về bảo mật và quyền riêng tư. Bởi, không loại trừ khả năng nó thu thập thông tin cá nhân hoặc theo dõi hoạt động của họ trong môi trường ảo.

Kết luận

Có thể nói, công nghệ VR đã mang lại một cuộc cách mạng trong llĩnh vực trải nghiệm ảo, mở ra những khả năng tuyệt vời cho con người. Mặt dù còn tồn tại một số mặt trái, tuy nhiên công nghệ này vẫn có tiềm năng rất lớn trong tương lai. Chúng ta có thể kỳ vọng nó sẽ ngày càng hoàn thiện và phổ cập hóa đến tất cả mọi người.

>>Xem thêm: Giải đáp A-Z: Công nghệ AR – Khám phá thế giới ảo đầy màu sắc

Khám phá thêm
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm đến hơn 70%, Việt Nam luôn được coi là thị trường...