Trường học tại Phần Lan dạy học sinh cách phân biệt tin giả
Saara Martikka, một giáo viên ở Hameenlinna, Phần Lan, đã đưa cho học sinh của mình một loạt bài báo để cả lớp cùng nhau thảo luận và trả lời các câu hỏi như: Mục đích của bài viết là gì? Nó được viết như thế nào và khi nào? Tác giả muốn đưa ra thông điệp gì thông qua bài viết? Phương pháp này sẽ giúp trẻ em có cái nhận biết được đâu là tin thật và giả để bảo vệ bản thân không bị dắt mũi!
Martikka chia sẻ: “Những nội dung mang tính tích cực không có nghĩa là nó đúng hoặc có giá trị”. Trong lớp học, cô sẽ cho học sinh xem ba video TikTok và sau đó thảo luận về động cơ của người tạo ra video, cũng như tác động của các video đó lên người xem. Mục tiêu của cô, cũng như các giáo viên khác ở Phần Lan khi giảng dạy môn này là giúp học sinh phát hiện thông tin sai sự thật.
Đây là lần thứ năm liên tiếp Viện Xã hội học Bulgaria công bố rằng Phần Lan là nước đứng đầu danh sách 41 quốc gia châu Âu về khả năng phản ứng trước thông tin sai lệch. Các quan chức cho biết thành công của Phần Lan không chỉ là kết quả của hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, mà còn nhờ nỗ lực phối hợp dạy học sinh nhận biết tin giả từ chính các nhà giáo. Chương trình này còn bao gồm cả kiến thức về truyền thông và sẽ được đưa vào mục giảng dạy cốt lõi của Phần Lan, bắt đầu từ bậc mầm non.
Sau Phần Lan, các quốc gia châu Âu có thứ hạng cao về khả phản ứng trước thông tin sai lệch lần lược là Na Uy, Đan Mạch, Estonia, Ireland và Thụy Điển. Các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch nhất là Georgia, Bắc Macedonia, Kosovo, Bosnia và Herzegovina và Albania. Khảo sát được dựa trên điểm số về mức độ tự do báo chí, mức độ lòng tin xã hội và khả năng đọc hiểu, khoa học và toán học.
Phương pháp giáo dục hiện đại của Phần Lan
Phần Lan có lợi thế trong việc chống lại thông tin giả vì dân trí đất nước này được đánh giá ở mức cao với hệ thống trường công lập thuộc một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới và người dân ở đây được học Đại học miễn phí.
Giáo viên ở Phần Lan không những dạy các kiến thức về phương tiện truyền thông (media literacy), họ còn phải tự lên giáo trình để môn học trở nên thú vị nhất có thể. Martikka cho biết cô đã giao bài tập cho học sinh tự chỉnh sửa video và ảnh, bài tập này sẽ giúp các em biết việc thao túng thông tin bằng những công cụ chỉnh sửa có thể dễ dàng như thế nào.
Anna Airas – một giáo viên ở thủ đô Helsinki đã nghĩ ra một giáo trình hay ho khác, cô cho học sinh tra cứu từ khóa “vaccination” (tiêm chủng) để các em xem cách thức hoạt động của thuật toán và hiểu được rằng kết quả xuất hiện đầu tiên chưa chắc là thông tin chính xác.
Không chỉ trẻ em mới cần học cách phân biệt tin giả
Mặc dù những người trẻ ngày nay trưởng thành trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhưng không có nghĩa họ biết cách xác định và đề phòng các video mang tính thao túng tâm lý từ các phe phái chính trị hoặc tổ chức trên mạng. Trên thực tế, theo một nghiên cứu được công bố bởi Journal of Developmental Psychology của Anh cho thấy độ tuổi vị thành niên có xu hướng tin vào các thuyết âm mưu (Conspiracy theorizing) đang tràn lan trên mạng nhất. Trong đó, nguyên nhân lớn đến từ mạng xã hội, nơi người trẻ chọn là nguồn thông tin chính để đọc về tin tức, nhưng các thông tin trên mạng ít khi được kiểm duyệt và điều này ít nhiều ảnh hưởng đến thế giới quan của người trẻ.
Vì vậy, giờ đây chính phủ Phần Lan đang lên kế hoạch triển khai các chương trình dành riêng cho giới trẻ. Bước đầu trong chiến dịch này là sử dụng các thư viện công cộng làm trung tâm dạy thanh niên và người lớn tuổi cách phòng chống tin giả trên Internet.
Việc lập ra các chính sách phòng chống nạn tin giả là rất cần thiết khi những “chiếc bẫy vô hình” trên mạng xã hội này có thể mang lại nhiều hệ luỵ cho cả một thế hệ người đọc.
>>> Bạn có thể cũng thích bài viết này: Đối phó với Deepfakes: vấn đề hóc búa của các quốc gia!