Việt Nam – Điểm đến cung cấp giải pháp phần mềm mới
Trong một chuyến thăm Hà Nội vào năm 2006, chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với Ấn Độ trên thị trường cung cấp các giải pháp phần mềm. Đã hơn 15 năm trôi qua, nhưng nhận định này vẫn không hề lỗi thời – Việt Nam có những ưu thế vượt trội trong mảng gia công phần mềm cho các thị trường nước ngoài.
Những yếu tố để Việt Nam bứt phá
Lợi thế của Việt Nam so với các điểm đến khác trong lĩnh vực gia công phần mềm chính là sự tổng hoà của môi trường kinh tế – chính trị ổn định, nguồn nhân công trẻ và chi phí dịch vụ phải chăng. Bằng chứng là, Việt Nam được MarketInsider xếp hạng thứ 5 trong top những thị trường cung cấp giải pháp phần mềm tốt nhất thế giới năm 2019.
Môi trường kinh tế – chính trị ổn định: Hiện tại,Bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Quốc tế (Global Peace Index) xếp hạng Việt Nam ở vị trí số 44, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ – 2 thị trường nổi bật khác trong lĩnh vực gia công phần mềm – lần lượt đứng ở các vị trí 89 và 135. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngành CNTT càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI) cũng được chào đón, tạo lợi thế cho các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng hoạt động ở nước ta. Chính nhờ những yếu tố trên, Việt Nam dần trở thành điểm sáng trong mắt các công ty nước ngoài khi tìm kiếm các đơn vị tư vấn & cung cấp giải pháp phần mềm.
Nguồn nhân lực chất lượng: Đầu tiên, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ. Theo Kyanon Digital, khoảng 78% dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 35, trong đó khoảng 45% nằm ở mức giữa 15 và 35. Số lượng lập trình viên với khoảng 5 năm kinh nghiệm chiếm khoảng 30%, số lượng ít hơn 3 năm kinh nghiệm chiếm khoảng 53.5%. Tiếp theo, sinh viên Việt Nam có thế mạnh trong các ngành Khoa học tự nhiên. Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA), học sinh Việt Nam đặc biệt giỏi về Toán và Khoa học. Đây chính là nền tảng cho giáo dục đại học về công nghệ. Cuối cùng, các ngành CNTT luôn được chú trọng đào tạo ở Việt Nam. Hiện tại, nước ta có 290 trường đại học và cao đẳng đào tạo CNTT và có khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hàng năm. Trong tương lai gần, nước ta có kế hoạch thành lập thêm hơn 20 cơ sở giáo dục/ đào tạo ngành CNTT để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này.
Chi phí phải chăng: Theo báo cáo từ Kyanon Digital, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hơn 50% chi phí khi gia công phần mềm với các đơn vị tại Việt Nam khi so sánh với Ấn Độ và Trung Quốc. Mức lương trung bình theo giờ của các lập trình viên Việt Nam dao động trong khoảng 14 – 40$, trong khi con số này tại Trung Quốc rơi vào mức 20 – 50$. Có thể thấy, Việt Nam có lợi thế lớn là chi phí tư vấn và phát triển phần mềm có phần cạnh tranh hơn hẳn so với các đối thủ trong khu vực.
Những bước tiến lớn trong hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản
Với dân số đang có xu hướng già hoá trong khi nhu cầu phát triển công nghệ ngày càng cao, không khó hiểu khi nhiều công ty Nhật Bản đang dần tìm đến các thị trường nước ngoài để được tư vấn và cung cấp các giải pháp phần mềm. Tại Ngày hội công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản 2019 (Japan ICT Day 2019), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: có khoảng 70% các công ty Nhật hoạt động tại Việt Nam cho biết có định hướng mở rộng kinh doanh tại châu Á và ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Năm 2018, có tới 248 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, chiếm 8% tổng số đầu tư của Nhật vào Việt Nam.
Theo Nghiên cứu Thị trường Outsourcing toàn cầu (Global Outsourcing Market), thị phần outsourcing cho các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản lớn nhất đang thuộc về Ấn Độ với 31,5%, Việt Nam đã vượt lên Trung Quốc, đứng thứ 2 với 20,6%.
Tại Hội nghị Trực tuyến Xúc tiến Đầu tư – Thương mại Nhật Bản vào Đà Nẵng, một đại diện từ phía Nhật Bản cho biết, thời gian qua, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 60 tỷ USD từ khoảng 4.200 dự án (trong đó có hơn 700 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT), hiện Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư vốn nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Với những lợi thế vượt trội về chất lượng nguồn lao động cũng như sự phát triển trong quá trình hợp tác – đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ, chắc chắn Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa trên bản đồ gia công phần mềm của thế giới nói chung và là điểm đến tin cậy của các doanh nghiệp xứ sở phù tang trong quá trình chuyển đổi số nói riêng.