5 phút đọc: Hiểu hết về Điện toán đám mây!
Điện toán đám mây là thuật ngữ thường xuyên được nhắc đến trong lĩnh vực công nghệ. Nếu sở hữu các thiết bị kết nối intenet – điển hình như smartphone hay laptop – rất có thể bạn đã có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Nói cách khác, công nghệ này đang hiện diện trong công việc, cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nhưng lại ít ai thật sự hiểu về nó! Hãy dành ra 5 phút để cùng Techie tìm hiểu nhanh về công nghệ rất hữu ích và thiết thực này nhé!
Điện toán đám mây là gì?
Khái niệm
Điện toán đám mây (Cloud computing) là mô hình dịch vụ sử dụng công nghệ để cho phép người dùng truy cập tài nguyên điện toán dùng chung, bao gồm: mạng, server, lưu trữ, ứng dụng, dịch vụ. Thuật ngữ “đám mây” là lối nói ẩn dụ, ám chỉ mạng internet và cách bố trí của nó trong sơ đồ mạng máy tính.
Ví dụ: Google workspace là một ví dụ điển hình về công nghệ đám mây. Bằng cách làm việc trên các công cụ như Google doc, Google slide… bạn có thể truy cập vào file văn bản đó và chỉnh sửa chúng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị có kết nối internet. Đồng thời, bạn cũng có thể chia sẻ file văn bản của mình với những người khác. Nếu không có điện toán đám mây, chúng ta chỉ có thể truy cập file ở đúng chiếc máy tính tạo ra nó.
Vì sao cần có điện toán đám mây?
Qua ví vụ về Google workspace, hẳn chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của công nghệ đám mây. Lý do cốt lõi nhất của công nghệ này là nhằm giải quyết sự gia tăng vượt bậc về lưu trữ dữ liệu. Trước khi có công nghệ này, các doanh nghiệp phải mua sắm và bảo trì phần cứng, phần mềm. Việc phát triển trung tâm dữ liệu riêng đòi hỏi chi phí lớn cũng như khó khăn trong công tác quản lý. Thay vào đó, hiện nay chúng ta chỉ cần thuê dịch vụ điện toán đám mây từ các nhà cung cấp. Điều này giúp giảm chi phí, tăng tính linh hoạt và đồng thời giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên.
Mặt khác, công nghệ đám mây còn cung cấp nhiều tính năng tiên tiến cho người dùng. Chẳng hạn như khả năng tự động hóa, đồng bộ hóa dữ liệu và mở rộng linh hoạt.
Cơ chế hoạt động của điện toán đám mây
Như bạn đã biết, điện toán đám mây hoạt động bằng cách cấp quyền cho người dùng tải lên/xuống dữ liệu lưu trữ. Trong đó, dữ liệu sẽ được lưu trên máy chủ của nhà cung cấp. Thay vì lưu trên máy tính hoặc máy chủ vật lý của người dùng. Nhà cung cấp sẽ đóng vai trò quản lý và vảo vệ dữ liệu. Đồng thời đảm bảo tính bảo mật, sao lưu và phục hồi dữ liệu nếu cần thiết.
Thông qua kết nối internet đến máy chủ nhà cung cấp, người dùng có thể truy cập dữ liệu. Ngoài ra, người dùng cũng được cấp quyền quản lý, cho phép họ chia sẻ, xóa bỏ, tìm kiếm dữ liệu dễ dàng hơn.
Các ứng dụng chính của điện toán đám mây
Lưu trữ dữ liệu
Ứng dụng quan trọng đầu tiên như đã đề cập, chính là lưu trữ dữ liệu trên các dịch vụ điện toán mây. Điều này giúp người dùng tiết kiệm chi phí mua máy chủ. Đồng thời, tăng tính an toàn, độ tin cậy, bảo mật và dễ dàng khôi phục.
Dịch vụ phần mềm
Công nghệ đám mây cũng đang được sử dụng rộng rãi rong lĩnh vực dịch vụ phần mềm (SaaS – Software as a Service). Thay vì phải cài đặt phần mềm trực tiếp trên máy tính hay thiết bị di động, người dùng có thể truy cập vào các ứng dụng trên nền tảng đám mây và sử dụng chúng trực tiếp từ trình duyệt web. Đối với doanh nghiệp, các ứng dụng phần mềm phổ biến được triển khai trên nền tảng đám mây có thể kể đến là: hệ thống quản lý tài liệu, quản lý nhân sự, phần mềm kế toán, hệ thống quản lý dự án…
Xử lý dữ liệu (Big data)
Phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data) là một trong những ứng dụng quan trọng của nền tảng đám mây. Đối với các tổ chức có dữ liệu lớn cần lưu trữ và xử lý, công nghệ này cho phép họ phân tích dữ liệu nhanh và hiệu quả hơn.
Thực tế, dữ liệu không chỉ đến từ một nguồn duy nhất, mà từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như mạng xã hội, dữ liệu duyệt web, ứng dụng di động, các cảm biến IoT… Dịch vụ điện toán đám mây cung cấp công cụ phân tích dữ liệu và học máy để tìm ra các kết quả hữu ích. Dựa theo đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ, tăng cường trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Truyền thông và mạng xã hội
Với ưu điểm linh hoạt và tiết kiệm chi phí, điện toán đám mây cũng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông. Nó giúp cho việc chia sẻ thông tin trở lên dễ dàng hơn bao giờ hết. Mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter… chính là ví dụ điển hình nhất.
Công nghệ đám mây cũng thay đổi cách thức mà chúng ta xem và nghe các nội dung truyền thông. Với các nền tảng streaming như Netflix, Spotify, YouTube, người dùng có thể truy cập vào các bộ phim, chương trình truyền hình và nội dung âm nhạc từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet. Ngoài ra, công nghệ này cũng giúp các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu khách hàng chính xác hơn.
Công nghệ IoT
Đối với IoT, điện toán đám mây đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và phát triển các ứng dụng. Cụ thể, các thiết bị IoT có thể gửi dữ liệu lên các máy chủ đám mây để xử lý và phân tích, từ đó trả về kết quả cho các thiết bị để thực hiện các hành động tiếp theo. Điều này giúp cho các thiết bị IoT có thể hoạt động hiệu quả hơn và giảm tải cho các thiết bị cục bộ.
Ngoài ra, công nghệ đám mây còn hỗ trợ cho việc triển khai các ứng dụng IoT quy mô lớn, với khả năng mở rộng linh hoạt và hệ thống phân phối tài nguyên tự động, giúp đáp ứng được nhu cầu của các hệ thống IoT có số lượng thiết bị lớn và dữ liệu phức tạp.
*Chú thích: IoT (Internet of Things – Mạng lưới các thiết bị kết nối Internet). Tìm hiểu cụ thể hơn về IoT tại đây!
Các dịch vụ điện toán đám mây nổi bật
Có nhiều dịch vụ điện toán đám mây được cung cấp bởi các công ty công nghệ lớn trên thế giới. Cùng điểm qua một số cái tên nổi bật:
- Amazon Web Services (AWS)
AWS là dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới, được cung cấp bởi Amazon. AWS cung cấp đầy đủ các tính năng, từ lưu trữ, xử lý, tính toán, mạng, cho đến trí tuệ nhân tạo, máy học và IoT.
- Microsoft Azure
Là dịch vụ được cung cấp bởi Microsoft. Tương tự như AWS, Azure có các tính năng tương tự như và hỗ trợ nhiều hệ điều hành khác nhau.
- Google Cloud Platform (GCP)
Google cũng là một “ông lớn” trong mảng dịch vụ Cloud computing. GCP cung cấp các tính năng như lưu trữ, xử lý, tính toán và các dịch vụ AI.
- IBM Cloud
Đây là dịch vụ điện toán đám mây được cung cấp bởi tập đoàn công nghệ IBM. Dịch vụ của IBM đem đến các tính năng từ máy chủ ảo cho đến lưu trữ đám mây và dịch vụ trí tuệ nhân tạo.
- Oracle Cloud
Ngoài tính năng lưu trữ, xử lý dữ liệu, Oracle Cloud còn cung cấp các dịch vụ AI và blockchain.
- DigitalOcean
Đây là dịch vụ điện toán đám mây phổ biến trong cộng đồng lập trình viên, cung cấp các tính năng như máy chủ ảo, lưu trữ và dịch vụ mạng.
- Salesforce
Là nền tảng dịch vụ dành cho quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và quản lý mối quan hệ với khách hàng, bao gồm bán hàng, chăm sóc khách hàng và tiếp thị.
Kết luận
Bạn vừa cùng Techie tìm hiểu điện toán đám mây là gì cũng như những thông tin hữu ích xung công nghệ này. Chúng ta đang sống trong một “kỷ nguyên dữ liệu”, do đó công nghệ đám mây vẫn đang là xu hướng quan trọng và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên người dùng vẫn cần lưu ý vể vấn đề bảo mật và quản lý dữ liệu khi sử dụng nền tảng đám mây. Trong thời đại mọi người đều có thể truy cập thông tin bằng internet, hãy luôn cân nhắc khi chia sẻ dữ liệu của mình!
>>Xem thêm: 5 phút hiểu về NFT!