Thần tượng ảo – Có gì mà mê?

Chỉ tính riêng Hàn Quốc, hiện có khoảng hơn 100 nhóm nhạc được cho ra mắt mỗi năm, cho thấy mức độ khổng lồ của ngành công nghiệp này. Với số lượng nghệ sĩ được đào tạo và hoạt động lớn đến vậy, tại sao người hâm mộ vẫn còn tìm đến các thần tượng ảo?

Vì người hâm mộ thèm “của lạ”

Rõ ràng, với số lượng ra mắt nghệ sĩ lớn đến thế, chẳng mấy chốc mà người hâm mộ Hàn Quốc cảm thấy “bội thực”. Đây chính là lý do các công ty giải trí luôn tìm cách để thay đổi, sáng tạo các concept độc đáo để làm mới nghệ sĩ, thu hút nhiều fans hơn. Nhưng số lượng concept có giới hạn, trong khi có cả nghìn nhóm nhạc lớn nhỏ sử dụng. Dù đội ngũ sáng tạo của công ty có thiên biến vạn hoá tới mấy, cũng không thể giữ chân được người hâm mộ.

than-tuong-kpop-voi-nhieu-concept
Tuy có nhiều concept, nhưng sự trùng lặp giữa các nhóm nhạc Kpop là điều không thể tránh khỏi

Chính lúc này, thần tượng ảo xuất hiện, như một cứu tinh cho các công ty giải trí. Các công ty giải trí có thêm một lĩnh vực nữa để khai phá và sáng tạo, người hâm mộ có thêm những món ăn tinh thần mới. 

Hơn nữa, trải nghiệm của fans thần tượng ảo cũng có phần mới lạ hơn, bởi các họ có thêm những thành tố mà thần tượng thực thường thiếu. Thần tượng ảo có câu chuyện, có nhân vật, được xây dựng trong một thế giới riêng, tách biệt hẳn với chuẩn mực của một idol thông thường. Chính vì vậy, việc họ thu hút được sự hiếu kì của người hâm mộ cũng là điều dễ hiểu.

Vì người hâm mộ có tính chiếm hữu cao

Một đặc trưng của fans là có tính chiếm hữu cực kì lớn. Điều này không chỉ đơn thuần xuất phát từ tình cảm của fans dành cho thần tượng, mà còn đến từ cách các công ty giải trí xây dựng và quản lý các hoạt động của họ.

Với một Kpop Idol, công việc của họ không dừng ở việc trình diễn, mà còn là ti tỉ các hoạt động nhỏ lẻ khác để tương tác với fans. Idol phải thường xuyên trò chuyện với fans qua fancafe (một hình thức trò chuyện trực tuyến tại Hàn Quốc), Vlive cá nhân – nơi fans có thể trả tiền để được gặp mặt và trò chuyện với idol một cách riêng tư, fanmeeting – các buổi họp fans để quảng bá hoạt động nhóm, nơi fans có thể thấy được idol bằng xương bằng thịt. Với hàng tá những “dịch vụ” như trên, có thể thấy Kpop fans có cơ hội tiếp xúc với idol với tần suất thường xuyên, dần dà tạo ra ảo giác rằng idol là bạn, là người yêu, và là nguồn cơn của sự chiếm hữu.

Chính vì vậy, mỗi khi idol rộ tin đồn hẹn hò với người khác, fans có thể ‘nổi cơn ghen’, nghe có thể vô lý, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được. Tháng 6/ 2014, tin đồn hẹn hò giữa thành viên hai nhóm nhạc đình đám Kpop thời bấy giờ là EXO Baekhyun và SNSD Taeyeon nổ ra. Tuy có nhiều người chúc phúc và ủng hộ, nhưng cũng có một bộ phận fans cho rằng cả hai thần tượng quá ích kỉ khi hẹn hò giữa lúc nhóm đang ở đỉnh cao, gây ảnh hưởng đến các thành viên khác. Thậm chí, sự ghét bỏ dành cho cặp đôi còn lớn đến mức, một số người đã làm đơn kiến nghị đuổi Baekhyun ra khỏi EXO.

baekhuyn-va-taeyeon
Tin đồn hẹn hò giữa Baekhuyn và Taeyeon gây chấn động một thời

Chính cảm giác ‘bị phản bội’ này khiến nhiều fans cảm thấy an toàn hơn khi hâm mộ thần tượng ảo. Họ không bao giờ phải lo về việc thần tượng của mình một ngày sẽ hẹn hò ai đó, hay thần tượng quá bận không thể tương tác với mình. Họ sẽ luôn có cảm giác idol mãi mãi bên cạnh, không dễ dàng mất đi – thoả mãn được đặc tính chiếm hữu của họ.

Vì những yêu cầu fans đặt ra đôi lúc là không tưởng

Thật ra, công chúng đặt ra danh xưng “thần tượng” – mà không phải là “nghệ sĩ” hay “ca sĩ” – là có lí do. Đó là bởi vì họ cần phải thể hiện sự chuẩn mực của mình trong từng hành động, cử chỉ hay lời ăn tiếng nói. Bất kì thần tượng nào vi phạm chuẩn mực, độ nổi tiếng sẽ giảm sút, tệ hơn là bị người hâm mộ tẩy chay hay công ty cắt đứt hợp đồng. Thế nhưng, những “chuẩn mực” này không phải là tiêu chuẩn chung của xã hội, mà lại là do một bộ phận fans đặt ra, và đôi khi vô lí đến mức không tưởng. 

irene-bi-fan-cat-va-dot-anh
Irene (Red Velvet) bị fans cắt và đốt ảnh

Tuy nhiên, thần tượng, cho dù có nắm vững các quy tắc đến mấy, vẫn là con người, và việc họ không thể đáp ứng mọi yêu cầu là chuyện tất yếu. Trong show truyền hình thực tế Level Up! Project 2!, thành viên Irene của Red Velvet đã tiết lộ đang đọc quyển tiểu thuyết Kim Ji Young, Born 192 – một quyển sách viết về nữ quyền. Ngay lập tức, nhiều fans nam của cô đã hết sức phẫn nộ trước tiết lộ này. Thậm chí, họ còn cắt đứt và đốt hình ảnh của nữ thần tượng để phản đối, bởi nữ quyền vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm, thường xuyên gây tranh cãi với nam giới Hàn Quốc. Ví dụ này cho thấy hình mẫu của một thần tượng dễ dàng sụp đổ như thế nào với cộng đồng fans. Ngược lại, với các thần tượng ảo, người hâm mộ sẽ luôn luôn hài lòng, bởi các thần tượng này được lập trình và điều chỉnh theo nhu cầu của cộng đồng fans. Họ không phải nơm nớp lo sợ rằng những chuẩn mực mình đặt ra cho thần tượng, một ngày nào đó, sẽ không được thực hiện.

Vì fans được quyền sáng tạo

Với các thần tượng thực, trải nghiệm làm fans đơn giản là xem thần tượng trình diễn. Nhưng các thần tượng ảo, với sức mạnh của công nghệ, lại tạo ra được nhiều trải nghiệm thú vị hơn, như Vocaloid ở Nhật Bản là ví dụ. Đây là một chương trình máy tính ra mắt lần đầu vào năm 2004, cho phép bất kì người dùng nào cũng có thể viết nhạc, sau đó chọn những giọng nói với giai điệu và âm sắc phù hợp để tạo ra tác phẩm âm nhạc của mình. Và một trong số những “gói” giọng hát nổi bật nhất trong giới Vocaloid chính là Hatsune Miku. Chính loại công nghệ này đã mang đến cho fans một loại trải nghiệm hoàn toàn mới lạ, độc nhất, và không hề có ở những thần tượng thực.

cac-giong-hat-vocaloid
Các giọng hát Vocaloid nổi bật ở Nhật Bản

Với Hatsune Miku, hay những giọng hát Vocaloid khác, fans có thể tùy ý sản xuất nhạc, viết lời và sản xuất các ca khúc hoàn chỉnh. Có thần tượng mình yêu thích hát ca khúc do chính mình viết – đây có lẽ là trải nghiệm tuyệt vời nhất cho những người làm fans.

Tuy đều sản xuất ra các sản phẩm nghệ thuật, nhưng với giới thần tượng, trải nghiệm mang đến cho fans đôi khi còn quan trọng hơn. Và ở khía cạnh này, các idol ảo đáp ứng được những yêu cầu của fans mà thần tượng thực không thể nào thực hiện, từ đó tạo nên sức hút đặc trưng.

Mặc dù vậy, thần tượng ảo cũng làm dấy lên một số vấn đề đáng quan ngại liên quan đến đạo đức mà đến nay vẫn chưa có cách xử lý. Cùng đón đọc series bài viết về #thầntượngảo trên Techie tại đây.

Khám phá thêm
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Thời gian gần đây, công nghệ AI đang trở thành chủ đề được nhân loại đặc biệt quan tâm. Trên...