Thần tượng ảo – Đâu là những cái tên nổi bật?

Với việc đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho ngành công nghiệp giải trí, các công ty đang nỗ lực hết sức để tạo ra những “con gà đẻ trứng vàng” trong thế giới ảo. Vậy, đâu là những cái tên nổi bật trên tấm bản đồ thần tượng ảo trên thế giới?

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, nguồn gốc của các thần tượng ảo thường dính dáng ít nhiều đến anime. Cụ thể, vào năm 1984, thần tượng ảo đầu tiên có tên Lynn Minmay xuất hiện tại đất nước này. Lynn là ca sĩ ảo và là cây hút fan cho series anime Super Dimension Fortress Macross, và được lồng tiếng bởi diễn viên Mari Iijima. Ở nhân vật Lynn Minmay, ta có thể thấy sự hiện diện của hầu hết các yếu tố quan trọng tại một virtual idol – tạo hình hấp dẫn, giọng hát nữ tính và cốt truyện thu hút. Nhân vật Lynn ban đầu là một nữ phục vụ, sau đó là một ngôi sao ca nhạc và rồi trở thành người hùng chính nghĩa – bằng cách sử dụng những bài hát của mình để hoà giải những mâu thuẫn liên ngân hà.

Bên cạnh đó, Lynn còn đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Cô thậm chí còn đạt được vị trí số 7 trên bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu Nhật Bản Oricon với ca khúc Do you Remember Love?. Có thể nói, nếu không có nhân vật này đặt nền móng, những cái tên tiếp theo trong bài viết này sẽ không có cơ hội xuất hiện.

Tua nhanh đến năm 2007, một biểu tượng mới của giới thần tượng ảo Nhật Bản – Hatsune Miku – ra đời. Nhờ đồ hoạ được thiết kế nâng cấp vượt bậc so với thời của Lynn Minmay, Miku nhanh chóng thu về lượng fans khổng lồ trên toàn thế giới. Về mặt kĩ thuật, có thể hiểu đơn giản Miku là một phần mềm giọng hát. Bất cứ ai cũng có thể sáng tác nhạc, sau đó qua các công đoạn xử lý dữ liệu và âm thanh, Miku sẽ “hát” ca khúc đó. Chính sự thuận tiện này đã tạo nên kho tác phẩm âm nhạc đồ sộ cho Miku và đưa sự nổi tiếng của cô ra khỏi biên giới Nhật Bản. Hatsune Miku liên tục có những concert “cháy vé” khác tại Los Angeles, Tokyo, Hồng Kông, Thượng Hải và những thành phố lớn khác trên thế giới thông qua hình thức trình chiếu 3D Hologram. Thậm chí, vào năm 2011, Miku còn trở thành gương mặt đại diện cho một chiến dịch quảng cáo của trình duyệt Google Chrome.

Hàn Quốc

Vốn là cái tên đi đầu trong ngành công nghiệp giải trí trên thế giới, Hàn Quốc cũng đang dần manh nha tạo dựng dấu ấn của mình trên thị trường idol ảo. Tuy chưa thể đạt được thành công vượt bậc như người láng giềng Nhật Bản, nhưng Hàn Quốc cũng có nhiều điểm sáng trong lĩnh vực này.

Nổi bật nhất, phải kể đến trường hợp của girlgroup aespa của ông lớn giải trí SM Entertainment. Ở girlgroup này, người hâm mộ được kết hợp trải nghiệm của cả thần tượng ảo và thật. aespa có 4 thành viên thật mang đủ tiêu chuẩn thường thấy ở những idol Hàn Quốc – ngoại hình long lanh, vũ đạo đều tăm tắp và khả năng ca hát vững vàng, kèm 4 phiên bản ảo cho từng thành viên. Ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên được công bố, concept mới lạ của aespa đã thu hút được một lượng lớn sự quan tâm của công chúng. Tuy chỉ với chưa đầy 2 năm kinh nghiệm trên đấu trường Kpop, aespa đã “dắt túi” kha khá thành tích ấn tượng. Album mới nhất của nhóm, Girls, debut ở thứ hạng No.1 trên BXH Worldwide iTunes Album Chart, leo lên No.1 BXH Top Albums của 13 quốc gia. Ngoài ra, nhóm cũng đạt hơn 5,7 triệu lượt nghe hàng tháng trên nền tảng âm nhạc Spotify, bài hát Girls ra mắt trên BXH Spotify Global Top 200 ở vị trí 147. 

aespa-va-ca-khuc-moi
aespa với ca khúc mới ‘Girls’

Tuy nhiên, việc so sánh aespa với những thần tượng ảo khác bị cho là khập khiễng, bởi aespa có đủ mọi yếu tố để trở nên thành công mà không cần đến 4 thành viên ảo. Họ có một công ty giải trí lớn làm hậu thuẫn, sự đầu tư lớn về âm nhạc và trình diễn, cùng tài năng nổi bật của các thành viên thực. Chính vì vậy, yếu tố thần tượng ảo ở aespa chỉ dừng ở mức kích thích sự tò mò của khán giả, chứ chưa phải là yếu tố quyết định đưa nhóm đến thành công như những thần tượng ảo khác. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, với sự sáng tạo có tiếng của ông trùm giới giải trí SM Entertainment, rất có thể đây chính là sự sắp đặt có chủ ý và sự xuất hiện của các thành viên ảo sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tương lai.

Trung Quốc

Với số lượng hơn 4000 thần tượng ảo đang hoạt động, Trung Quốc cũng là cái tên không chịu kém cạnh trong ngành công nghiệp màu mỡ này. Theo Chen Rui, CEO của Bilibili – một mạng xã hội tương tự như Youtube ở Trung Quốc – cho biết, có hơn 324.000 thần tượng ảo mở tài khoản trên nền tảng này vào tháng 6/2020 và con số này tăng khoảng 40% mỗi năm.

Cuối năm 2020, nhóm nhạc ảo A-Soul ra mắt trên Bilibili, với sự hậu thuẫn từ ByteDance (ông lớn đứng đằng sau sự thành công của TikTok) và công ty giải trí Yuehua Entertainment. Video trên tài khoản chính thức của nhóm thường nhận được hơn trung bình khoảng 1.5 triệu lượt xem. Công nghệ tạo nên A-Soul cũng nằm ở một đẳng cấp khác so với các idol khác trên nền tảng Bilibili. Ví dụ, một idol bình thường sẽ chỉ sử dụng công nghệ Live2D, tuy nhiên toàn bộ các đồ hoạ liên quan tới A-Soul đều sử dụng công nghệ ghi hình chuyển động theo thời gian thực 3D (real-time motion capture). Các thần tượng ảo thông thường sẽ thường chỉ giao tiếp với fans theo hình thức chơi game hoặc chat, còn các thành viên của A Soul có thể trình diễn một cách thực thụ.

Còn ở các nước phương Tây, thần tượng ảo có lẽ vẫn chưa tìm được đất diễn, tuy nhiên vẫn có nhen nhóm. Vào tháng 5/ 2021, tập đoàn mỹ phẩm đình đám L’Oréal cũng công bố thần tượng ảo đầu tiên của mình với tên Mr.Ou, trong vai một doanh nhân Á – Âu làm việc trong ngành thẩm mỹ. Thần tượng này được sử dụng để quảng bá các sản phẩm của L’Oréal trên mạng xã hội, giúp tập đoàn này tiết kiệm chi phí trong quá trình quảng cáo. 

Vậy tại sao người ta lại phải tìm đến hình thức giải trí ảo? Tại sao người ta không tận hưởng giọng hát từ những ca sĩ thực thụ? Có gì hay ho ở những nghệ sĩ ảo này khiến người hâm mộ phải chi nhiều tiền đến vậy? Cùng tìm câu trả lời cho những câu hỏi này qua series bài viết về #thầntượngảo trên Techie.

Khám phá thêm
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên...