Có gì bên trong hệ thống mạng xã hội Trung Quốc?

Không Facebook, không Twitter, không YouTube – Trung Quốc từ lâu đã “bế quan toả cảng” mạng lưới truyền thông của mình với thế giới. Thay vào đó, đất nước này tự xây dựng cho mình một hệ sinh thái mạng xã hội riêng biệt với nhiều điều thú vị. vậy thì Có gì bên trong hệ sinh thái mạng xã hội Trung Quốc? Cũng Techie khám phá

Mạng xã hội Trung Quốc – Một hệ sinh thái tách biệt

Tại Trung Quốc, mỗi nhánh khác nhau của truyền thông lại có những cái tên nổi bật thay thế cho những mạng xã hội đã quá nổi tiếng với phần còn lại của thế giới. Ở microblogging, Sina Weibo và Tencent Weibo làm bá chủ. Ở mảng mạng xã hội, Renren và Kaixin001 chiếm lợi thế. Với các dịch vụ nhắn tin trực tuyến, không công ty nào vượt mặt được WeChat. Khi nói đến nền tảng cho các video ngắn, ByteDance xây dựng Douyin phục vụ cho thị trường này thay cho TikTok.

mang-xa-hoi-thay-the-o-trung-quoc
Với mỗi mạng xã hội nổi tiếng, Trung Quốc đều có phiên bản riêng của mình. Ảnh: Sirnobis.

Với lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới – 513 triệu người và hơn 300 triệu người sử dụng mạng xã hội Trung Quốc – con số tương đương với lượng người dùng ở Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh cộng lại, Trung Quốc luôn là thị trường tiềm năng để các ông lớn công nghệ nhăm nhe. Vậy nhưng tuyệt nhiên, Trung Quốc vẫn giữ hệ sinh thái khép kín của mình ở trạng thái “bất khả xâm phạm”.

Việc duy trì trạng thái này đến từ hệ thống tường lửa nghiêm ngặt với cái tên “Vạn Lý Trường Thành trên mạng” (Great Firewall of China). Hệ thống kiểm duyệt này hiện nay đang chặn 135 trong số 1000 trang mạng có lượt truy cập cao nhất thế giới, trong đó có các trang web được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới như Facebook, Youtube hay Twitter.

van-ly-truong-thanh-mang-xa-hoi-trung-quoc
Trung Quốc nổi tiếng với hệ thống kiểm duyệt “Vạn lý Trường Thành” trên mạng. Ảnh: China Briefing.

Năm 2019, với mong muốn tạo tinh thần cởi mở và tăng cường đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, nước này bắt đầu lên cho phép các công ty nước ngoài đầu tư vào các dịch vụ cung cấp mạng riêng ảo (Virtual Private Network – VPN) ở một số khu vực nhất định. Kế hoạch này đã được Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua hồi đầu năm 2019, tuy nhiên, kế hoạch này cũng quy định rõ phần sở hữu của nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ VPN sẽ bị giới hạn dưới mức 50%.

Mạng xã hội có tính liên kết vượt trội

Điểm đặc biệt ở các mạng xã hội Trung Quốc là tính liên kết cao. Chỉ với duy nhất một hệ sinh thái được liên kết chặt chẽ với thương mại điện tử và một loạt các dịch vụ – tiện ích khác, các nền tảng ở Trung Quốc không gói gọn trong định nghĩa “mạng xã hội” nữa. Người dùng không chỉ có thể đăng tải nội dung và tương tác với bạn bè, mà còn có thể chơi game trực tuyến, mua sắm, chia hoá đơn hay thuê xe, mà không bao giờ phải rời khỏi ứng dụng.

WeChat chỉ là ứng dụng nhắn tin? Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Đúng, WeChat bắt đầu gia nhập thị trường với tư cách là dịch vụ nhắn tin trực tuyến. Thế nhưng, sau nhiều năm, nền tảng này đã phát triển thành một hệ thống toàn diện với các tính năng vượt trội. WeChat vượt lên cả khái niệm mạng xã hội, nhờ vào các ứng dụng/ tính năng phụ xây dựng trên nền tảng đám mây được tích hợp ngay trong WeChat. Thay vì phải tải từng ứng dụng riêng biệt cho từng loại nhu cầu, người dùng chỉ cần sử dụng một phiên bản nhẹ hơn, không tốn dung lượng trên điện thoại và được liên kết thẳng đến tài khoản cá nhân của họ.

mini-program-cua-weibo
Weibo có rất nhiều các ứng dụng/ tiện ích tích hợp sẵn trong hệ sinh thái của mình. Ảnh: TechNode

Các ứng dụng/ tính năng phục này bao trọn tất cả các nhu cầu của người dùng – từ giao nhận thức ăn, quản lý thời gian, đi lại cho đến vô vàn các dịch vụ khác. Năm 2018, một trong những tính năng nổi bật nhất trên các nền tảng mạng xã hội tại đây chính là thương mại điện tử. Không mấy bất ngờ, giao dịch trên các tính năng phụ này của WeChat đạt mức 115 tỷ $ trong năm 2019.

Hay với Weibo, một cái tên dẫn đầu khác trong mạng lưới truyền thông tại Trung Quốc, hiện đã cho phép đính các link đến các sàn thương mại điện tử trên các bài đăng. Năm 2020, Weibo cũng quyết định “chơi lớn” khi bắt đầu kích hoạt Xiaodian, một ứng dụng quản lý thương mại điện tử.

Công cụ này cho phép người dùng quảng bá các sản phẩm của Weibo trên các sàn thương mại điện tử khác và quản lý kiểm kê và xử lý giao dịch, tất cả nằm trong duy nhất một nền tảng. Năm 2019, Weibo cũng lên kế hoạch để liên kết với Alipay.

Những bước phát triển nhảy vọt của mạng xã hội Trung Quốc

Công bằng mà nói, không có nhiều sự khác biệt giữa các dịch vụ mạng xã hội Trung Quốc và các nước phương Tây – với mỗi ngạch mạng xã hội, nước này đều có một phiên bản của riêng mình. Tuy nhiên, khi nói về các con số của mức độ tăng trưởng, lúc này sự chênh lệch mới lộ rõ.

Giữa bối cảnh dịch bệnh, các dịch vụ livestream mới bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý hơn ở phương Tây, do nhu cầu tương tác trực tuyến của con người ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, hình thức này đã là xu hướng ở Trung Quốc từ ít nhất là năm 2016, và càng tăng trưởng vượt bậc hơn kể từ khi COVID xuất hiện. Doanh thu từ mảng này ở Trung Quốc là 138 tỷ đô vào năm 2020, trong khi tới năm 2023, Mỹ chỉ kỳ vọng chạm mốc 25 tỷ đô.

Tháng 2 năm nay, ByteDance cũng chính thức trở thành startup được định giá cao nhất trên thế giới. Trong năm 2021, với 1.9 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng trên 150 quốc gia trên toàn thế giới, cùng với số lượng nhân viên lên đến 110.000 người, công ty này thu về doanh thu lên đến 58 tỷ đô. Bên cạnh TikTok, ByteDance còn sở hữu nhiều “con gà đẻ trứng vàng” khác. Nổi bật trong đó có thể kể đến Duoyin, “người anh” của TikTok và Toutiao – ứng dụng tin tức nổi tiếng nhất Trung Quốc với khoảng 320 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng.

bytedance-mang-xa-hoi-trung-quoc
ByteDance hiện đang là startup được định giá khủng nhất thế giới. Ảnh: The Economic Times.

Cũng trong cùng phân khúc nền tảng cho các video ngắn, thậm chí ngắn hơn rất nhiều so với TikTok, Vine lại “đoản mệnh” và ngưng vận hành sau 4 năm hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả thời điểm huy hoàng nhất, Vine chỉ được định giá 40 tỷ đô với khoảng 100 triệu người dùng mỗi tháng.

Sự thành công của các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các con số. Concept video ngắn của TikTok đã khiến cho hành vi người dùng có nhiều thay đổi lớn. Google mới đây đã chỉ ra: Để trả lời cho câu hỏi “Trưa nay ăn gì?”, gần 40% người dùng từ độ tuổi 18 đến 24 sẽ tìm đến Instagram và TikTok, không phải là Google. Điều này khiến gã khổng lồ công nghệ phải dè chừng và đưa ra nhiều cập nhật để thích nghi với thời đại “TikTok hoá”.

Với số lượng người dùng Internet khủng, cùng sự trỗi dậy của hàng loạt các startup công nghệ trong những năm gần đây, chắc chắn, hệ sinh thái mạng xã hội Trung Quốc sẽ ngày càng phong phú hơn nữa. Liệu có cánh cửa nào hé mở để các ông lớn công nghệ bước chân vào thị trường này? Có hay không những thành công tiếp theo như TikTok làm thay đổi cục diện mạng xã hội toàn thế giới? Câu trả lời cho các vấn đề này vẫn chưa rõ, nhưng chắc hẳn sẽ có những diễn biến đáng mong chờ.

>> xem thêm: Mastodon – mạng xã hội vô danh nổi lên nhờ Twitter

Khám phá thêm
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Nếu như các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Okcupid, Facebook Dating vẫn chưa đem đến cho bạn một anh...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên...