Vì sao vị thế của Intel bị tụt dốc không phanh?

Nvidia – được mệnh danh là “vua chip AI” hiện đang là một trong những tập đoàn có giá trị nhất thế giới. Trong khi đó, công ty chip Intel – vốn được xem là siêu cường về chất bán dẫn – lại đang vật lộn với khó khăn và chỉ được định giá bằng khoảng 1/30 Nvidia. Ít ai biết rằng, Intel từng có cơ hội “thâu tóm” Nvidia trước đó. Điều gì đã khiến Intel bị tụt lại trong cuộc đua chip AI? Cùng Techie cập nhật ngay sau đây!

Khoảnh khắc định mệnh

Thời điểm năm 2005 vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào cho sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI sẽ diễn ra sau khoảng 15 năm sau đó. Tuy nhiên, ban giám đốc điều hành của Intel đã đứng trước một quyết định có thể thay đổi sự phát triển của công nghệ biến đổi này.

Giám đốc điều hành của Intel vào thời điểm đó là Paul Otellini đã trình bày với hội đồng quản trị một ý tưởng gây ngạc nhiên: mua lại Nvidia, một start-up tại Silicon Valley đang nổi tiếng với các chip đồ họa. Mức giá đề xuất lúc này là 20 tỷ USD. Nếu thành công, đó sẽ là thương vụ đắt đỏ nhất trong lịch sử Intel.

intel-vs-nvidia
Intel hiện đã tụt xa so với Nvidia

Một số thành viên trong ban giám đốc của Intel in rằng thiết kế cơ bản của chip đồ họa sẽ có thể đảm nhận những tính năng quan trọng trong các trung tâm dữ liệu – một cách tiếp cận sẽ thống trị các hệ thống AI trong tương lai. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị hội đồng quản trị phản đối, bởi vốn dĩ những thương vụ mua lại trước đó của Intel đều không đạt được thành công như kỳ vọng.

Sau gần 20 năm nhìn lại, một thành viên có mặt trong cuộc họp hôm đó đã cho biết, đấy là “một khoảnh khắc định mệnh”. Giá trị chứng khoán của Nvidia trong rất nhiều năm chỉ là một phần nhỏ của Intel, hiện đã vượt qua 3.000 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị của Intel đã giảm xuống dưới 100 tỷ USD.

Khi định giá của công ty sụt giảm, một số công ty công nghệ lớn và chủ ngân hàng đầu tư đã cân nhắc điều từng không thể tưởng tượng được: Intel có thể là mục tiêu mua lại tiềm năng.

Sẩy chân vì bảo thủ

Theo nhận định của tờ The Wall Street Journal, sai lầm về mặt chiến lược và sự bùng nổ nhanh chóng của công nghệ AI đã khiến tập đoàn bán dẫn danh tiếng lâu đời từ “kẻ đi săn” trở thành “con mồi”. Điều này đã đẩy áp lực lên người tiền nhiệm là Patrick Gelsinger. Vị CEO được bổ nhiệm vào năm 2021 đang tập trung vào việc khôi phục vị thế dẫn đầu một thời của công ty trong công nghệ sản xuất chip. Doanh thu của Intel đã giảm hơn 30% tính từ năm 2021 đến 2023.

Bên cạnh đó, câu chuyện cắt giảm hơn 15.000 nhân sự cũng đã phản ánh những thách thức rộng hơn mà Intel đang phải đối mặt. Nhiều cuộc phỏng vấn với các nhân vật cấp cao của Intel cho thấy, tập đoàn này đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và đưa ra những quyết định sai lầm trong quá khứ.

CEO Intel
CEO Patrick Gelsinger

Đây là hệ quả của một nền văn hóa doanh nghiệp đã hình thành và qua nhiều thập kỷ thành công và công nghệ cao – bắt đầu từ những năm 1980 khi chip của Intel và phần mềm của Microsoft trở thành bộ đôi thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp máy tính cá nhân. Intel chỉ tập trung vào nhượng quyền kinh doanh máy tính cá nhân và sau đó là trung tâm dữ liệu. Các giám đốc điều hành của Intel từng mô tả công ty là “sinh vật đơn bào lớn nhất trên hành tinh”, một thế giới khép kín và tự cung tự cấp.

Chính triết lý này đã gây trở ngại cho Intel khi họ cố gắng – và liên tục thất bại – để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực chip AI. Các dự án được khởi xướng, theo đuổi trong nhiều năm rồi đột ngột bị hủy bỏ, hoặc là do lãnh đạo Intel mất kiên nhẫn hoặc công nghệ không đạt yêu cầu. Các khoản đầu tư vào thiết kế chip mới hơn thường bị xếp sau so với việc bảo vệ và mở rộng trụ cột doanh thu chính của công ty – những thế hệ chip dựa trên kiến trúc thời PC của Intel, gọi là x86.

Thực tế, các lãnh đạo Intel cũng nhận thức được vấn đề này. Ông Craig Barrett, cựu CEO của Intel, từng so sánh mảng kinh doanh chip x86 với cây bụi creosote – một loại cây có khả năng làm hại các loài cây cạnh tranh xung quanh nó. Tuy nhiên, lợi nhuận từ mảng này quá cao trong thời gian dài khiến Intel thực sự không thay đổi hướng đi.

Quyết định sai lầm

Sau khi hủy bỏ thương vụ mua lại Nvidia, Intel đã tập trung vào một dự án nội bộ có tên là “Larrabee” nhằm mục đích vượt lên các đối thủ cạnh tranh về đồ họa. Dự án được dẫn dắt bởi ông Pat Gelsinger – cũng là CEO của công ty hiện nay.

Tuy nhiên, Labare đã không thành công như mong đợi. Nó không chỉ đã làm tiêu tốn 4 năm và hàng trăm triệu USD mà còn khiến Intel bị chậm nhịp cạnh tranh với các đối thủ.

Năm 2016, Intel chi 400 triệu USD để mua lại Nervana Systems, một công ty chip AI mới nổi, và bổ nhiệm Giám đốc Điều hành của công ty này, Naveen Rao, làm người đứng đầu mảng sản phẩm AI tại Intel.

Naveen Rao
Naveen Rao (bên phải) là giám đốc Điều hành của Nervana Systems vào thời điểm được Intel mua lại

Ông Rao kể rằng ông đã gặp phải hàng loạt khó khăn tại Intel, từ hạn chế trong việc tuyển dụng kỹ sư, vấn đề về sản xuất, đến cạnh tranh khốc liệt từ Nvidia. Dù vậy, nhóm của ông vẫn nỗ lực phát triển và giới thiệu hai con chip mới, trong đó có một sản phẩm thu hút sự quan tâm từ Meta. Tuy nhiên, đến tháng 12/2019, Intel bất ngờ mua lại một công ty chip AI khác, Habana Labs, với giá 2 tỷ USD, đúng thời điểm đội của ông Rao gần hoàn tất sản phẩm mới của mình.

“Intel đã có một sản phẩm sẵn sàng ra mắt, nhưng ngay sau đó lại mua một công ty khác với giá 2 tỷ USD và lãng phí thêm 2 năm,” ông Rao chia sẻ. Không lâu sau, ông quyết định từ chức.

Intel đã dành nhiều năm để xây dựng các giải pháp AI, từ việc phát triển chip đồ họa nội bộ đến việc tích hợp công nghệ từ Habana Labs. Tuy nhiên, quá trình này lại diễn ra chậm chạp và gặp nhiều trở ngại.

Hiện tại, Intel vẫn đang cố gắng theo đuổi AI vì đây vẫn là một thị trường đầy hấp dẫn trong bối cảnh các doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày một nhiều. Và có lẽ, tập đoàn danh tiếng một thời cần một hướng đi mới với sự cởi mở và kiên trì hơn.

>>Xem thêm: Facebook muốn giúp Gen Z hoà nhập với lối sống “trưởng thành” hơn

Khám phá thêm
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên...