Vì đâu người ta “Flex”? Và điều đó có ảnh hưởng gì không?

Flex là thuật ngữ được giới trẻ đặc biệt sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Thậm chí, nhiều người còn xem “flexing” như một kỹ năng sống. Hãy cùng tìm hiểu về “văn hóa flex” qua góc nhìn của Techie!

Flex là gì?

Đi cùng với sự phát triển của dòng nhạc Rap là sự xuất hiện của hàng loạt thuật ngữ, và một trong số đó là “flex”.

Trong nghĩa gốc, “flex” có nghĩa là bẻ hoặc uống cong. Tuy nhiên, khi các rapper bắt đầu sử dụng nó như một tiếng lóng trong các bài hát, flex đã được từ điển Cambridge cập nhật thêm định nghĩa mới. Theo đó, flex là cách một người thể hiện niềm tự hào quá mức về tài sản hoặc hoặc thành tựu của bản thân. Đặc biệt là theo cách có thể khiến người khác cảm thấy khó chịu.

Một ví dụ về màn flex “đời đầu” mà chúng ta đều đã biết qua sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 là câu chuyện ngụ ngôn “Lợn cưới – Áo mới”. Trọng tâm của câu chuyện là đoạn hội thoại của hai anh chàng thích khoe của:

– “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?”

– “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!”.

Văn hóa flex
Flex thậm chí được xem là “văn hóa” của người dùng mạng xã hội, là một “kỹ năng” sống

Vì đâu người ta Flex?

Chỉ cần dành vài phút lướt qua các bài đăng trên Instagram, Facebook, Tiktok và kể cả mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, không khó để chúng ta bắt gặp các bài đăng mang tính chất “flex”. Thậm chí, kết quả còn là số lượng khổng lồ.

Việc flexing – hay khoe khoang – dường như trở thành một phần không thể thiếu trên mạng xã hội ngày nay. Nhưng sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông rõ ràng chỉ là công cụ. Việc flexing liệu đơn giản chỉ là cách để chúng ta tôn vinh cuộc sống, hay còn có những ý nghĩa khác?

  • Thể hiện thành tích: một người có thể flex để chia sẻ thành tích cá nhân như đạt mục tiêu, hoàn thành dự án, nhận giải thưởng hoặc điểm cao trong một kỳ thi. Điều này có thể là cách để tự khích lệ bản thân và tạo động lực cho người khác.
  • Xây dựng hình ảnh tích cực: từ trong sâu thẳm, chúng ta luôn mong người khác nhìn nhận tích cực về mình. Và nhiều người tin rằng, flex giúp họ tạo dựng một hình ảnh tự tin, thành công và có năng lực trước cộng đồng trực tuyến.
  • Tạo sự chú ý và tương tác: bằng cách flex, người ta có thể thu hút sự chú ý từ người khác để tạo ra các cuộc thảo luận, tương tác trên mạng xã hội. Điều này cũng có thể là cách để trở nên nổi tiếng hơn.
  • Xây dựng mối quan hệ: flex có thể giúp người ta thiết lập mối quan hệ và kết nối với những người có sở thích, thành tựu hoặc tài năng tương tự.
Văn hóa flex
Mạng xã hội là phương tiện để người ta có thể dễ dàng flex mọi lúc mọi nơi

Liệu chúng ta có đang Flex hay không?

Mặc dù flexing thường ám chỉ việc khoe khoang vật chất, nhưng nó còn có thể biểu hiện qua nhiều cách khác nhau. Nó không chỉ là hành động khoe nhà lầu, xe hơi, quần áo hàng hiệu… mà còn đến từ sự khoe khoang về thể trạng cơ thể, địa vị xã hội, mối quan hệ bạn bè… Trào lưu “famous relative check” chính là một ví dụ điển hình.

Flexing cũng không chỉ xuất hiện ở những KOL, influencer hay những hiện tượng “cậu Be”, Trương Anh Ngọc… mà vốn dĩ mỗi người dùng mạng xã hội – bất kể lứa tuổi – đều có thể “vô tình” flexing.

Chẳng hạn, ngay sau thời điểm kết thúc năm học vừa mới đây, nhiều bậc cha mẹ đã thi nhau flex bảng điểm của con mình lên mạng xã hội. Có người coi đó là chuyện bình thường, nhưng lại không ít người cho rằng hành động này có phần phản cảm. Thậm chí, một số chuyên gia tâm lý cho rằng việc khoe thoang thành tích của con cái có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Ví dụ về flex
Những “màn flexing” chiếm sóng mạng xã hội tại Việt Nam thời gian qua

Ngày nay, flexing hiện diện khắp mạng xã hội. Thật khó để cưỡng lại việc khoe khoang khi bạn có điều gì đó để trưng bày.

Flex thì ảnh hưởng đến ai?

Chúng ta đều đồng ý rằng, flex có thể đem đến cho người khác sự khó chịu. Nếu không, các nhân vật như “Cậu Be”, Trương Anh Ngọc đã không bị netizen châm biếm nhiều đến thế. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự khó chịu thì cũng chẳng có gì đáng nói. Thực chất, flex có thể đẩy mọi thứ đi xa hơn thế.

Văn hóa flex đã góp phần thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa vật chất. Và đây cũng là một trong những nguồn cơn để một thế hệ trẻ ngập trong nợ nần. Theo thống kê tại Anh quốc, vào năm 2023, trung bình Gen Z rời trường đại học với khoản nợ 33.000 bảng (gần 1 tỷ đồng) trước khi họ bước vào thị trường lao động. Ở Mỹ, bức tranh cũng tương tự. Khảo sát từ GOBankingRates cho thấy 33% người Mỹ từ 18 đến 24 tuổi mắc nợ thẻ tín dụng.

Gen Z nợ nần
Gen Z đang bị ám chỉ là thế hệ nợ nần nhiều nhất

Theo báo cáo năm 2023 của Deloitte về thế hệ Gen Z và Millennial, gần một nửa thế hệ Millenial và đa số các thành viên Gen Z nói rằng “văn hóa flex” khiến họ cảm thấy bị áp lực phải theo kịp. Điều này dẫn đến việc một bộ phận có xu hướng xây dựng hình ảnh cá nhân thành hình tượng hoàn chỉnh, thành công và giàu có trên mạng xã hội. Trong khi thực tế không phải lúc nào cũng vậy.

Thậm chí, có cả những dịch vụ mở ra để cung cấp quần áo, địa điểm… cho những vlogger, tiktoker có thể… “giả giàu” và sống ảo. Khoảng cách giữa hình ảnh công khai và thực tế khiến người ta không sống thật với bản thân, hoặc luôn có cảm giác không đủ, hoặc thiếu tự tin khi so sánh với người khác.

Đồng thời, việc flexing không phải lúc nào cũng khiến ta trở nên “hòa nhập” hơn như nhiều người lầm tưởng. Trái lại, nó còn cản trở việc kết bạn mới – theo một nghiên cứu được công bố trên trang Insider. Lý do là vì trong một nhóm bạn, không ai muốn mình bị lu mờ. Và sự flexing lại có thể gây ra điều đó.

Hãy nhớ rằng, không ai hoàn hảo

Ảnh hưởng xấu của Flex
Nếu không có đủ sự tỉnh táo, người ta có thể bị cuốn sâu vào cái hố flexing

Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội mà không bị cuốn vào cái hố sâu flexing? Đây sẽ là một vài điểm nhỏ mà bạn có thể ghi nhớ:

  • Hãy tự hỏi: bạn có thoải mái không khi những người thân cận nhìn thấy những nội dung bạn chia sẻ trên mạng xã hội?
  • Nếu điều bạn đăng tải không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, thì không nhất thiết phải chia sẻ. Ví dụ: nếu bạn post hình một cuốn sách chỉ để chứng minh mình chăm đọc sách, điều đó không cần thiết. Nhưng nếu bạn post hình cuốn sách kèm một số đánh giá về nội dung cho ai đó đang tìm đọc thì có thể sẽ hữu ích hơn nhiều.
  • Không một ai hoàn hảo. Và thực chất người ta cũng thường chỉ quan tâm đến vấn đề của bạn thân họ thôi. Vì thế, bạn không so sánh bản thân với bất kỳ một ai – ngoại trừ với chính mình ngày hôm qua.

Cuối cùng, cần phân biệt giữa flex với sự chia sẻ thành tựu một cách tích cực. Bởi, việc chia sẻ thành tựu và tài năng cũng là một hình thức tạo động lực và kích lệ cho người khác. Đồng thời, nó cũng có thể mang đến những cơ hội công việc và mối quan hệ xã hội.

>>Xem thêm: Hội chứng FOMO: khi mạng xã hội chi phối ham muốn

Khám phá thêm
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên...