Không phải trò chơi rèn luyện trí não, game thông thường mới giúp bạn thông minh hơn?!
Có nhiều tranh cãi về ảnh hưởng của việc chơi game đến não bộ. Thực tế, game không hẳn mang đến tác động xấu đến trí não. Ngược lại, theo một nghiên cứu được công bố trên trang Scienfocus, chơi game có thể giúp não bộ phát triển toàn diện hơn!
Game đã bị chỉ trích trong nhiều năm qua. Có nhiều lo ngại về những tác hại do việc chơi game mang lại, chẳng hạn như chứng tử kỷ, chống đối xã hội, suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần và cả xu hướng trở nên bạo lực.
Tuy nhiên, khi các nhà khoa học bắt đầu đào sâu hơn về vấn đề này, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng phần lớn những lo lắng trên là không có cơ sở.
Những năm gần đây, các trò chơi và ứng dụng “Brain Training” (tạm dịch: rèn luyện trí não) được quảng bá như một phương thức dễ dàng giúp phát triển các chức năng não bộ, gia tăng khả năng nhận thức. Ý tưởng của trò chơi là đưa ra những câu đố tập trung vào trí nhớ hoặc nhận thức về không gian, thời gian. Bằng cách này, trí nhớ và nhận thức của người chơi sẽ được cải thiện. Về mặt lý thuyết, trí óc của chúng ta cũng sẽ được rèn luyện theo cách thức này.
Từ góc độ nghiên cứu, vấn đề cốt lõi là cần tìm hiểu xem liệu các trò chơi “Brain Training” có đem đến hiệu ứng chuyển giao hay không. (Hiệu ứng chuyển giao có thể hiểu là sự ảnh hưởng rộng hơn đến chức năng não bộ, và qua đó nó cũng có thể cải thiện các chức năng khác mặc dù có vẻ như không liên quan).
Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu đã cố gắng phân biệt giữa hiệu ứng chuyển giao “gần” và “xa”. Hiệu ứng gần liên quan đến việc liệu rằng chơi một trò chơi có dẫn đến sự cải tiến trong các trò chơi khác; và hiệu ứng xa liên quan đến việc các trò chơi đó có dẫn đến sự cải thiện chung trong khả năng nhận thức hoặc trí thông minh. Và kết quả đã chỉ ra rằng game “Brain Training” chủ yếu mang đến hiệu ứng “gần”. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có thể tác động sâu xa hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu so sánh giữa trò chơi Brain Training với các trò chơi video game thông thường khác đã cho thấy kết quả rất thú vị. Cụ thể, khi so sánh giữa game rèn luyện trí óc Lumosity và trò chơi Portal 2, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng người chơi Lumosity không thể hiện được sự cải thiện về trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đế – nhưng người chơi Portal 2 thì lại làm được điều đó!
Tương tự, một nghiên cứu thu hút gần 45.000 người tham gia được công bố vào năm 2019 cho thấy rằng các trò chơi rèn luyện trí não chỉ đem đến chút ít lợi ích về nhận thức, không đáng kể so với tác động của tác động của các trò chơi video game nói chung.
Gần đây nhất – năm 2020, các nhà khoa học tại Viện Karolinska ở Thụy Điển đã nghiên cứu dữ liệu từ 9.000 trẻ em Mỹ và cho thấy rằng, trẻ từ 9-10 tuổi chơi video game trên mức trung bình không cho thấy sự khác biệt nào về trí tuệ so với những người chơi ít hơn. Tuy nhiên, sau 2 năm, 5000 đứa trẻ trong đó đã tăng 2.5 điểm IQ so với mức tăng trung bình.
Một số kết quả nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự. Điển hình như một nghiên cứu năm 2020 trên những người trưởng thành từ 60 đến 80 tuổi cho thấy chơi các trò chơi như Angry Birds hoặc Super Mario 3D World giúp cải thiện trí nhớ trong thời gian 4 tuần.
Câu hỏi đặt ra rằng: tại sao các trò chơi video game thông thường lại giúp cải thiện khả năng nhận thức trong khi đó, các trò game nhắm tới mục đích rèn luyện trí não lại không đạt được kết quả như mong đợi?
Một lập luận đặt ra là: các ứng dụng Brain Training có xu hướng cung cấp các trò chơi nhỏ trong thời gian ngắn, trong khi đó, các trò video game lại hấp dẫn và yêu cầu mực độ tập trung cao hơn.
Nhìn chung, chúng ta vẫn cần những nghiên cứu rộng và chuyên sâu hơn để khẳng định về lợi ích của game đối với trí não. Song, có lẽ đã đến lúc gạt bỏ những định kiến xấu về việc chơi game!
Xem thêm: Tác hại mạng xã hội: Thay đổi cấu trúc bộ não của GenZ?