Robot giao hàng Rice huy động được 7 triệu đô đầu tư
Trong bối cảnh cạnh tranh ở lĩnh vực robot công nghiệp, khả năng giữ được các khách hàng quan trọng là yếu tố sống còn. Đối với Rice Robotics (Hồng Kông), đơn hàng đến từ SoftBank đã trở thành tiền đề giúp công ty huy động được 7 triệu USD đầu tư để mở rộng sang thị trường Nhật Bản. Cùng Techie cập nhật nhé!
Rice – Robot giao hàng thế hệ mới
Rice là robot thông minh được phát triển bởi công ty startup Rice Robotics có trụ sở tại Hồng Kông. Robot Rice có khả năng vận chuyển hàng hóa nặng tới 30kg và có không gian lưu trữ kích thước 39 x 27 x 34 cm. Các robot có thể hoạt động liên tục trong 12 giờ và sạc lại trong vòng một giờ.
Sự hữu ích của Rice cho phép nhân viên giao hàng chỉ cần đặt đơn hàng tại một điểm chỉ định để các robot đến lấy, giảm thiểu việc họ phải di chuyển vào ra khỏi các tòa nhà văn phòng.
Từ tháng 1/2021, những “chú” robot Rice với đôi mắt chớp chớp dễ thương đã giao các sản phẩm của 7-Eleven đến cho nhân viên của SoftBank tại trụ sở mới của công ty tại Takeshiba, Tokyo. Sự công nhận từ SoftBank và một số khách hàng khác đã góp phần thuyết phục nhiều nhà đầu tư trong cuộc huy động 7 triệu USD của Rice Robotics. Các nhà đầu tư này bao gồm Alibaba Entrepreneurs Fund, Soul Capital, Audacy Ventures, Sun Hung Kai & Company và Cyberport HK.
Rice Robotics cho biết, vốn huy động sẽ giúp công ty mở rộng thị trường tại Nhật Bản – nơi đang là nguồn doanh thu lớn nhất của công ty. Tại Nhật, ngoài SoftBank, Rice hiện đang có một số khách hàng tiêu biểu khác là Toyota, Japan Post và Mitsui Group.
Mở rộng ra thị trường Nhật Bản và xây dựng nhà máy tại Hồng Kông
Với tình trạng dân số già và sự thiếu hụt lao động, Nhật Bản đã trở thành điểm đến yêu thích của các công ty robot của Trung Quốc đang muốn mở rộng ra thị trường quốc tế. Một ví dụ điển hình là Syrius Robotics được hậu thuẫn bởi ByteDance đã có một bước tiến vào thị trường Nhật từ rất sớm.
Miền Nam Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới trong chuỗi cung ứng phần cứng sản xuất robot. Tuy nhiên, một cách nghịch lý, Rice Robotics đã sản xuất robot tại Hồng Kông hay vì Trung Quốc đại lục – nơi có nhiều nhà máy và chi phí lao động thấp hơn. Được biết, trước đây công ty sản xuất thiết bị gốc ở đại lục, nhưng sau đó Rice phát hiện ra rằng việc sản xuất tại thành phố quê hương (Hồng Kông) sẽ tiết giảm chi phí đáng kể. Bởi, quy mô sản xuất của Rice vẫn còn khá nhỏ – trong khi đó Trung Quốc đại lục lại phù hợp với quy mô sản xuất hàng loạt hơn. Mặt khác, chính phủ Hồng kông đang nỗ lực để thu hút ngành công nghiệp sản xuất nhằm đa dạng hóa nền kinh tế đang dần mất đi sự hấp dẫn của mình. Do đó, một phần vốn huy động sẽ được Rice sử dụng để xây dựng nhà máy sản xuất tại Hồng Kông.
Với mức giá niêm yết trên thị trường từ 9.000 USD, các robot giao hàng Rice được trang bị công nghệ định vị và xây dựng bản đồ đồng thời (SLAM) để điều hướng. Một lợi thế lớn của SLAM là nó liên tục so sánh dữ liệu cảm biến với bản đồ đã được cung cấp, cho phép hệ thống xây dựng một mô hình chính xác và linh hoạt hơn.
Ngoài các robot dịch vụ, Rice còn cung cấp dòng robot khử trùng. Được biết, nhu cầu về loại robot này đã tăng mạnh trong thời gian đại dịch COVID-19.
Theo nhận định, thị trường robot sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và ước tính đạt gần 70 tỷ USD vào năm 2027. Con người sẽ ngày càng tập trung vào các công việc có giá trị cao hơn và nhường lại hhững công việc đơn giản, lặp lại do robot đảm nhiệm. Chúng ta hãy cùng chờ đợi sự phát triển hơn của các dòng robot tại Việt Nam nhé.
>>Xem thêm: Liệu trong tương lai con người có hẹn hò với robot?