Không còn là khoa học viễn tưởng: cỗ máy có thể đọc suy nghĩ của con người!
Mới đây, các nhà thần kinh học tại Đại học Texas (Austin) đã tiết lộ về cỗ máy có thể giải mã và tái tạo những gì con người thấy, suy nghĩ, tưởng tượng – và chuyển chúng thành lời nói. Cập nhật nhanh cùng Techie nhé!
Đọc suy nghĩ không cần xâm lấn!
Không cần dây dợ hay các cụm mạch và điện cực gắn vào phần đầu của con người như những gì chúng ta từng thấy trong phim ảnh, thay vì đó, bộ giải mã sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ (fMRI) để đo lường sự hay đổi trong lưu lượng máu xung quanh não và từ đó chuyển đổi ý tưởng thành lời nói.
“Chúng tôi đang giải mã một điều gì đó sâu sắc hơn ngôn ngữ” – Tiến sĩ Alexander Huth đến từ ĐH Texas nói với BBC Science Focus. “Bộ giải mã có thể nắm bắt được những thứ không thể chạm vào – những hình dạng khác nhau mà suy nghĩ chúng ta mang lại – và biến chúng thành thông điệp có thể hiểu, và quan trọng hơn, có thể truyền đạt được”.
Có nghĩa là người được “đọc” suy nghĩ không cần diễn đạt suy nghĩ của mình bằng lời nói. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích với những người bị mất khả năng nói – ví dụ như bệnh nhân sau tai biến. “Rối loạn ngôn ngữ có thể gây ra những khó khăn nghiêm trọng. Vì thế, cung cấp một phương tiện giao tiếp bổ sung sẽ thực sự có giá trị”. Jerry Tang, cộng tác viên nghiên cứu tại ĐH Texas cho biết thêm.
Có thể giải mã ngôn ngữ liên tục và tự nhiên
Vốn dĩ từ trước đến nay, các cỗ máy giải mã suy nghĩ chỉ có thể tái tạo từ đơn hoặc cụm từ ngắn. Tuy nhiên, theo công bố trên Nature Neuroscience, cỗ máy mà các nhà khoa học của ĐH Texas đang phát triển có thể giải mã ngôn ngữ liên tục và tự nhiên.
Về cơ bản, phương pháp giải mã của cỗ máy được thiết lập bởi các kỹ thuật máy học hiện đại. Cơ chế của nó sẽ tương tự như Chat GPT, dự đoán các câu tiếp theo dựa trên những gì đã được học trước đó.
Giống như một trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo, cỗ máy cần được đào tạo trên một lượng dữ liệu đủ lớn. Trong trường hợp này, nguồn dữ liệu đến từ máy quét MRI đo lưu lượng máu trong não. Để tích lũy đủ dữ liệu thần kinh, mỗi người tham gia nghiên cứu đã dành 16 giờ nghe podcast bao gồm The Moth Radio Hour và Modern Love của The New York Times.
Bên cạnh đó, người tham gia nghiên cứu cũng sẽ được cho xem các đoạn phim không có âm thanh. Điểm thú vị ở thí nghiệm này, bộ giải mã đã dịch ra cả thứ vượt ngoài ngôn ngữ: đó chính là ý tưởng! Sự thay đổi lưu lượng máu trong não diễn ra chậm chạp, trong vài giây chứ không phải nanosecond của xung thần kinh. Điều này có nghĩa là bộ giải mã không dịch chính xác những từ chúng ta đang đọc, mà là cách chúng ta hiểu ý nghĩa của chúng. Tiến sỹ Huth giải thích thêm, cách chúng ta hiểu một điều gì đó có thể thay đổi một cách chậm rãi.
Mặc dù vậy, thiết bị MRI khá cồng kềnh và khó có thể vận chuyển. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách để áp dụng nghiên cứu trên các thiết bị có giá cả phải chăng và dễ dàng mang theo hơn.
Điều này có ảnh hưởng đến sự riêng tư của não bộ?
Tuy gợi mở nhiều triển vọng hấp dẫn, nhưng cỗ máy đọc suy nghĩ cũng đồng thời là “hồi chuông” cảnh báo về tính riêng tư của con người. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, mô hình hiện tại chỉ có thể được sử dụng trên các cá nhân đã được đào tạo. Mặt khác, nó cũng cần sự hợp tác của người tham gia để hoạt động. Bởi, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người tham gia cũng có thể chống lại việc giải mã suy nghĩ. Bằng cách thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như đếm số, kể chuyện, người tham gia có thể ‘làm phân tán’ bộ giải mã khỏi những suy nghĩ khác.
Tất nhiên, công nghệ tương lai có thể hóa giải được điều này. Do đó, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của việc nghiên cứu về các tác động đến tính riêng tư trong tương lai.
“Trong khi công nghệ này còn đang ở giai đoạn ban đầu, việc quy định những dữ liệu não có thể và không thể được sử dụng là rất quan trọng. Có thể có những hậu quả tiêu cực nếu bị lạm dụng và hiểu sai, vì vậy chúng tôi cho rằng quan trọng là đảm bảo nội dung mà bộ giải mã truyền đạt là chính xác và không gây hiểu lầm” – Jerry Tang nói thêm.
>>Xem thêm: Viễn cảnh của trường học vào năm 2050