Xu hướng phẫu thuật đổi màu mắt: là đột phá hay rủi ro?
Thủ thuật có tên keratopigmentation nhằm giúp đổi màu mắt vĩnh viễn đang thu hút sự chú ý của một bộ phận giới trẻ. Liệu việc đổi màu mắt có an toàn hay không? Cùng Techie tìm hiểu qua nội dung sau đây!
Khi màu mắt không còn là định mệnh sinh học
Khi CassieAnn biết rằng có một phương pháp có thể thay đổi màu mắt vĩnh viễn, cô đã quyết định bay đến New York để thực hiện thủ thuật này. Từ lâu, cô đã mơ ước có đôi mắt xanh và từng đeo kính áp tròng màu suốt nhiều năm để thay đổi diện mạo.
“Tôi luôn muốn đôi mắt mình có chút gì đó khác biệt. Tôi không muốn lúc tháo kính áp tròng ra, mình lại trở thành một người hoàn toàn khác trước người thân và bạn đời”. CassieAnn chia sẻ với phóng viên tạp chí Salon.
Bác sĩ thực hiện keratopigmentation cho Ann là Kevin Niksarli. Ông đã bắt đầu đầu làm thủ thuật này từ năm 2022. Cuộc tiểu phẫu chỉ kéo dài chừng khoảng 20 phút. Bác sĩ sẽ sử dụng laser để tạo một đường dẫn trong giác mạc, sau đó đưa sắc tố màu vào nhằm thay đổi màu mắt. Mặc dù có thể có một số thay đổi nhỏ về sắc độ trong sáu tháng đầu, kết quả về cơ bản là vĩnh viễn.
Phương pháp này đôi khi còn được gọi là “xăm mắt”. Các bác sĩ thực hiện thủ thuật cho rằng keratopigmentation cũng tương tự với các phẫu thuật điều chỉnh thị lực như LASIK hoặc SMILE. Chỉ khác là keratopigmentation mang tính thẩm mỹ chứ không nhằm cải thiện thị lực.
Điểm khác biệt rõ ràng với phương pháp “xăm tròng trắng” (scleral tattooing) – vốn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và mất thị lực – là keratopigmentation chỉ tác động đến bề mặt giác mạc. Một số phương pháp khác như tẩy sắc tố mống mắt bằng laser hoặc cấy ghép mống mắt cũng được sử dụng để thay đổi màu mắt, nhưng có thể gây tổn thương giác mạc hoặc dẫn đến mất thị lực.
“Nếu bạn đặt vật thể vào trong mắt hoặc loại bỏ sắc tố của mống mắt, bạn sẽ phải can thiệp sâu vào nội nhãn. Đối với keratopigmentation, chúng tôi chỉ làm việc trên bề mặt mắt, nên mức độ xâm lấn ít hơn”. Bác sĩ người Pháp Francis Ferrari là người tiên phong trong thủ thuật đổi màu mắt giải thích.
Nhưng rủi ro là có thật – nhưng trong tầm kiểm soát
Theo các nghiên cứu theo dõi bệnh nhân sau khi thực hiện keratopigmentation, phương pháp này nhìn chung khá an toàn. Trên thực tế, từ những năm 1990, bác sĩ đã dùng phương pháp này để điều trị các bệnh lý như không có mống mắt bẩm sinh.
Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Trong một nghiên cứu năm 2020 với 40 bệnh nhân, có một trường hợp từng làm LASIK đã gặp biến chứng giãn giác mạc (corneal ectasia). Vì lý do đó, một đánh giá tổng hợp năm 2022 khuyến nghị rằng LASIK có thể là chống chỉ định với keratopigmentation.
Một nghiên cứu khác trên 204 bệnh nhân cho thấy, một số ít gặp biến chứng giãn giác mạc sau khi chụp MRI. Bác sĩ Ferrari cho biết, lý do là vì trước đây sắc tố dùng trong thủ thuật có chứa sắt, nhưng hiện nay thành phần này đã bị loại bỏ. Tại châu Âu, các sắc tố khoáng siêu nhỏ này được quy chuẩn bởi CE (Conformité Européenne), nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thì chưa có quy định cụ thể.
Hiện tại, keratopigmentation đang trở nên phổ biến hơn. Theo ước tính, hiện chỉ có khoảng 30 bác sĩ trên toàn cầu đang thực hiện thủ thuật này. Tại Mỹ, có một số bác sĩ đang làm theo hình thức “off-label”, tức là không được FDA phê duyệt chính thức. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) từng đưa ra cảnh báo rằng thủ thuật này “có thể tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng”.
“Bất kỳ phẫu thuật nào cũng có rủi ro. Nhưng nếu không được nghiên cứu kỹ và kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt khi thực hiện vì mục đích thẩm mỹ trên đôi mắt khỏe mạnh, thì nguy cơ càng lớn,” bác sĩ Christopher Starr từ Đại học Weill Cornell và là người phát ngôn của AAO cho biết.
Đắt đỏ nhưng không được bảo hiểm
Vì là thủ thuật thẩm mỹ “off-label”, keratopigmentation không được bảo hiểm chi trả. Bệnh nhân phải tự thanh toán với chi phí lên đến 10.000 USD.
Theo nhận định của bác sĩ nhãn khoa Cyril Mailon, nhiều người chọn thủ thuật này cũng giống như chọn phẫu thuật nâng mũi hay làm đẹp. Đơn giản là để thay đổi ngoại hình, giúp họ tăng sự tự tin hơn. Một số ít người muốn có đôi mắt giống người thân, nếu họ là người duy nhất trong gia đình có màu mắt khác biệt. Tuy nhiên, gần như tất cả bệnh nhân đều muốn đổi từ mắt tối màu sang sáng màu. Khá hiếm có ai muốn đổi từ màu mắt sáng sang nàu nâu hay đen.
Dù chưa có nghiên cứu chính thức, mạng xã hội được cho là có ảnh hưởng đến xu hướng thay đổi màu mắt. Các filter (bộ lọc) làm đẹp giúp người dùng dễ dàng tưởng tượng ra hình ảnh của bản thân với màu mắt khác, khiến nhu cầu thay đổi màu mắt – hoặc ít nhất là đeo kính áp tròng màu – tăng cao. Thậm chí, có người còn dùng công nghệ để chọn màu mắt cho con mình ngay từ giai đoạn phôi thai.
Dù có nhiều lý do để thay đổi diện mạo, Maillon nhận định: việc thay đổi màu mắt tạo ra một sự khác biệt rõ ràng và sâu sắc hơn các thủ thuật thẩm mỹ thông thường. “Với đôi mắt, sự thay đổi mang tính biểu tượng nhiều hơn, vì mắt là thứ đầu tiên người khác nhìn thấy khi gặp bạn,” ông nói.
Dù keratopigmentation được đánh giá là ít xâm lấn và tương đối an toàn, nhưng với những trường hợp ngoại lệ đã xảy ra, đây vẫn là lựa chọn cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhất là khi những thủ thuật mới vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát pháp lý chặt chẽ, nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe là điều không thể bỏ qua.
>>Xem thêm: Nhẫn thông minh có xứng đáng để thay thế đồng hồ thông minh?