Tổng quan về hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain
Hợp đồng thông minh (smart contract) là một trong những ứng dụng tiềm năng nhất của blockchain, giúp cho các bên tham gia có thể thực hiện các giao dịch một cách chính xác, đáng tin cậy mà không cần sự can thiệp của các bên thứ ba. Tại sao ứng dụng công nghệ này lại trở nên phổ biến như vậy? Cùng Techie làm rõ trong bài viết dưới đây nhé!
Hợp đồng thông minh là gì?
Hợp đồng thông minh (smart contract) là một loại hợp đồng kỹ thuật số được lập trình để thiết lập các điều khoản của một thỏa thuận. Không giống như hợp đồng truyền thống, các điều khoản của smart contract được thực thi dưới dạng mã chạy trên một chuỗi khối như Ethereum. Hợp đồng này được viết bằng ngôn ngữ lập trình và được mã hóa trong mã nguồn của blockchain, cho phép các điều kiện của hợp đồng được thực hiện tự động mà không cần sự can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào.
Cách thức hoạt động của hợp đồng thông minh
Hợp đồng thông minh được thiết kế để hoạt động trên nền tảng blockchain. Hiện tại, Ethereum là nền tảng hợp đồng thông minh phổ biến nhất . Các hợp đồng thông minh được viết bằng các ngôn ngữ lập trình như Solidity, Vyper, hoặc Serpent, sau đó được biên dịch thành mã bytecode, mã này được chạy trên máy ảo Ethereum (Ethereum Virtual Machine, EVM).
Khi một sự kiện xảy ra và kích hoạt hợp đồng thông minh, các điều kiện và điều khoản của hợp đồng sẽ được kiểm tra tự động bởi các node trên blockchain, mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba nào. Nếu các điều kiện và điều khoản được đáp ứng, các hành động được quy định trong hợp đồng sẽ được thực hiện tự động, như chuyển tiền, cập nhật thông tin, hoặc thực hiện các tác vụ khác.
Ví dụ, nếu bạn muốn mua một sản phẩm trên một trang web, bạn đồng ý với các điều khoản thì loại hợp đồng này sẽ tự động kiểm tra các điều kiện và điều khoản để xác định xem liệu bạn đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hay không. Nếu các điều kiện được đáp ứng, hợp đồng thông minh sẽ tự động chuyển tiền từ tài khoản của bạn đến tài khoản của người bán, và thông báo cho cả hai bên về giao dịch thành công.
Khi các tác vụ được thực hiện, các thay đổi sẽ được ghi vào blockchain và tất cả các node trên mạng sẽ đồng bộ hóa các thay đổi này một cách tự động. Vì tính chất phân tán và không thể thay đổi của blockchain, tính toàn vẹn và đáng tin cậy của smart contract được đảm bảo. Ngoài ra, các công cụ và kỹ thuật kiểm thử phần mềm phức tạp được sử dụng để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của công nghệ này.
Một số ứng dụng hỗ trợ hợp đồng thông minh phổ biến
Uniswap: Một sàn giao dịch phi tập trung cho phép người dùng có thể giao dịch một số loại tiền điện tử nhất định mà không cần bất kỳ cơ quan trung ương nào thiết lập tỷ giá hối đoái.
Aave: Một nền tảng cho phép các nhà đầu tư kiếm được tiền lãi và những người đi vay có thể nhận được khoản vay ngay lập tức mà không cần đến ngân hàng trung gian.
USDC: Một loại tiền điện tử được chốt thông qua smart contract với đồng đô la Mỹ. USDC cung cấp tính thanh khoản và tính đồng nhất cho các giao dịch trên blockchain, đồng thời giảm thiểu rủi ro về biến động giá của các loại tiền tệ khác như Bitcoin hay Ethereum.
Các công cụ hỗ trợ hợp đồng thông minh được sử dụng như thế nào?
Hãy tưởng tượng bạn đang nắm giữ một số Ethereum mà bạn muốn đổi lấy USDC. Bạn có thể đặt một số Ethereum vào Uniswap, thông qua smart contract, Uniswap có thể tự động tìm cho bạn tỷ giá hối đoái tốt nhất, thực hiện giao dịch và gửi USDC cho bạn. Sau đó, bạn có thể đưa một số USDC của mình vào compound để cho người khác vay và nhận lãi suất được xác định theo thuật toán — tất cả mà không cần sử dụng ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác.
Trong tài chính truyền thống, hoán đổi tiền tệ rất tốn kém và mất thời gian, đặc biệt là không dễ dàng hoặc an toàn khi cho các cá nhân lạ mặt vay tài sản lưu động. Nhưng smart contract làm cho vấn đề đó trở nên khả thi hơn rất nhiều lần.
Ưu, nhược điểm của hợp đồng thông minh
Ưu điểm:
- Giảm thiểu sự can thiệp của bên thứ ba giúp tiết kiệm chi phí và thời gian
- Độ chính xác cao, loại bỏ các sai sót thông thường do con người gây ra
- Được giữ nguyên vẹn, không thể thay đổi các điều khoản
- Có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính, bảo hiểm, quản lý tài sản, bất động sản…
Nhược điểm:
- Không thể sửa đổi nếu xảy ra các sai sót
- Lỗi trong lập trình có thể gây tổn thất cho các bên tham gia
- Có thể có sơ hở trong mã hóa khiến hợp đồng được thực hiện với mục đích xấu
Kết luận
Trong tương lai, hợp đồng thông minh hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc hiểu rõ về smart contract và cách sử dụng nó sẽ giúp chúng ta tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ blockchain trong tương lai.
>> Xem thêm: Web3 là gì? Đọc ngay để hiểu về công nghệ đột phá trong lĩnh vực Internet