Sinh viên IT – Làm gì để ra trường có việc?
Theo Thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường nhưng không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kĩ năng làm việc nhóm và 80% lập trình viên phải được đào tạo lại. Vậy sinh viên Việt Nam phải làm gì để “giải” được cơn “khát” nguồn nhân lực ngành IT?
Trau dồi kỹ năng ngoại ngữ
Trong tiến trình hội nhập với thế giới, chuyện nâng cao kĩ năng ngoại ngữ đã là câu chuyện chung, tất cả các ngành nghề hiện nay đều yêu cầu kĩ năng Tiếng Anh thành thạo ở mức nhất định. Đặc biệt, với đặc thù ngành IT, các lập trình viên phải tiếp xúc và nghiên cứu nhiều tài liệu bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, theo Bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu (EF English Proficiency Index – EF EPI), Việt Nam chỉ xếp hạng 66/ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ thông thạo tiếng Anh ở người trưởng thành. Đây là rào cản khá lớn khiến các lập trình viên khó thăng tiến trong sự nghiệp, cũng như tạo sự e dè cho các công ty nước ngoài khi chọn Việt Nam làm đối tác tư vấn và cung cấp các giải pháp phần mềm.
Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung giải pháp phần mềm lớn cho nhiều thị trường khác, điển hình như Nhật Bản, Tiếng Anh đôi khi vẫn chưa đủ. Do vậy, để có bước đệm sự nghiệp tốt, các sinh viên CNTT phải bắt đầu trau dồi Tiếng Anh ngay từ bây giờ, thậm chí là cả ngoại ngữ 2, 3.
Tham gia hoạt động ngoại khoá
Đối với nhiều bạn sinh viên, việc tham gia các hoạt động ngoại khoá là một yếu tố không thể thiếu trong những năm đại học. Hiện tại, có rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang tổ chức nhiều chương trình/ hoạt động cộng đồng tại các cơ sở giáo dục/ đào tạo ngành CNTT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và rèn luyện kĩ năng cho các bạn sinh viên.
Điển hình, có thể kể đến chương trình Learn Student Ambassador của Microsoft – khuyến khích sinh viên trong ngành tổ chức các hoạt động/ sự kiện nâng cao kĩ năng công nghệ trong cộng đồng của mình với sự hỗ trợ nguồn lực từ Microsoft.
Hay với Google, các bạn sinh viên có thể thành lập câu lạc bộ Google Developer Student Club tại chính trường Đại học của mình – nhằm tổ chức các chương trình học tập và tìm hiểu công nghệ của Google, hay thành lập đội thi tham dự các Hackathon (các sự kiện lập trình diễn ra trong thời gian ngắn).
Các hoạt động ngoại khoá này sẽ là sân chơi giúp các bạn trau dồi kĩ năng lãnh đạo, làm việc nhóm hay tổ chức sự kiện – những điều thường thiếu ở sinh viên ngành CNTT. Đây đồng thời cũng là cơ hội cho sinh viên tiếp cận và học hỏi từ những người đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Tham gia các cuộc thi
Bên cạnh việc tham gia các chương trình ngoại khoá, việc tham dự các cuộc thi cũng là cách để các bạn sinh viên làm đẹp profile của mình trước khi gia nhập thị trường tuyển dụng. Đây là cơ hội kích thích sự tìm tòi, suy nghĩ của các bạn sinh viên trong việc áp dụng công nghệ một cách hợp lí để giải quyết các vấn đề xã hội. Nếu được phát triển tốt, các dự án này hoàn toàn có thể tiến sâu để nhận góp ý và hoàn thiện mô hình bởi các chuyên gia trong ngành, giúp cho dự án đi xa hơn nữa.
Hàng năm, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đều tổ chức các cuộc thi lớn nhằm tìm kiếm những sáng kiến giải quyết các vấn đề xã hội tại địa phương. Tiêu biểu, có thể kể đến Build On, Vietnam do Amazon Web Services tổ chức dành riêng cho sinh viên Việt Nam hay Solution Challenge được Google phát động thường niên cho sinh viên toàn cầu. Năm 2021, đội thi Ambition của Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã giành chức vô địch tại Build On, Vietnam 2021 với dự án Fued (The Future of Education) hỗ trợ dạy và học từ xa. Hay gần đây nhất, sinh viên Trường Đại học Hoa Sen đã lọt Top 3 dự án xuất sắc nhất cuộc thi Solution Challenge với dự án Gateway – tạo ra một hệ thống nguồn mở dùng để khai báo y tế COVID-19 kỹ thuật số.
Những bằng chứng này cho thấy, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực cạnh tranh tại các đấu trường công nghệ quốc tế.
Tham gia các chương trình đào tạo Fresher
Chuyện sinh viên vừa tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm không phải là điều quá mới mẻ, và ngành CNTT cũng không phải là ngoại lệ. Để “giải” cơn khát nguồn nhân lực, các doanh nghiệp CNTT thường tổ chức các chương trình đào tạo Fresher – dành cho các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành.
Các chương trình này kéo dài từ khoảng 3-6 tháng, bao gồm đào tạo các kiến thức cập nhật về các ngôn ngữ lập trình, quy trình sản xuất phần mềm với nguyên tắc Agile hay các kĩ năng mềm khi làm việc trong đội dự án. Sau đó, các Fresher sẽ có cơ hội cọ xát thực tiễn với giai đoạn On-the-job Training, giúp các bạn vận dụng các kiến thức trên vào thực tiễn, trước khi được xem xét tiếp nhận làm nhân viên chính thức.
Hiện tại, các chương trình Fresher tại các công ty IT thường được tuyển theo đợt, nhiều nhất là vào mùa hè, nổi bật có thể kể đến KMS Technology, NAL Solutions, Rikkeisoft…
Thị trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh, yêu cầu đặt ra bởi các công ty CNTT ngày càng cao. Chính vì vậy, các bạn sinh viên cần chủ động học hỏi và phát triển chuyên môn ngay từ bây giờ, để có bước đệm vững chắc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.