Tại sao chơi Rubik giúp chúng ta hạnh phúc hơn?
Vào một ngày lạnh giá của tháng 11 vừa qua, hơn 500 người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã đổ về đấu trường tại Coventry (nước Anh). Họ có mặt để tham gia vào hoạt động vốn được biết đến là ít-thu-hút-đám-đông: Giải vô địch Rubik’s UK về speedcubing – được biết đến là bộ môn giải các khối Rubik với tốc độ nhanh.
Ngoài việc rèn luyện trí tuệ, speedcubing còn được các nhà khoa học chứng minh là có lợi ích đáng kể cho sức khỏe tinh thần. Cùng Techie tìm hiểu cụ thể hơn sau đây!
Rubik và hạnh phúc: Góc nhìn từ các chuyên gia
“Speedcubing đáp ứng nhu cầu tâm lý cơ bản về năng lực, tức là cảm giác hiệu quả và làm chủ. Hoạt động này bao gồm nhiều yếu tố như giải quyết vấn đề, ghi nhớ, tư duy không gian và phối hợp vận động”. Polina Beloborodova, tiến sĩ nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe Tâm trí của Đại học Wisconsin – Madison giải thích. Đồng thời, việc giải khối Rubik cũng có thể mang lại cảm giác hạnh phúc vì nó kích thích những cảm xúc khác – theo tiến sĩ Julia Christensen tại viện nghiên cứu Max Planck (Đức). “Kinh ngạc, vẻ đẹp, cảm động – tất cả những điều này đều là các cảm xúc thẩm mỹ, và khi trải nghiệm chúng, chúng ta cảm thấy hạnh phúc tột độ,” bà chia sẻ.
Một số người chơi speedcubing đã mô tả trạng thái tâm trí mà hoạt động giải Rubik mang lại, giống như một cảm giác “dòng chảy” (flow). “Đó là một dạng chánh niệm, một trạng thái bình yên, tĩnh lặng, nơi bạn hoàn toàn hòa mình vào từng cú xoay của khối Rubik”. Theo Ian Scheffler, tác giả của cuốn sách Cracking the Cube, trạng thái dòng chảy mang lại cảm giác “gần như thiền định”. Ông từng trải nghiệm điều này trực tiếp: Bạn bước vào một trạng thái vừa suy nghĩ vừa không suy nghĩ cùng lúc – bạn phản ứng theo cách gần như bản năng với những gì khối Rubik mang lại cho bạn.
Theo tiến sĩ Christensen, có lý do chính đáng để thường xuyên tìm kiếm trạng thái “dòng chảy” này. Bởi, một số nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên trải nghiệm trạng thái dòng chảy có sức khỏe tinh thần tốt, kể cả sức khỏe thể chất cũng tốt hơn, và họ cảm thấy hài hòa hơn.
“Khi chúng ta lặp lại các động tác, chúng sẽ được ghi nhớ hoặc mã hóa từ hệ thống trí nhớ rõ ràng, tốn nhiều nỗ lực thành hệ thống trí nhớ ngầm, ít tốn nỗ lực hơn,” bà tiếp tục giải thích. Nicholas Archer, nhà vô địch trong hạng mục một tay tại giải thi đấu Speedcubing năm nay chia sẻ rằng anh đã từng trải nghiệm điều này. “Khi tôi giải Rubik, tôi hầu như không cần suy nghĩ nhiều về những gì mình đang làm. Mọi thứ đều tự động.”
Lợi ích xã hội của Speedcubing
Tự giải Rubik có thể làm tăng hạnh phúc của bạn. Tuy nhiên, khi kết hợp với khía cạnh xã hội, lợi ích còn có thể lớn hơn – Tiến sĩ về Thần kinh học Adil Khan (King’s College London) nhận định.
Jan Hammer bắt đầu chơi speedcubing ở tuổi 44, sau khi được con gái 13 tuổi của mình giới thiệu. Kể từ đó, ông đã giải Rubik khoảng 10.000 lần, nhưng ông không nghĩ rằng mình sẽ giữ được mức độ đam mê này nếu chỉ chơi một mình. “Việc tôi có thể làm điều này cùng con gái và chúng tôi cổ vũ lẫn nhau thật tuyệt vời. Ngoài ra, việc trở thành một phần của cộng đồng Rubik đã trở thành động lực lớn lao.”
Các giải đấu thường thu hút nhiều trẻ em và thanh thiếu niên. Hoạt động này cũng phổ biến hơn đáng kể ở nam giới. Theo báo cáo của Hiệp hội Rubik Thế giới (World Cube Association), có 221.117 nam giới tham gia các sự kiện của họ, so với 24.311 nữ giới. Bất kể đối tượng tham gia là ai, “đối với những người coi speedcubing là một phần quan trọng trong cuộc sống, nó có thể mang lại hạnh phúc, nuôi dưỡng cảm giác có mục đích và ý nghĩa thông qua sự tận tâm, thành tựu, và cộng đồng những người cùng chí hướng”. Tiến sĩ Beloborodova nói.
Các nhà tâm lý học phân biệt hai khía cạnh của hạnh phúc: “hedonic wellbeing” (hạnh phúc hưởng thụ), liên quan đến trải nghiệm cảm xúc, và “eudemonic wellbeing” (hạnh phúc ý nghĩa), liên quan đến ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống. Cả hai đều rất cần thiết để đạt được hạnh phúc toàn diện, và speedcubing có thể đóng góp vào cả hai loại hạnh phúc này.
Nhóm nghiên cứu giải thích thêm, việc giải Rubik từ trạng thái hỗn loạn sang trạng thái hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu tự nhiên của con người là tạo ra trật tự từ sự hỗn loạn. Tuy nhiên, nó không có khả năng cải thiện trí nhớ lâu dài hay làm chậm quá trình lão hóa của não bộ như một số lầm tưởng. Thay vào đó, giải Rubik giúp chúng ta rèn luyện trí não, giảm căng thẳng và mang lại cảm giác thư thái. Tóm lại, nếu bạn đang muốn tìm một bộ môn tốt cho cả tư duy và cảm xúc, hãy thử cầm khối rubik lên và xoay!
>>Xem thêm: Tại sao tăng cường độ dẻo dai nên là mục tiêu tập thể dục trong năm 2025?