TikTok nói gì trước nghi vấn thu thập dữ liệu người dùng tại Mỹ?
Công ty mẹ của TikTok – ByteDance, có trụ sở tại Trung Quốc, vừa bị Forbes cáo buộc về việc lên kế hoạch thu thập dữ liệu về vị trí người dùng.
Vào 20/10 vừa qua, một báo cáo của Forbes đã chỉ ra: Một nhóm nhân sự ByteDance tại Trung Quốc đã thu thập dữ liệu về vị trí của công dân Mỹ thông qua TikTok ít nhất 2 lần .
Theo Forbes, hành động theo dõi các công dân Mỹ được thực hiện bởi bộ phận Kiểm toán nội bộ và Kiểm soát rủi ro của ByteDance. Đây là nhóm chuyên tiến hành điều tra các hành vi sai trái của các nhân viên ByteDance từ trước đến nay. Thế nhưng, Forbes cam đoan rằng hai người dùng Mỹ bị theo dõi vị trí không phải là nhân viên ByteDance.
Phía Forbes cho biết họ vẫn chưa xác định rõ liệu các thông tin vị trí có bị thu thập ngay từ chính thiết bị của người dùng hay không. Tuy nhiên, hãng thông tấn này cũng cho biết, các dữ liệu này có khả năng sẽ không được sử dụng cho các mục đích thương mại của ByteDance, chẳng hạn như nhắm mục tiêu quảng cáo (Ad Targeting).
Bên cạnh đó, vào tháng 7, một báo cáo được thực hiện bởi công ty an ninh mạng Internet 2.0 cho biết rằng ứng dụng TikTok trên Android đã thực hiện truy vấn vị trí GPS của các thiết bị này với tần suất tối thiểu mỗi giờ.
TikTok ngay lập tức đáp trả các cáo buộc này trên tài khoản Twitter chính thức của công ty. Nền tảng này cho biết họ không thu thập thông tin vị trí GPS chính xác của người dùng, cho nên “không thể giám sát người dùng tại Mỹ như cách bài báo đã đưa tin”. TikTok cũng cho biết rằng nền tảng này chưa bao giờ “nhắm vào bất kỳ thành viên chính phủ, nhà hoạt động xã hội, nhân vật đại chúng, hay kể cả đối tượng nhà báo nào của Mỹ”.
Bên cạnh việc chỉ trích sự liêm chính của Forbes, TikTok cũng phản hồi rằng “sẽ sa thải nhân viên ngay lập tức” nếu cáo buộc trên là đúng sự thật.
Mặc cho những lý lẽ trên, chính sách quyền riêng tư của TikTok lại cho thấy rằng ứng dụng có quyền thu thập dữ liệu về vị trí GPS chính xác từ người dùng khi được cho phép. Cụ thể, ứng dụng có thể thu thập thông tin gần đúng về vị trí của người dùng, bao gồm thông tin qua thẻ sim và địa chỉ IP. Nếu có sự cho phép, TikTok cũng có thể thu thập dữ liệu vị trí chính xác của người dùng (chẳng hạn như GPS).
Đáp lại phản ứng của TikTok, phát ngôn viên của Forbes cho biết: “Forbes rất tự tin về nguồn tin và sẽ giữ nguyên lập trường của mình”.
Từ lâu, mối quan hệ giữa Mỹ và TikTok vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành một loạt lệnh cấm tải ứng dụng TikTok vì lo ngại việc dữ liệu người dùng sẽ bị chính phủ Trung Quốc truy cập. Những quyết định này đã bị hủy bỏ bởi người kế nhiệm của Trump, Joe Biden.
Thế nhưng, vào tháng 6 năm nay, những lo ngại của việc sử dụng TikTok lại một lần nữa dâng cao khi nhiều đoạn ghi âm các cuộc họp nội bộ tại TikTok bị rò rỉ. Trong các đoạn ghi âm này, đáng chú ý có câu nói của một nhân viên rằng: “Trung Quốc có thể nhìn thấy mọi thứ.”
Độ tín nhiệm của TikTok với người dùng phương Tây cũng có nhiều chuyển biến xấu. Tháng 8 vừa qua, một nhóm các chính trị gia Đảng Bảo thủ tại Anh đã vận động thành công Quốc hội gỡ bỏ kênh TikTok vì lo ngại dữ liệu sẽ bị chuyển đến Trung Quốc. Ireland vừa qua cũng tổ chức điều tra việc”TikTok chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng sang Trung Quốc”.
Hiện TikTok và ByteDance đã được liên hệ để đưa ra các phản hồi tiếp theo.
Bài viết được lược dịch từ The Guardian.