Kỳ tích mới của Trung Quốc trong hành trình khám phá nửa tối của Mặt Trăng!
Với việc đưa tàu Hằng Nga 6 hạ cánh thành công để thu thập mẫu vật tại vùng tối của Mặt Trăng, Trung Quốc đã đạt được kỳ tích khi là quốc gia đầu tiên tiến sâu vào khu vực khó khám phá này. Cùng Techie cập nhật ngay sau đây!
Lần đầu tiên thu thập mẫu vật tại vùng tối Mặt Trăng
Cụ thể, theo thông tin từ tờ Tân Hoa Xã (Trung Quốc), vào hôm 2/6, tàu vũ trụ có tên Hằng Nga 6 đã hạ cánh thành công xuống phần tối của Mặt Trăng. Đây là một phần trong sứ mệnh 53 ngày chinh phục Mặt Trăng của Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) – kể từ khi con tàu được phóng lên không gian ngày 3/5.
CNSA cho biết, với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2, tàu Hằng Nga 6 đã chạm xuống khu vực chỉ định tại miệng núi lửa khổng lồ được gọi là lưu vực Nam Cực – Aiken trên Mặt Trăng. Sau khi hạ cánh, con tàu có 2 ngày để thu thập đất, đá trên Mặt Trăng, đồng thời thực hiện các thí nghiệm khác tại bãi đáp. Tàu thăm dò sẽ sử dụng 2 phương pháp thu thập, đó là: máy khoan để thu thập mẫu đất dưới bề mặt và cánh tay robot để lấy mẫu thử từ bề mặt.
Cho đến hôm nay (4/6), con tàu đã hoàn thành sứ mệnh thu thấp và cất cánh thành công rời khỏi vùng tối Mặt Trăng. CNSA đã vui mừng công bố: “Đây là kỳ tích chưa từng có trong lịch sử khám phá Mặt Trăng của loài người”.
Vùng tối của Mặt Trăng vốn dĩ là khu vực khó có thể tiếp cận do không thể quan sát được từ Trái Đất. Có thể nói, đây là khu vực mà hiểu biết của nhân loại còn tương đối hạn hẹp. Vì vậy, một số nhà khoa học kỳ vọng rằng mẫu vật do Hằng Nga 6 mang về sắp tới sẽ là chìa khóa mở “chiếc hộp Pandora” về nguồn gốc của hành tinh này.
Cuộc đua chinh phục Mặt Trăng của các cường quốc
Không chỉ có Trung Quốc theo đuổi hành trình khám phá và chinh phục Mặt Trăng, mà đây còn là cuộc đua cạnh tranh với Mỹ – vốn được xem là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực khám phá không gian. Ngoài ra, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã và đang có nhiều nỗ lực để khám phá vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Dù chậm chân trong cuộc chạy đua vũ trụ so với Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc đã có nhiều bước tiến rõ rệt. Quốc gia này đã nhiều lần đưa tàu vũ trụ tiếp cận Mặt Trăng và trở thành nước thứ ba thu thập mẫu vặt Mặt Trăng vào năm 2020. Theo mục tiêu, cơ quan CNSA sẽ đưa người lên Mặt Trăng trước năm 2030. Cho tới hiện tại, chỉ có cơ quan hàng không NASA của Mỹ là thành công làm được điều này vào năm 1969 với con tàu vũ trụ Apollo 11 cùng hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin. Dự kiến, NASA cũng đang có kế hoạch đưa người quay trở lại Mặt Trăng một lần nữa – vào năm 2026.
Quay trở lại với nhiệm vụ khám phá vùng tối của tàu Hằng Nga 6, đại diện phát ngôn của phía CNSA nhấn mạnh: “Các mẫu được lấy có thể giúp chúng ta hiểu rõ về sự hình thành và lịch sử của hành tinh này, cũng như nguồn gốc của hệ mặt trời. Đồng thời, nó giúp các cơ quan vũ trụ trên thế giới có sự chuẩn bị tốt hơn cho những chuyến thám hiểm trong tương lai”.
>>Xem thêm: Công thức hạnh phúc đến từ quốc gia hạnh phúc nhất trên Thế giới