Trái với Google, Meta và Microsoft, tại sao Apple hiếm khi đề cập đến AI?
Generative AI (tạm dịch: AI phái sinh) đang là từ khóa hàng đầu tại các công ty công nghệ. Trong khi CEO và ban lãnh đạo cấp cao của những big tech như Alphabet, Microsoft, Meta… không ngừng nói về trí tuệ nhân tạo, thì trái lại, Apple lại hầu như hiếm khi đề cập đến công nghệ này. Tại sao lại như vậy? Cùng Techie tìm hiểu nhé!
Sự tương phản của Apple
Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh (earnings call) cách đây 2 tuần, CEO của Alphabet là Sundar Pichaivvà nhóm cấp lãnh đạo của ông đã nói về “AI” 66 lần. Tương tự, phía Microsoft đã đề cập đến AI đến 47 lần trong một báo cáo doanh thu. Và phía Meta, CEO Mark Zuckerberg cũng nhắc đến AI 42 lần – theo phân tích của CNBC về các bản ghi chép.
Tuy nhiên, Apple lại hầu như không nói về trí tuệ nhân tạo. Cụ thể trong cuộc họp báo cáo doanh thu hồi tháng 5, CEO Tim Cook chỉ đề cập đến AI 2 lần. Và trong sự kiện ra mắt phần mềm hồi tháng 6, Apple cũng không đề cập đến cụm từ này, dù rằng đã công bố một số tính năng được tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Phong cách thận trọng của Apple về công nghệ AI đang tương phản rõ rệt với các công ty đối thủ. Thay vì “AI”, các nhà lãnh đạo Apple thích dùng cụm từ “học máy” (machine learning) – một cụm từ phổ biến hơn trong giới học thuật. Họ cũng đề cập cụ thể về những gì phần mềm giúp đỡ người dùng, chẳng hạn như tổ chức hình ảnh, cải thiện việc gõ chữ, hoặc điền thông tin trong file PDF – thay vì nói rằng công nghệ làm cho điều đó trở nên khả thi.
Microsoft, Google và Meta đang thu hút sự chú ý của người dùng vào AI, dù tương lai còn mơ hồ
Mặc dù phía Meta, Microsoft và Google liên cập nói về trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như dịch vụ đám mây và các công cụ dành cho phát phát triển. Tuy nhiên, các công ty vẫn chưa làm rõ rằng AI sẽ thay đổi các sản phẩm quan trọng nhất của họ như thế nào, và khi nào thì nó bắt đầu củng cố doanh thu – vốn là vấn đề mà các cổ đông quan tâm nhất.
Chẳng hạn, Google đã công bố kế hoạch cải tiến công cụ tìm kiếm bằng mô hình AI là Search Generative Experience. Sáng kiến mới lớn nhất của Microsoft là gói đăng ký “Copilot” trị giá 30 USD mỗi tháng để tích hợp văn bản hoặc mã được tạo từ ChatGPT vào Word, Powerpoint và các ứng dụng khác. Khoản đầu tư gần đây nhất của Meta vào công nghệ AI là mô hình ngôn ngữ lớn của riêng họ có tên là LLaMA, có thể củng cố các loại chatbot truyền thông xã hội mới hoặc tự động tạo quảng cáo trực tuyến.
Trong khi đó, phần lớn doanh thu của Apple từ hoạt động bán iPhone, tạo ra 51,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 94,84 tỷ USD trong quý tài chính thứ hai của công ty.
Bên cạnh đó, các big tech cũng báo hiệu cho nhà đầu tư rằng việc triển khai sản phẩm AI sẽ mất nhiều thời gian. Mặc dù vậy, các công ty vẫn liên tục “hứa hẹn” về tiềm năng kinh doanh của AI. CEO Pichai cho biết AI tổng quát được sử dụng để tạo và phân phát quảng cáo sẽ “thúc đẩy” hoạt động kinh doanh quảng cáo hiện tại của Alphabet. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi chắc chắn đang đi đúng hướng và chúng tôi có thể nhìn thấy tiềm năng trong các số liệu của mình cũng như phản hồi mà chúng tôi nhận được từ người dùng” Pichai nói.
Chu kỳ “cường điệu” về AI đã đi tới đỉnh điểm
Sự triển khai chậm chạp của các sản phẩm AI tạo ra doanh thu từ Big Tech có ý nghĩa quan trọng vì nhiều người trong ngành tin rằng các công nghệ nền tẳng mới sẽ phải trải qua một “chu kỳ cường điệu” – dựa trên nghiên cứu của công ty phân tích Gartner.
Theo mô hình của chu kỳ “cường điệu”, khi công nghệ mới được công bố, chúng sẽ nhận được sự chú ý và thu hút sự đầu tư cho đến khi đạt đỉnh của kỳ vọng. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ thực tế diễn ra chậm hơn dự kiến ban đầu, sự nhiệt tình và đầu tư giảm đi, dẫn đến sự thất vọng.
Một số nhà phân tích bắt đầu nhận định rằng cơ hội đầu tư dựa trên các sản phẩm AI sẽ không đến ngay lập tức, còn chi phí thì bị tích tũy. Nhà phân tích của JPMorgan là Mark Murphy cho biết, việc chuyển đổi nhu cầu (về AI) ban đầu thành quy mô lớn và thu về doanh thu sẽ là xu hướng trong nhiều năm chứ không phải là một sự chuyển đổi tức thời”.
“Chúng tôi khuyên các nhà đầu tư nên đầu tư vào nơi khác cho đến khi các khoản đầu tư vào Metaverse, Reels, Threads, Quest và Generative AI trở nên tích cực” Laura Martin – một nhà phân tích khác viết trong một ghi chú.
Apple là một công ty sản phẩm
Khi Apple báo cáo kết quả kinh doanh vào tuần tới, các nhà phân tích có thể sẽ hỏi về kế hoạch của họ về trí tuệ nhân tạo, do sự ám ảnh trên toàn ngành công nghiệp, đặc biệt sau một báo cáo gần đây từ Bloomberg cho biết công ty đang phát triển một mô hình ngôn ngữ tương tự ChatGPT bên trong.
Hồi tháng 6, Apple đã công bố phần mềm bàn phím mới cho iPhone sử dụng cùng kiến trúc biến áp như GPT, cho thấy họ có sự phát triển nội bộ đáng kể về các mô hình trí tuệ nhân tạo. Dẫu vậy, ông lớn công nghệ này thường không thích nói về các sản phẩm chưa có trên thị trường để kích thích sự kỳ vọng của nhà đầu tư.
Do đó, khả năng cao là Apple sẽ không thảo luận chi tiết về công nghệ AI như các công ty đối thủ trong những báo cáo tài chính. Điển hình như trong báo cáo kinh doanh vào tháng 5, khi được hỏi về công nghệ này, CEO Tim Cook đã nhanh chóng đưa cuộc trò chuyện trở lại các sản phẩm và tính năng của công ty.
“Chúng tôi xem trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng và chúng tôi sẽ tiếp tục tích hợp nó vào các sản phẩm của chúng tôi một cách cẩn thận,” Cook nói.
Có lẽ, phương pháp tiếp cận của Apple đối với AI là như một thành phần cốt lõi, chứ không phải là tương lai của máy tính – như cái cách công nghệ này đang được đình hình. AI của Apple hoạt động trong nền tảng, và Apple không nhất thiết phải lên tiếng vang vọng về nó như các đối thủ khác.
>>Xem thêm: 10 điều AI đã và đang thay đổi nơi làm việc của chúng ta