Cập nhật ngay Chatbot Bard – Tính năng và cách sử dụng!
Ngay sau cơn sốt của ChatGPT, “Ông lớn tìm kiếm” Google đã cho ra mắt chatbot Bard – một công cụ AI có tính năng không hề kém cạnh! Bước đi này của Google được dự đoán sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách mà người dùng tìm kiếm thông tin. Vậy Bard là gì? Có gì khác biệt so với ChatGPT? Cách cài đặt và sử dụng như thế nào? Cùng Techie cập nhật ngay để không bỏ lỡ công nghệ này nhé!
Chatbot Bard là gì?
Tương tự như ChatGPT, chatbot Bard của Google là một công cụ AI có thể tạo ra nội dung. Người dùng có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào, miễn là không vi phạm chính sách nội dung, Bard sẽ đưa ra câu trả lời.
Mặc dù Bard chưa chính thức thay thế Google Assistant, nhưng nó là một trợ lý AI mạnh mẽ hơn nhiều. Lý do là vì Bard được phát triển dựa lên LLM (Large Language Model – Mô hình ngôn ngữ lớn của Google), được gọi là LaMDA (Language Model for Dialogue Applications – mô hình ngôn ngữ đàm thoại). Cũng tương tự như GPT-3.5 của OpenAI ( mô hình đằng sau ChatGPT) các kỹ sư tại Google đã đào tạo LaMDA trên hàng trăm tỷ tham số, cho phép AI tự “học” ngôn ngữ tự nhiên. Kết quả là chatbot Bard có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào bằng ngôn ngữ đối thoại và tự nhiên đến kinh ngạc.
Thực tế, LaMDA đã được công bố tại Google I/O vào năm 2021, nhưng lúc đó nó là mô hình thử nghiệm và chưa bao giờ được phát hành ra công chúng. Tuy nhiên, sau khi ChatGPT được ra mắt vào cuối năm 2022, Google đã nhanh chóng phát hành một chatbot do LaMDA cung cấp có thể cạnh tranh. Và vì thế mà chúng ta đã có chatbot Bard như hiện giờ.
Tính năng chính của Chatbot Bard
Là chatbot cạnh tranh với ChatGPT, Bard cung cấp nhiều tính năng mạnh mẽ cho người dùng. Những tính năng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho công việc của con người chỉ trong thời gian ngắn sắp tới. Cụ thể như:
- Hỏi – Đáp
Nếu có thắc mắc bất kỳ, người dùng có thể đặt câu hỏi cho Bard. Bằng các thuật toán AI thông minh, chatbot sẽ thu thập nội dung và đưa ra câu trả lời ngay sau đó.
- Dịch thuật
Công cụ dịch thuật của Google đã có những cải tiến đáng kể trong thời gian qua. Theo đó, chatbot Bard của Google có thể hỗ trợ dịch văn bản bằng hàng trăm ngôn ngữ khác nhau. Không chỉ vậy, khác với Google dịch, chatbot Bard còn có thể xem xét ngữ cảnh để đưa ra văn bản sát nghĩa nhất.
- Cải thiện trải nghiệm khách hàng
Bard có thể được phát triển như một trợ lý ảo trên các ứng dụng, website. Ứng dụng chatbot này sẽ tương tác với khách hàng để cải thiện trải nghiệm của họ.
- Hỗ trợ các tác vụ văn phòng, học tập, giáo dục
Tương tự như Open AI, Bard giúp người dùng tìm kiếm công thức Excel, tóm tắt văn bản,… Nó cũng có thể tổng hợp các tài liệu học tập cho học sinh, sinh viên.
- Viết code và sửa lỗi
Hồi tháng 4, Google đã công bố về việc cập nhật tính năng lập trình cho chatbot Bard. Theo đó, công cụ AI này có thể lập trình trên 20 ngôn ngữ khác nhau. Đồng thời, có khả năng tối ưu hóa code và giải thích các lỗi lập trình.
So sánh Chatbot Bard với ChatGPT
Tại thời điểm mới ra mắt (tháng 2/2023), Chatbot của Google bị nhiều người dùng đánh giá thấp hơn hẳn so với đối thủ. Tuy nhiên, Bard hiện đã không ngừng được cải tiến, cho thấy sự “đáng gờm” của mình.
Lợi thế của Chatbot Bard so với ChatGPT
- Ở thời điểm hiện tại, dữ liệu của ChatGPT phần lớn dựa trên dữ liệu được thu thập cho đến năm 2021. Trong khi đó, Bard có khả năng cập nhật thông tin liên tục. Chatbot có thể tìm kiếm thông tin trên internet ngay tại thời điểm được hỏi. Bởi vì công cụ này được kết nối với internet, người dùng cũng có thể nhấp vào nút “Google it” để nhận các tìm kiếm liên quan.
- Chatbot Bard cũng có khả năng soạn thảo và sáng tạo nội dung tương tự ChatGPT. Tuy nhiên, thêm một điểm vượt trội hơn là nó có thể xử lý tốt các câu đố.
- Theo công bố của Google, Bard sẽ có khả năng viết code bằng 20 ngôn ngữ lập trình. Đây thật sự là tính năng rất đáng mong đợi.
- Google Bard AI đã cập nhật tính năng đặt câu hỏi và phản hồi bằng hình ảnh. Người dùng có thể tải hình ảnh lên và yêu cầu chatbot cung cấp thông tin về hình ảnh đó, cũng như phản hồi bằng các hình ảnh liên quan.
Một số điểm hạn chế
- Nếu như ChatGPT có thể lưu tất cả cuộc trò chuyện và sắp xếp chúng gọn gàng ở thanh bên, Bard lại chỉ có thể xuất các cuộc trò chuyện nhưng không lưu trữ. Điều này khá bất tiện khi người dùng cần xem lại thông tin.
- Mặc dù có tính cập nhật cao hơn ChatGPT, nhưng không có nghĩa là tất cả thông tin của Bard là chính xác 100%. Như Google thừa nhận, Bard cũng có thể đưa ra câu trả lời sai lệch.
Cách cài đặt và sử dụng Google Bard
Cách đơn giản nhất để sử dụng Google Bard là truy cập vào bard.google.com. Giống như tất cả các sản phẩm của Google, chatbot sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập bằng tài khoản Google và đồng ý với các điều khoản dịch vụ của trang web.
Tuy nhiên, tính năng này hiện tại chưa được hỗ trợ tại Việt Nam. Do đó, để sử dụng, người dùng ở Việt Nam phải sử dụng thêm một số “thủ thuật”. Mặt khác, hiện chatbot Bard cũng chưa hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt, vì thế chúng ta cần dùng tiếng Anh để tương tác với chatbot.
“Thủ thuật” để sử dụng chatbot đơn giản nhất:
- Bước 1: Mở ứng dụng Chrome trên máy tính lên và cài đặt tiện ích VPN Proxy VeePN
- Bước 2: Bật tiện ích VNP, chọn các quốc gia châu Âu.
- Bước 3: Truy cập vào trang bard.google.com, đăng nhập bằng tài khoản email và sử dụng chatbot.
Kết luận
Mặc dù vẫn còn bị một bộ phận người dùng so sánh là có phần “lép vế” so với ChatGPT, nhưng chatbot Bard của Google hiện đã được cập nhật thêm rất nhiều tính năng. Chưa kể, vốn dĩ Google đã phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo từ cách đây nhiều thập kỷ. Chatbot của “ông lớn tìm kiếm” thật sự rất xứng đáng để trải nghiệm.
Từ 11/4, Google đã công bố sẽ phát hành Bard đến 180 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Đồng thời, hỗ trợ thêm 40 ngôn ngữ phổ biến nhất vào Bard trong thời gian sắp tới, trong đó có tiếng Việt. Chúng ta hãy cùng chờ đợi sự xuất hiện của chatbot này tại Việt Nam nhé!
>>Xem thêm: Google thay đổi cách chúng ta tìm kiếm thông tin