Kiểm tra tin giả bằng công cụ của Google, bạn đã biết chưa?
Fact Check Explorer là công cụ được Google phát triển để giúp kiểm tra các tin tức giả mạo, sai lệch. Nếu như trước đây, người dùng sẽ chỉ có thể nhập nội dung hoặc từ khóa để kiểm tra thông tin, thì hiện tại công cụ này đã nâng cấp thêm tính năng kiểm tra bằng hình ảnh. Cập nhật nhanh cùng Techie nhé!
Google Fact Check Explorer là gì?
Tin giả luôn là vấn nạn nhức nhối trong thời đại thông tin kỹ thuật số. Nhất là với sự phát triển của AI trong thời gian gần đây, người ta lại càng thêm hoài nghi khi các công cụ AI cũng có thể sáng tạo ra những nội dung sai lệch hoặc chưa được xác thực.
Trước thực trạng trên, đã có một số công cụ được phát hành nhằm hỗ trợ người dùng trong việc xác thực thông tin. Và phổ biến có thể kể đến Google Fact Check Explorer. Đây là công cụ tìm kiếm cho phép người dùng nhập từ khóa hoặc cụm từ để xem xét tính hợp lệ của nó. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người làm nghiên cứu, nhà báo hoặc nhà phát triển nội dung.
Bạn đọc Techie có thể trải nghiệm công cụ này tại đây.
Cập nhật thêm tính năng kiểm tra tính xác thực của hình ảnh
Không dừng lại ở việc kiểm tra nội dung, vừa mới đây Google đã giới thiệu các bản cập nhật mới cho Fact Check Explorer, mở rộng các tính năng được công bố lần đầu tại Global Fact 10. Công cụ này giờ đây đã có khả năng kiểm chứng sự thật cho hình ảnh.
Theo đó, chỉ cần tải hình ảnh lên hoặc chia sẻ link của nó, người dùng có thể kiểm tra xem hình ảnh đó có đúng sự thật hay đã bị sửa đổi hoặc do AI tạo ra. Ngoài ra, ở phiên bản beta (phiên bản thử nghiệm) còn có thêm tính năng cung cấp ngữ cảnh, thời gian của hình ảnh. Nhờ đó, người dùng sẽ dễ dàng xác thực hình ảnh hơn.
Bằng cách sử dụng Fact Check Explorer, người dùng có thể dễ dàng tham khảo và theo dõi sự phát triển của các chủ đề liên quan đến một hình ảnh cụ thể theo thời gian. Tính năng này được thiết kế để tăng tốc quá trình kiểm chứng sự thật cho các phòng ban chuyên về tin tức trên toàn thế giới.
Hiện, tính năng vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Nếu muốn trải nghiệm beta, bạn có thể điền vào biểu mẫu đăng ký trên Fact Check Explorer.
Được biết, hồi năm ngoái Google và YouTube đã trao tặng 13,2 triệu đô la cho Mạng lưới Kiểm tra Dữ kiện Quốc tế (Fact-Checking Network – IFCN) để tạo Quỹ Kiểm chứng Sự thật Toàn cầu (Global Fact Check Fund). Đây là khoản tài trợ lớn nhất mà Google và YouTube đã đóng góp cho việc kiểm chứng sự thật, tiếp tục nỗ lực trước đây của họ trong việc chống thông tin sai lệch.
Phần lớn chúng ta đều phải tiêu thụ một lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày. Do đó, việc hoài nghi thông tin và kiểm tra lại những tin tức quan trọng bằng các công cụ như Fact Check Explorer là điều rất cần thiết. Hãy cập nhật và trải nghiệm nhé.
>>Xem thêm: Cập nhật ngay mạng xã hội Threads đang nổi đình đám hiện nay