Trung Quốc thử nghiệm công nghệ in 3D để xây dựng công trình trên Mặt Trăng
Nhằm phục vụ cho kế hoạch cư trú dài hạn trên Mặt Trăng, Trung Quốc hiện đang thử nghiệm công nghệ in 3D để xây dựng các tòa nhà vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Cùng Techie cập nhật nhé!
Thông tin trên được công bố bởi tờ China Daily vào hôm 24/4. Cụ thể, theo nội dung được công bố, tàu thăm dò Hằng Nga 8 của Cục Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc sẽ tiến hành điều tra môi trường và thành phần khoáng chất trên bề mặt Mặt Trăng. Từ đó đánh giá khả năng triển khai công nghệ in 3D trên hành tinh này.
Phát biểu trêm tờ China Daily, nhà khoa học Wu Weiren cho biết: “Nếu muốn ở trên Mặt Trăng trong một thời gian dài, chúng ta cần thiết lập các trạm bằng cách sử dụng vật liệu từ chính Mặt Trăng”.
Cuộc đua chinh phục Mặt Trăng đã “nóng” lên trong những năm gần đây, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ.
Được biết, vào năm 2020, tàu thăm dò vũ trụ không người lái mang tên Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã mang về những mẫu đất đầu tiên của Mặt Trăng. Trước đó, vào năm 2013 – sau lần đầu tiên phóng tàu thăm dò lên Mặt Trăng – Trung Quốc cũng đã có kế hoạch đưa phi hành gia lên đây vào năm 2030.
Từ năm 2023, Trung Quốc cho biết sẽ khởi động các con tàu Hằng Nga 6,7,8 với nhiệm vụ tìm kiếm những nguồn tài nguyên có thể sử dụng nhằm phục vụ cho con người cư trú lâu dài ngoài vũ trụ. Truyền thông quốc gia này cũng cho hay, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng bằng đất của chính hành tinh này trong vòng 5 năm tới. Theo chuyên gia từ Viện kỹ thuật học của Trung Quốc, một robot được giao nhiệm vụ “làm gạch từ đất Mặt trăng” sẽ được phóng lên theo tàu Hằng Nga 8 vào khoảng năm 2028.
Thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên thử nghiệm công nghệ 3D trên Mặt Trăng. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đang tập trung phát triển công nghệ này để xây nhà ngoài không gian, giúp các phi hành gia sống và làm việc trên hành tinh khác.
Hồi tháng 12.2022, NASA đã ký kết với công ty xây dựng ICON hợp đồng trị giá 57,2 triệu USD để phát triển công nghệ in 3D nhằm xây dựng các yếu tố cần thiết cho cuộc sống trên Mặt trăng, chẳng hạn như đường xá, bệ phóng và nhà ở.
Trong tháng này, Cơ quan Vũ trụ của NASA và Canada đã ghi danh 4 phi hành gia cho nhiệm vụ Artemis II – chuyến bay đưa con người trở lại Mặt Trăng sau nhiều thập kỷ, dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm 2024.
* Công nghệ in 3D ngoài vũ trụ là quá trình sử dụng máy in 3D để sản xuất các vật thể và bộ phận trong môi trường không trọng lực của không gian. Vì điều kiện môi trường khác biệt so với Trái Đất, nên các vật liệu và thiết bị sử dụng trong công nghệ in 3D ngoài vũ trụ cũng cần phải được thiết kế và sản xuất để đáp ứng yêu cầu của môi trường không trọng lực và nhiệt độ cực đoan. Hiện tại, công nghệ này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển nhằm đảm bảo hiệu quả và tối ưu chi phí.
>>Xem thêm: Giải mã Trend-Z: Greenwashing – cú lừa dành cho người tiêu dùng