Hơn 1000 nghệ sĩ Anh ra mắt Album “im lặng” để phản đối AI
Hơn 1.000 nhạc sĩ của Anh đã chung tay phát hành album nhạc không lời như một động thái phẫn nộ với luật bản quyền mới của chính phủ Anh. Cụ thể, cuối năm 2024, chính phủ Anh đã đề xuất kế hoạch cho phép các công ty trí tuệ nhân tạo sử dụng tác phẩm có bản quyền mà không cần xin phép. Cùng Techie tìm hiểu!
Album “Is This What We Want?” gồm 12 ca khúc do các nghệ sĩ danh tiếng như Kate Bush, Damon Albarn, Annie Lennox, Thomas Hewitt Jones và nhiều người khác tham gia sản xuất. Điều đặc biệt là toàn bộ album chỉ là những bản ghi âm trống rỗng, thu lại sự im lặng từ các phòng thu và sân khấu biểu diễn như một sự phản đối đầy ẩn ý.
Những nghệ sĩ lớn như Paul McCartney, Elton John, Björn Ulvaeus (Abba), diễn viên Julianne Moore, cùng các nhà văn Val McDermid và Richard Osman cũng đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ tác phẩm của họ khỏi việc bị các công ty công nghệ khai thác trái phép.
Tên các ca khúc trong album mang thông điệp mạnh mẽ: “Chính phủ Anh không được hợp pháp hóa hành vi đánh cắp âm nhạc để phục vụ lợi ích cho các tập đoàn AI.” Doanh thu từ album trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến như Spotify sẽ được quyên góp cho tổ chức từ thiện Help Musicians nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ.

Sự tranh cãi về việc AI sử dụng trái phép các tác phẩm sáng tạo từ tiểu thuyết, bản nhạc, bài báo, ảnh chụp đến tác phẩm nghệ thuật… đã dẫn đến làn sóng kiện tụng từ các tác giả, nhà xuất bản, công ty âm nhạc và nghệ sĩ.
Album “im lặng” này sẽ chính thức phát hành vào thứ Ba, trùng với thời điểm chính phủ Anh kết thúc quá trình tham vấn về thay đổi luật bản quyền, trong đó có đề xuất miễn trừ trách nhiệm cho các công ty AI – một động thái gây nhiều tranh cãi.
Không chỉ có lời phản đối bằng âm nhạc
Các cuộc biểu tình kết thúc giai đoạn tham vấn đã thu hút sự chú ý của truyền thông Anh. Nhiều tờ báo lớn, bao gồm The Guardian đã đặt khẩu hiệu “Make It Fair” trên trang nhất đứng về phía những người làm sáng tạo. Người biểu tình cáo buộc chính phủ đang tìm cách điều chỉnh luật theo hướng có lợi cho các tập đoàn công nghệ lớn.

Bên cạnh đó, một bức thư đăng trên The Times vào thứ Ba do 34 nhà sáng tạo hàng đầu ký tên cũng lên án lập trường của chính phủ. Những người ký bao gồm các tên tuổi nổi tiếng như Barbara Broccoli, Helen Fielding, Stephen Fry, Andrew Lloyd Webber, Ed Sheeran và Tom Stoppard. Bức thư cảnh báo rằng những đề xuất mới có thể khiến toàn bộ quyền lợi và thu nhập của ngành sáng tạo Anh rơi vào tay các tập đoàn công nghệ lớn.
Phản hồi trước những lo ngại này, người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết hệ thống bản quyền và AI hiện tại đang cản trở sự phát triển của ngành sáng tạo, truyền thông và trí tuệ nhân tạo. Chính phủ khẳng định họ đang tìm kiếm một hướng tiếp cận mới để cân bằng lợi ích giữa các nhà phát triển AI và chủ sở hữu bản quyền, tạo điều kiện để cả hai bên cùng phát triển.
>> Xem thêm: Biên kịch, diễn viên Hollywood đồng loạt đình công vì AI