Hiểu rõ về Scrum Artifacts – Tạo tác trong Scrum
Chúng ta thường bắt gặp thuật ngữ “Artifacts – Tạo tác” trong phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt Agile, đặc biệt là Scrum. Vậy Scrum Artifacts là gì và đóng vai trò như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây!
Scrum Artifacts là gì?
- Scrum: là khung tổ chức công việc tổng quát (framework), hướng đến phát triển các sản phẩm phức tạp, chủ yếu là phần mềm.
- Artifact: nghĩa là tạo tác – chỉ tất cả những gì được tạo ra cho việc phát triển một phần mềm. Ví dụ như sơ đồ, quy mô tài liệu, tập lệnh thiết lập…
Như vậy, Scrum Artifacts đại diện cho công việc hoặc các giá trị – được nhóm Scrum và các bên liên quan (Stakeholder) sử dụng để mô tả một sản phẩm đang được phát triển.
Có 3 tạo tác quan trọng trong Scrum, bao gồm: Product Backlog, Sprint Backlog và Increment (Phần tăng trưởng). Mỗi tạo tác có cam kết riêng nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin, nâng cao tính minh bạch và tập trung vào việc đo lường tiến độ. Cụ thể:
- Product Backlog: cam kết là Product Goal (Mục tiêu Sản phẩm)
- Sprint Backlog: cam kết là Sprint Goal (Mục tiêu Sprint)
- Increment: cam kết là Definition of Done (Định nghĩa Hoàn thành).
Đặc điểm và chức năng của các tạo tác trong Scrum
Product Backlog
Product Backlog là nơi lưu trữ tất cả những tính năng cần có cho một sản phẩm. Các tính năng này được sắp xếp thành danh sách theo thứ tự ưu tiên và được quản lý bởi Product Owner (PO).
Thông qua việc phân chia các hạng mục trong Product Backlog, định hướng hiện tại và tương lai của sản phẩm sẽ được thể hiện một cách rõ ràng. Điều này cũng sẽ giúp Scrum team dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các hạng mục để đưa vào sản xuất theo trình tự hợp lý.
Sprint Backlog
Từ danh sách ưu tiên của Product Backlog, nhóm Scrum có thể dự đoán được những Product Backlog Item (PBIs) nào sẽ được xây dựng và đưa đến thị trường trong Sprint tiếp theo. Hành động này được gọi là xây dựng Sprint Backlog.
Sprint Backlog bao gồm bản kế hoạch và danh sách các công việc cần làm để hoàn thành Product Increment và thoả mãn được Sprint Goal.
Increment – Phần tăng trưởng
Product Increment là tổng của tất cả các Product Backlog Items được hoàn thành trong Sprint, cộng với những giá trị của sản phẩm đã hoàn thành trong các Sprint trước đó. Mỗi Increment là một bước đệm vững chắc hướng đến Product Goal.
Product Increment đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với người dùng. Vì nó là sản phẩm có thể sử dụng được, và sẵn sàng đưa đến tay người sử dụng. Qua việc chuyển giao giá trị sản phẩm thường xuyên và lắng nghe feedback từ người dùng, PO có thể phân tích, tinh chỉnh và tối ưu hoá giá trị sản phẩm.
Tại sao Scrum Artifacts quan trọng?
Scrum Artifacts cung cấp thông tin quan trọng cho Scrum team. Là cơ sở giúp nhóm định vị dự án tốt hơn; cũng như thuận lợi hơn trong việc lên kế hoạch, ước tính tiến độ và theo dõi thành công của dự án.
Dưới đây là một số lợi ích của Scrum Artifacts:
- Giúp các thành viên hiểu được nhiệm vụ, vai trò của mình, các kỳ vọng cũng như mục tiêu của dự án.
- Tăng năng suất bằng cách khuyến khích sự cộng tác liên tục qua việc thảo luận về các chủ đề khác nhau như sản phẩm, mục tiêu Sprint, các hạng mục công việc tồn đọng…
- Đặt mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển sản phẩm.
- Tạo hình ảnh trực quan để Scrum team nắm được năng suất tổng thể bằng cách sử dụng biểu đồ và đồ thị.
- Giúp quản lý thời gian và theo dõi tiến độ công việc đã hoàn thành cũng như những công việc tiếp theo trong kế hoạch.
- Linh hoạt trong việc điều chỉnh dự án và tối ưu giá trị sản phẩm.
Với những lợi ích kể trên, từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu cho đến các “ông lớn” trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính như Google, HSBC, Deloitte, Amazon… đều áp dụng Scrum Artifacts vào quy trình làm việc. Ngoài ra, theo báo cáo Scrum Master Trends Report 2019, chỉ 33% đối tượng tham gia khảo sát đang làm việc trong môi trường Scrum thuộc các doanh nghiệp về phần mềm và Internet, còn lại chia đều cho các lĩnh vực tài chính bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, công nghệ – kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe… Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực quan tâm đến Scrum.
Vậy, có cách nào để tận dụng tối đa hiệu quả của Scrum Artifacts hay không? Câu trả lời sẽ có trong loạt bài riêng về từng tạo tác Scrum ở kỳ sau. Cùng đón đọc tại series Agile 101 trên Techie nhé!