Toàn cảnh về cú sập của Silicon Valley Bank

Chuyện gì đã xảy ra với Silicon Valley Bank (SVB – ngân hàng Thung lũng Silicon)? Chỉ khoảng hơn một tuần trước đó, nhà băng này đã được vinh danh là “Ngân hàng của năm” tại London. Một tuần sau, mọi thứ sụp đổ. Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, đây là cú sụp đổ nghiêm trọng và lớn thứ 2 của một tổ chức tài chính tại Hoa Kỳ.

Giống như trong bộ phim It’s a Wonderful Life, sự sụp đổ của ngân hàng xảy ra khi người gửi tiền cố gắng rút hết tiền của mình cùng lúc. Và như bộ phim đã giải thích, đôi khi số tiền mặt thực sự không có ngay lập tức vì ngân hàng đã sử dụng nó cho những việc khác. Đó chính là nguyên nhân gây ra “cái chết” ngay lập lức cho ngân hàng quan trọng nhất và mang tính biểu tượng của ngành công nghệ SVB. Nhưng trước khi đạt đến điểm đó, phải xảy ra rất nhiều sự kiện trước đó.

Một vài thông tin khái quát về Silicon Valley Bank

Được thành lập vào năm 1983, Silicon Valley Bank là một “động cơ” quan trọng cho sự thành công của ngành công nghệ. Nó đứng thứ 16 trong hệ thống các ngân hàng tại Hoa Kỳ. Hình ảnh những “coder mặt ngơ mọt sách” thường gắn liền với các startup công nghệ thành công. Song, thực chất “nhiên liệu” cho các startup là tiền bạc, không phải là trí tuệ.

SVB cung cấp nhiên liệu đó. Ngân hàng làm việc chặt chẽ với nhiều startup được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư mạo hiểm. SVB công bố mình là “đối tác tài chính của nền kinh tế đổi mới” và “ngân hàng được chọn cho các nhà đầu tư.” Hơn 2.500 công ty mạo hiểm đã gửi tiền ở SVB. Cùng rất nhiều nhà điều hành công nghệ khác.

Nhưng, SVB đã sụp đổ trong vòng chưa đầy 48 giờ.

Cú sập của Silicon Valley Bank diễn ra như thế nào?

Trong một cuộc họp cuối tuần trước, bộ phận Dịch vụ nhà đầu tư của Moody’s đã có một tin xấu cho SVB, đó là nếu không ghi nhận các khoản lỗ của họ vào báo cáo thì họ có nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm hoặc với mức cao hơn cả một bậc.

Trước quyết định lựa chọn mang tính chiến lược, SVB có hai sự lựa chọn nhưng lại dẫn đến cùng một kết quả. Một là nhà băng này sẽ phải giảm phần lớn các khoản trái phiếu bị thua lỗ để củng cố bảng cân đối kế toán, điều này có thể khiến người gửi tiền lo sợ về khả năng thanh khoản của ngân hàng. Hai là không làm gì và bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm có thể gây ra ảnh hưởng tương tự.

Giám đốc điều hành của Silicon Valley Bank
Ông Greg Becker – Giám đốc của Ngân hàng SVB từng có 12 năm làm việc tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco

SVB đã chọn đi theo hướng thứ 2. Tuy nhiên, họ đã làm một việc đột phá là bán danh mục đầu tư và công bố một thỏa thuận gọi vốn. SVB Financial Group – công ty mẹ của SVB – thông báo đã bán 21 tỷ USD chứng khoán, lỗ 1,8 tỷ USD. Họ cho biết sẽ phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. SVB đã bị Moody’s hạ một bậc xếp hạng sau đó. Và cơn ác mộng bắt đầu từ đây.

Khách hàng đồng loạt quay lưng, sự sụp đổ đã diễn ra nhanh chóng vào ngày  10/3, sau khi SVB từ bỏ kế hoạch tăng vốn cổ phần khi cổ phiếu của nhà băng này giảm hơn 60%. SVB “gần như không có nhiều vốn mà họ lẽ ra phải có”, William Isaac, cựu chủ tịch của FDIC từ năm 1981 đến năm 1985, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 10/3. “Một khi sự sụp đổ đã bắt đầu thì không thể dừng lại được. Và đó là lý do tại sao họ phải đóng cửa nó”.

Điều gì đã xảy ra với khách hàng của Silicon Valley Bank?

Hầu hết các ngân hàng được bảo hiểm bởi Cục Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Đây là một  cơ quan chính phủ đã tồn tại từ Thời kỳ Đại khủng hoảng. Vì vậy, tất nhiên các tài khoản tại Silicon Valley Bank cũng được bảo hiểm bởi FDIC – nhưng chỉ lên đến 250.000 USD. Đó là cách thức hoạt động của bảo hiểm tiền gửi FDIC.

250.000 USD có thể là một khoản tiền lớn đối với một cá nhân, nhưng cái ta đang xét đến là các công ty. Nhiều công ty có tốc độ tiêu thụ hàng triệu USD mỗi tháng. Theo một báo báo tiết lộ, có đến khoảng 90% số tiền gửi ngân hàng không được bảo hiểm vào tháng 12 năm 2022. FDIC cho biết, hiện “chưa xác định” số tiền gửi nào không được bảo hiểm khi ngân hàng đóng cửa.

Khách hàng đồng loạt rút tiền tại Silicon Valley Bank
Khách hàng đồng loạt rút tiền tại Silicon Valley Bank

Vậy hệ quả của cú sập sẽ như thế nào?

Ngay cả một gián đoạn nhỏ trong dòng tiền cũng có thể gây ra hiệu ứng nghiêm trọng lên cá nhân, công ty và cả ngành trông nghiệp. Vì vậy, dù khả năng cao là người gửi không được bảo hiểm rồi cuối cùng cũng sẽ được đến bù đầy đủ, nhưng vấn đề hiện tại là họ không thể truy cập vào số tiền đó.

Tác động lớn nhất là việc trả lương sẽ bị gián đoạn. Rippling – một công ty về dịch vụ lương đã thông báo với khách hàng của mình rằng họ không thể thanh toán các khoản lương đúng hạn do sự sụp đổ của Silicon Valley Bank. Và điều này dẫn đến hệ quả đối vối với nhân viên. Đó có thể là tiền thuê nhà, trả nợ ngân hàng, tiền thực phẩm, chăm sóc con cái…

Hệ quả càng đặc biệt khó khăn với các công ty startup. Theo Garry Tan, CEO của công ty hỗ trợ khởi nghiệp Y Combinator (YC), hơn 30% các công ty Y Combinator sẽ không thể trả lương trong 30 ngày tới. Tan cho rằng cả một thế hệ startup có thể bị xóa sổ nếu chính phủ không can thiệp. Các công ty startup có thể bị đi lùi ít nhất 1 thập kỷ vì sự kiện này.

Tất nhiên, trả lương không phải là chi phí duy nhất. Còn có các khoản thanh toán cho các nhà cung cấp phần mềm, dịch vụ đám mây và nhiều thứ khác nữa. Chúng ta chỉ mới nói đến bề mặt của vấn đề.

Cú sập của Silicon Valley Bank có liên quan gì đến thị trường Crypto?

Sự thất bại của SVB không liên quan trực tiếp đến cuộc suy thoái tiền điện tử đang diễn ra. Song nó có thể làm tình hình khủng hoảng đó trở nên tồi tệ hơn. Công ty tiền điện tử Circle – đơn vị vận hành Stabecoin, USCD đang bị mắc kẹt 3.3 tỷ USD tại SVB. Stablecoin từ giá trị 1 USD đã giảm xuống còn 0.87 USD ngay sau khi SVB bị sập.

USDC mất mốc một USD sáng 11/3
USDC mất mốc một USD sáng 11/3

Theo CoinDesk, sự biến động của USCD – vốn phải ổn định ở mức giá một USD – đang gây ra một đợt tháo chạy trên thị trường. Người dùng đang di chuyển tài sản lớn từ USDC sang USDT, khiến giá của USDT có lúc tăng lên mức 1,06 USD.

Công ty cho vay tiền điện tử BlockFi cũng đang bị mắc kẹt 227 triệu USD.

Silicon Valley Bank không còn tồn tại, điều gì diễn ra tiếp theo?

Để giải quyết cú sập của Silicon Valley Bank, FDIC đã tạo ta một thực thể mới: ngân hàng Quốc gia bảo hiểm tiền gửi của Santa Clara, để quản lý tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm cho Ngân hàng Silicon Valley. Nó sẽ mở cửa kinh doanh vào ngày 13 tháng 3. Những người có khoản tiền gửi không được bảo hiểm sẽ được chi trả một khoản cổ tức và giấy chứng nhận – tuy nhiên đó không phải cam kết rằng họ sẽ được nhận lại 100% khoản tiền gửi.

Nhiệm vụ của FDIC là thu được số tiền tối đa từ tài sản của SVB. Điều này có thể diễn ra theo một số kịch bản khác nhau. Trong trường hợp lạc quan nhất, một ngân hàng khác sẽ mua lại SVB và trả lại các khoản tiền gửi cho khách hàng. Còn nếu trường hợp đó không xảy ra? FDIC sẽ kiểm định và bán các tài sản của SBV trong vài tuần hoặc vài tháng. Số tiền thu được sẽ gửi trả cho khách hàng gửi tiền.

Tuy nhiên, để ngăn chặn cuộc khủng khoảng, Cục Dự trữ liên bang (FED) đã ra thông báo “giải cứu” khách hàng của SVB. Theo đó, tất cả những người gửi, cả được bảo hiểm và không có bảo hiểm, “sẽ có quyền truy cập vào tài sản của họ vào sáng thứ Hai, ngày 13/3 theo giờ địa phương”. Tuyên bố được đưa ra bởi Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sau khi tham vấn ý kiến từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo FDIC, FED đã sẵn sàng giải quyết bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể phát sinh.

Mặc dù vậy, theo Bill Ackman – “thiên tài đầu cơ” phố Wall, sự can thiệp của chính phủ Mỹ sau cú sập của SVB tuy tạo được niềm tin cho người gửi tiền, nhưng khủng hoảng cũng có thể lan rộng. Một số nhà phân tích dự báo ngành ngân hàng sẽ còn chịu nhiều ảnh hưởng nữa khi mối lo về những rủi ro tiềm ẩn cũng như tác động của việc lãi suất tăng ngày càng lớn.

>>Xem thêm: Danh hiệu EGOT trong làng nghệ thuật danh giá đến mức nào?

Khám phá thêm
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm đến hơn 70%, Việt Nam luôn được coi là thị trường...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...