Sprint Backlog và những thắc mắc thường gặp
Là một trong 3 tạo tác Scrum (Scrum Artifact), Sprint Backlog đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Scrum team đạt được mục tiêu Sprint. Hãy cùng Techie tìm hiểu kỹ hơn về Sprint Backlog cũng như những thắc mắc thường gặp xung quanh tạo tác này!
Định nghĩa
Sprint Backlog là toàn bộ các hạng mục Product Backlog Items được lựa chọn để đưa vào một Sprint. Các hạng mục này thường bao gồm bản kế hoạch và danh sách công việc cần làm để thỏa được Sprint goal (Mục tiêu Sprint) vào mỗi cuối Sprint.
Sprint Backlog có gì khác so với Product Backlog?
Hiểu một cách đơn giản, Product Backlog là nơi lưu trữ tất cả các câu chuyện của người dùng và được quản lý bởi Product Owner. Trong khi đó Sprint Backlog là nơi chứa các câu chuyện của người dùng đã được chọn trong một Sprint – quản lý bởi Development team.
Có nhiều ý kiến cho rằng Sprint Backlog là tập hợp con của Product Backlog. Tuy nhiên, thực chất quan hệ giữa 2 tạo tác này là 1 – 1. Cả hai đều giúp Scrum team quản lý công việc tồn đọng trong dự án.
Cấu trúc của Backlog trong Sprint
Về cơ bản, Sprint Backlog là một bảng công việc được phân chia theo các câu chuyện của người dùng (User story) hoặc các nhiệm vụ (Task). Người thực hiện công việc (đối với lĩnh vực phát triển phần mềm là Nhóm phát triển – Development team) sẽ cập nhật backlog liên tục trong suốt Sprint. Họ có thể bổ sung thêm các công việc mới hoặc loại bỏ những công việc không cần thiết khỏi Backlog.
Trong Backlog, công việc hay các nhiệm vụ sẽ được cập nhật theo các trạng thái như: To Do (việc cần làm), In Progress (đang tiến hành), Done (đã hoàn thành). Khi một công việc ở trạng thái “Done” thì giá trị ước lượng của công việc đó sẽ được cập nhật.
Việc cập nhật công việc trong Backlog sẽ do Development team thực hiện. Product Owner hay Scrum Master đều không có quyền chỉnh sửa Backlog.
Vai trò của Sprint Backlog trong Scrum
- Đối với Development team
+ Cung cấp chi tiết tất cả công việc, nhiệm vụ mà nhóm cần phải hoàn thành. Việc phân tách chi tiết công việc để quản lý giúp nhóm dễ dàng đạt mục tiêu của Sprint hơn.
+ Giúp các thành viên trong nhóm có thể theo dõi tiến độ của Sprint.
- Đối với Scrum team
+ Xác định rõ tất cả những gì Scrum team cần làm trong một dự án. Vai trò của từng thành viên được xác định rõ ràng sẽ giúp phân chia công việc khoa học, hiệu quả và giảm thiểu việc lãng phí nguồn lực.
+ Nhờ cập nhật Backlog hằng ngày, Scrum team có thể nắm rõ hơn thời gian mà họ hoàn thành dự án. Từ đó, có được sự ước lượng chính xác hơn trong những dự án tiếp theo.
+ Mang đến cơ hội học hỏi và cải tiến công việc liên tục thông qua các câu chuyện người dùng, bản kiểm thử, sữa lỗi và các hạng mục liên quan khác…
Thế nào là một Sprint Backlog tốt?
- Phải gắn liền với Sprint Goal
Sprint Goal là cam kết của Development team và là mục tiêu duy nhất của Sprint. Mặt khác, Sprint Goal cũng tạo ra sự gắn kết và tập trung, khuyến khích Scrum Team làm việc với nhau thay vì làm việc riêng lẻ.
- Đảm bảo tính minh bạch
Tức, thỏa mãn 3 điều kiện: ai cũng có thể xem được; luôn được cập nhất mới nhất; ai cũng có thể hiểu được.
- Được cập nhật thường xuyên
Backlog sẽ luôn được cập nhật mỗi khi Sprint có thêm thông tin, sao cho đầy đủ chi tiết để Scrum Team có thể kiểm tra tiến độ trong Daily Scrum.
Ngoài ra, để Sprint Backlog diễn ra hiệu quả, việc thiết kế độ dài Sprint có tính tương thích và ước tính thời gian thực hiện cũng rất quan trọng.
Có thể thay đổi Backlog trong Sprint không?
Câu trả lời là: được phép thay đổi. Mặc dù Sprint Goal là cố định, nhưng Sprint Backlog thì không. Nếu có vấn đề mới phát sinh, Development team có thể đưa vào Backlog. Và ngược lại, những công việc được chứng minh là không cần thiết sẽ bị loại bỏ khỏi Backlog. Tuy nhiên, nhóm vẫn cần duy trì cam kết hoàn thành mục tiêu Sprint. Phần tăng trưởng được tạo ra cuối Sprint đó phải được hoàn thành, có thể sử dụng và chuyển giao được.
Tóm lại, mặc dù Sprint Backlog đơn giản chỉ là bảng phân công nhiệm vụ trong Sprint, song nếu được thực hiện tốt, nó sẽ là một công cụ vô cùng hiệu quả trong việc quản lý công việc, đem đến cho nhóm sự hiểu biết tổng thể cũng như cảm giác tiến bộ mỗi ngày.