Tại sao nhiều người lại có xu hướng “làm việc hiệu quả” ở quán cà phê?

Giữa quán cà phê tấp nập và ồn ã – tại sao vẫn có nhiều người làm việc hiệu quả hơn so với không gian yên tĩnh ở nhà? Những chia sẻ dưới đây sẽ phần nào lý giải cho câu hỏi này. Cùng Techie cập nhật ngay! 

Tôi đã từng băn khoăn rất nhiều về thói quen làm việc kỳ lạ của một người bạn. Mỗi ngày, cậu ấy lại vác laptop đến một quán cà phê quen thuộc trong thành phố. Tôi đến gặp cậu ta và cảm nhận được sự dễ chịu toát ra từ nơi ấy: tiếng nhạc jazz du dương, nhân viên nhớ cả món đồ uống yêu thích của khách. Mọi thứ thật đời thường và bình yên.

Bạn tôi là một freelance designer. Cậu có thói quen dậy muộn và làm việc theo giờ giấc tùy ý, nhưng luôn toát lên vẻ điềm tĩnh đáng kinh ngạc. Trong khi đó, tôi ép mình dậy từ 7 giờ sáng, ngồi lì hàng giờ trước bàn làm việc, song lại thường xuyên cảm thấy thiếu một điều gì đó dù công việc đã hoàn thành.

Vừa ổn định chỗ ngồi, tôi không kìm được sự tò mò bấy lâu:

“Cậu là freelancer. Không sếp, không văn phòng, không họp hành. Cậu có thể làm việc ở bất cứ đâu. Vậy tại sao cậu lại chọn đến quán cà phê mỗi ngày?”

Cậu ấy mỉm cười, nhấp một ngụm cappuccino, rồi điềm tĩnh trả lời:

“Vì ở đây tớ thực sự làm được việc.”

Tôi cau mày khó hiểu. Căn hộ của cậu ta là mơ ước của bao người: một bàn làm việc rộng rãi, hai màn hình lớn, ghế công thái học đắt tiền. Ngược lại, quán cà phê thì bàn chông chênh, người nói chuyện ồn ào, tiếng tách cốc va vào nhau, nhạc thì lúc indie folk lúc lo-fi. Thật khó tin!

“Thế nào cơ?” -Tôi hỏi, thực sự muốn tìm ra bí mật.

Cậu cười nhẹ và bắt đầu giải thích. Ở nhà quá dễ gây xao nhãng – đó là một cái bẫy. Chiếc giường êm ái luôn mời gọi, tủ lạnh như có nam châm thu hút chúng ta, và chỉ một cú bấm là TV hiện lên. Nhưng điều phiền toái nhất khi làm việc tại nhà là: không ai giám sát ta cả.

Và rồi, tôi chợt bừng tỉnh.

“Ảo giác” bị theo dõi: Sức mạnh của trách nhiệm tự thân

Bạn tôi kể về một trải nghiệm khá thú vị khi làm việc ở nơi công cộng. Dù không ai thực sự để tâm đến hành động của mình, nhưng não bộ của cậu ta lại mặc định tưởng tượng rằng có người đang quan sát.

Cậu ấy gọi đó là “phiên bản tự chế” của cảm giác có trách nhiệm. Vì tiềm thức mách bảo có người nhìn, cậu không thể ngồi lướt điện thoại hàng tiếng đồng hồ. Ngay cả việc ngồi sai tư thế cũng khiến cậu thấy bản thân lười biếng, dù chẳng có ai đánh giá thật.

Làm việc ở quán cà phê
Cảm giác “có ai đó đang nhìn” khiến người ta tập trung hơn

Tôi gật đầu chậm rãi. Nghe có lý! Đã bao nhiêu lần tôi “làm việc tại nhà” rồi cuối cùng lại phát hiện mình vừa lạc vào YouTube xem các sự kiện lịch sử ngẫu nhiên suốt cả tiếng đồng hồ? Không phải mọi sự xao nhãng đều tệ. Mà là… xao nhãng sai cách mới tệ!

“Nhưng quán cà phê cũng có nhiều thứ gây phân tâm chứ?” – Tôi hỏi lại. Tiếng máy cà phê, tiếng người ngồi gần trò chuyện rôm rả, tiếng va chạm ly tách không ngừng nghỉ.

Cậu ấy lắc đầu. “Không đâu. Đó mới là điều hay ho.”

Cậu giải thích rằng quán cà phê tạo ra một loại xao nhãng “vừa đủ”: giúp bạn giữ được sự tỉnh táo, duy trì sự tập trung mà không bị cuốn theo.

Ở nhà, những thứ gây phân tâm rất “cá nhân”: điện thoại, TV, ghế sofa êm ái, thú cưng đòi vuốt ve… Chúng dễ dàng kéo bạn ra khỏi công việc.

Còn ở quán cà phê, sự xao nhãng là “âm nền”: tiếng trò chuyện, tiếng nhạc, tiếng chén đĩa – mọi thứ dần mờ đi và trở thành một nhịp nền ổn định. Theo cậu, âm thanh này giống như “white noise” (tiếng ồn trắng) cho não bộ. Nó giúp đầu óc không bị trì trệ nhưng cũng không phá vỡ dòng chảy công việc.

Quy tắc 90 phút: một ly cà phê = một phiên làm việc hiệu quả

Cậu bạn tôi chia sẻ một quy tắc đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả: một ly cà phê cho một phiên làm việc.

Ngồi xuống, gọi đồ uống, rồi tập trung làm việc cho đến khi uống hết ly. Không gọi thêm, không kéo dài. Và khi ly rỗng? CẬU đứng dậy. Có khi đi sang quán khác, có khi là dạo bộ ngắn để thư giãn.

“Nó giúp đầu óc luôn tươi mới. Và khiến tớ buộc phải làm việc hiệu quả trong từng khoảng thời gian ngắn, thay vì lê thê cả ngày.”

Nghe cũng có vẻ rất hợp lý.

Quán cà phê
Có nhiều quán cà phê được thiết kế riêng cho người làm việc freelance

Tôi nhìn quanh quán. Có khá nhiều người đang cắm cúi gõ máy tính, vẽ phác thảo vào sổ tay, hoặc đọc sách. Trước giờ tôi vẫn nghĩ họ chỉ đơn giản là thích uống cà phê đắt tiền, nhưng giờ tôi bắt đầu tin rằng họ đang nắm giữ một bí quyết năng suất nào đó mà mình chưa biết. Có lẽ, khái niệm “làm việc tại nhà mới hiệu quả” của tôi đã sai. Tôi vẫn luôn nghĩ mình cần một không gian lý tưởng, thật yên tĩnh để hoàn thành công việc. Nhưng có lẽ… đã đến lúc thử làm việc ở quán cà phê.

Hãy thử làm việc ở quán cà phê

Ngày hôm sau, tôi đến quán cà phê, gọi một ly cappuccino, ngồi xuống, và cam kết làm việc trọn vẹn trong thời gian uống hết ly.

Một tiếng rưỡi sau, tôi hoàn thành xong một dự án mà nếu ở nhà, có lẽ tôi sẽ kéo dài cả ngày mới xong.

Tôi rời quán với tâm trạng nhẹ nhõm, hài lòng, thậm chí có chút gì đó giống như cậu bạn mình. Giờ thì tôi đã hiểu rõ.

Môi trường làm việc quan trọng. Đôi khi, những “xao nhãng” phù hợp lại là trợ lực đắc giá giúp bạn tập trung. Và đôi khi, chỉ cần một quy tắc đơn giản cũng đủ để công việc trôi chảy hơn bất ngờ.

Vậy nên, lần tới nếu bạn thấy khó tập trung khi làm việc tại nhà, hãy thử áp dụng cách này:

Mua một ly cà phê. Ngồi xuống. Làm việc đến khi uống hết.

*Bài viết trên được lược dịch theo lời kể của tác giả Md kamrul Islam trên Vocal.media. Xem bài viết gốc Tại đây

>>Xem thêm: Vì sao ô tô điện khiến nhiều người bị say xe hơn?

Khám phá thêm
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm đến hơn 70%, Việt Nam luôn được coi là thị trường...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...