Startup kỳ lân WeWork sụp đổ chóng vánh chỉ sau 4 năm được định giá cao ngất ngưỡng
Từng là startup được định giá cao nhất tại Mỹ với 47 tỷ USD, công ty cung cấp không gian làm việc linh hoạt WeWork nay phải đệ đơn xin phá sản. Nguyên nhân vì đâu? Cùng Techie tìm hiểu ngay sau đây!
Kỳ lân đình đám một thời đệ đơn phá sản
Công ty khởi nghiệp WeWork được sáng lập bởi cựu doanh nhân kinh doanh quần áo trẻ em Adam Neumann vào năm 2010. Vào thời điểm ra đời, công ty mang đến sự thay đổi lớn đối với thị trường văn phòng bằng việc thuê lại và cải tạo các bất động sản lớn dài hạn, sau đó cho các công ty nhỏ hơn thuê lại với những thỏa thuận linh hoạt và thời gian ngắn hạn hơn.
Ở thời điểm đỉnh cao, WeWork – với trụ sở ở New York, đã huy động được hơn 22 tỷ USD và được định giá lên đến 47 tỷ USD. Hồi năm 2019, công ty đã có kế hoạch lên sàn cổ phiếu (IPO). Tuy nhiên, việc niêm yết cổ phiếu của WeWork đã bất thành do các khoản thua lỗ ngày càng tăng. Trước diễn biến trên, CEO Neumann sau đó cũng đã bị truất quyền lãnh đạo.
Tới năm 2021, WeWork chính thức lên sàn thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại, gọi tắt là SPAC. Ở thời điểm này, kỳ lân một thời đã mất đi giá trị đáng kể, với giá trị định giá là 9 tỷ USD và dự kiến đạt 2 tỷ USD lợi nhuận hoạt động tiền mặt vào năm 2024.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, WeWork đã chính thức đệ đơn xin phá sản tại Mỹ. Theo hồ sơ xin phá sản, công ty báo cáo nợ phải trả ước tính từ 10 tỷ đến 50 tỷ USD. Giám đốc điều hành của WeWork hiện tại là David Tolley cho biết khoảng 90% các ngân hàng cho vay của công ty đã đồng ý chuyển đổi khoản nợ 3 tỷ USD thành vốn cổ phần theo hỗ trợ tái cơ cấu.
Nguyên nhân vì đâu?
Theo nhận định của truyền thông và giới chuyên môn, WeWork đang phải đối mặt với hậu quả do việc phát triển tràn lan và mở rộng toàn toàn, dẫn đến nhiều bất động sản hoạt động thiếu hiệu quả. Tính đến đầu năm nay, quy mô văn phòng của WeWork trải khắp 39 quốc gia với 777 địa điểm.
Mặt khác, sau đại dịch Covid, nhu cầu thuê văn phòng làm việc đã giảm mạnh đáng kể ở các thành phố lớn của Mỹ như New York và San Francisco – vốn là nơi tập trung nhiều văn phòng cho thuê của WeWork. Trong khi đó, phần lớn những hợp đồng thuê của WeWork lại được ký vào năm 2018 và 2019, thời điểm giá thuê đạt đỉnh trước đại dịch.
Tính đến tháng 6/2023, tổng khoản lỗ của WeWork phải đối mặt là 16 tỷ USD. Động thái xin phá sản được cho sẽ giúp công ty cải thiện phần nào tình hình. Theo thông báo của WeWork, việc xin phá sản chỉ giới hạn ở tại Mỹ và Canada.
Riêng đối với WeWork ở Ấn Độ, đây vẫn là một trong những đơn vị mạnh mẽ nhất trong hệ thống WeWork và không bị ảnh hưởng bởi phá sản vì nó thuộc sở hữu của Embassy Group. WeWork ở Ấn Độ hoạt động có lợi nhuận và không cần huy động vốn từ bên ngoài – giám đốc điều hành WeWork tại Ấn Độ tuyên bố.
>>Xem thêm: CEO Microsoft hối hận khi từ bỏ Windows Phone và mảng di động