7 kiểu tính cách nhân viên được doanh nghiệp săn đón – Bạn thuộc kiểu nào?
Sau khi phỏng vấn hơn 30.000 ứng viên trong nhiều năm, William Vanderbloemen – CEO của Vanderbloemen Search Group đã rút 7 kiểu tính cách nhân viên được doanh nghiệp đánh giá cao nhất. Cùng Techie điểm qua xem bạn có tính cách nào không nhé!
William cho biết, là một công ty tìm kiếm nhân tài ở các vị trí cấp cao, công việc của ông là tìm ra người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất. Đó không chỉ là người tài năng, họ còn có sự xuất chúng khác thường, không nhừng nỗ lực và có sức lôi cuốn tự nhiên. William gọi yếu tố này là “Kỳ lân”, bởi vì chúng hiếm có. Và dưới đây là 7 kiểu tính cách “Kỳ lân” xứng đáng để mọi doanh nghiệp săn đón:
1. “Kỳ lân” Tư duy nhanh
Tư duy nhanh ở đây không có nghĩa là bạn nhanh chóng nói “Có/Không” trước một vấn đề. Mà là bạn cần nhanh chóng nhận biết điều gì đang xảy ra và đối ứng với chúng ngay lập tức. Không có sự do dự. Những chú “Kỳ lân với tư duy nhanh” phải là người quyết đoán, sẵn sàng đối đầu mạnh mẽ với sự kiên nhẫn và hiệu suất, và sẽ hoàn thành công việc đúng thời hạn.
- Cách phát triển tư duy nhanh:
+ Coi trọng thời gian phản hồi một cách kịp thời
+ Đặt ra thời hạn cho cả công việc và các vấn đề trong cuộc sống. Đâu nhất thiết phải chờ đến tận cả tháng để đưa ra một quyết định đúng không?
2. “Kỳ lân” Trung thực
Không ai mong đợi bạn phải hoàn hảo 100% trong công việc, đặc biệt là ở khoảng thời gian đầu đi làm. Điều mà các doanh nghiệp đánh giá tệ nhất là sự thiếu trung thực. Khi gặp một vấn đề rắc rối trong công việc, hãy thành thật chia sẻ về nó. Những người trung thực có cách chia sẻ lỗi lầm của mình, đồng thời cũng có thể khuyến khích những người khác cùng làm điều đó.
- Cách rèn luyện tư duy trung thực:
+ Thẳng thắn thừa nhận sai lầm của bạn và biết tìm cách khắc phục.
+ Nếu bạn đang gặp khó khăn, hãy thành thật và yêu cầu giúp đỡ.
3. “Kỳ lân” Giải quyết vấn đề
Khi đối mặt với thử thách, con người thường chọn cách né tránh hoặc trực tiếp tìm giải pháp. Những nhân viên lựa chọn tìm giải pháp, từ chối trở thành nạn nhân và dành năng lượng để vượt qua những thử thách đó là nhân tài không thể thay thế.
Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề tìm đến bạn đều cần co giải pháp. Đôi khi, thứ người ta muốn chỉ là một đôi tai biết thông cảm. Hãy tránh lãng phí khả năng giải quyết vấn đề của bạn vào những chuyện không đáng.
- Cách rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề:
+ Cách nhìn nhận rất quan trọng: thay vì cho đó là “vấn đề”, hãy gọi nó là “cơ hội”
+ Đừng phàn nàn, hãy đưa ra giải pháp. Kể cả đó là những giải pháp chưa thật sự hiệu quả, nó vẫn giúp bạn rèn luyện kỹ năng và có những suy nghĩ đúng đắn.
4. “Kỳ lân” Tư duy nhận thức
Biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cũng như hiểu cách tiếp cận những cuộc hội thoại quan trọng có là là hiếm hơn bao giờ hết. Những người có tư duy nhận thức cao thường biết cách điều phối trong các cuộc họp. Họ biết cách để không chiếm không gian, làm lãng phí thời gian của mọi người. Đồng thời khi nhận được những phản hồi mang tính xây dựng, họ sẽ lưu tâm đến điều đó.
- Cách để bạn rèn luyện tư duy nhận thức:
+ Bỏ qua yếu tố cá nhân khi nhận phản hồi và góp ý từ mọi người. Hãy xem đó là công cụ để bạn hoàn thành mọi việc tốt hơn nữa.
+ Tôn trọng người khác và chú ý đến thói quen của bạn trong các cuộc họp: bạn có đang thật sự lắng nghe không? Bạn có thật sự trò chuyện với mọi người không?
5. “Kỳ lân” Tò mò
Steve Jobs từng nói: “Phần lớn những điều tôi vấp phải khi đi theo tính hiếu kỳ và trực giác của tôi sau này lại trở nên vô giá”. Rất nhiều bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại tôn vinh sự tò mò như một yếu tố then chốt dẫn đến thành công của họ. Khi một ứng viên tò mò, điều đó cho thấy có sự gắn kết và quan tâm thực sự ngoài mức lương.
- Phát triển tính tò mò:
+ Khi thử thách xuất hiện, hãy đặt câu hỏi trước khi đưa ra giải pháp.
+ Tò mò không chỉ dừng lại ở việc đặt câu hỏi, mà còn phải hành động.
+ Luôn học hỏi và cập nhật thông tin.
6. “Kỳ lân” Thân thiện
Trong một số chương trình truyền hình thực tế, người chiến thẳng sau cùng thường không phải là người thông minh nhất. Mà đó là người biết cách thân thiện với tất cả mọi người. Những người thân thiện có khả năng giành được công việc tốt và thậm chí thăng tiến lên các vị trí cao hơn nhờ kỹ năng giao tiếp xã hội của họ. Đây là tố chất mà không phải ai cũng có.
- Cách phát triển tính thân thiện:
+ Dành ra vài phút mở đầu cuộc họp bằng cách nói điều gì đó không liên quan đến công việc.
+ Học cách nhớ tên mọi người.
7. “Kỳ lân” Năng suất
Không có một phương pháp chung cụ thể nào để đạt được năng suất. Trở thành một “Kỳ lân Năng suất” phụ thuộc vào ba yếu tố: biết cách tổ chức công việc, biết cách thực hiện như thế nào và đánh giá cao kết quả hơn là sản lượng.
- Cách để phát triển tư duy năng suất:
+ Ghi ra ba nhiệm vụ quan trọng nhất mỗi ngày.
+ Theo dõi và điều chỉnh năng suất để không ngừng tiến bộ hơn.
Ngoài công việc Giám đốc điều hành của Vanderbloemen Search Group, William Vanderbloemen còn được biết đến là tác giả cuốn sách: Be The Unicorn: 12 Data Driven Habits That Separate the Best Leaders From the Rest (tạm dịch: ‘Hãy trở thành Kỳ lân: 12 thói quen dựa trên dữ liệu giúp phân biệt những nhà lãnh đạo giỏi nhất với những người còn lại’). Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về tác giả trên LinkedIn.
>>Xem thêm: Đâu là điều mà cha mẹ thường quên dạy con mình nhất?