Burn down chart – Công cụ quản lý tiến độ trong Scrum
Burn down chart – hay còn gọi là Biểu đồ Sprint Burn down là công cụ phổ biến trong việc quản lý tiến độ của nhóm Scrum. Hãy dành ra 5 phút để cùng Techie học cách phân tích và ứng dụng biểu đồ này nhé!
Cấu trúc của Burn down chart
Về cơ bản, Burn down chart là đồ thị tổng hợp tiến độ công việc của Scrum team, nhằm đo lường tiến độ hoàn thành thực tế so với tiến độ dự kiến. Trong đó:
+ Trục Y: thể hiện tổng khối lượng công việc (workload) mà Scrum team cần hoàn thành để đạt được Sprint Goal. Đơn vị tính thông thường là story points, hoặc estimated man-hours hoặc man-days.
+ Trục X: số ngày làm việc trong Sprint.
+ Expected (Đường lý tưởng): tiến độ mong đợi mỗi ngày để đạt được Sprint Goal.
+ Actual line (Đường thực tế): tiến độ thực tế mà Scrum Team đạt được qua từng ngày.
Cụ thể hơn, hãy cùng xem ví dụ bên dưới:
Thông qua việc theo dõi biểu đồ, Scrum team sẽ nắm được các thông tin:
+ Số story points đã được hoàn thành trong Sprint
+ Tiến độ thực tế đang nhanh hay chậm so với mong đợi
+ Lượng story còn lại cần hoàn thành để hoàn thành Sprint.
Đồ thị Burn down được ứng dụng như thế nào?
Cách phân tích Burn down chart rất đơn giản: đường Actual line sẽ chạy về số 0 khi dự án hoàn thành. Thông thường, Scrum Master và Product Owner là người trực tiếp theo dõi Burndown chart để quản lý tiến độ trong team và cập nhật kế hoạch phát hành sản phẩm. Dưới đây là các ứng dụng chính của biểu đồ này:
- Lập kế hoạch và theo dõi tiến độ công việc
Burn-down chart cung cấp tiến độ công việc mỗi ngày, cho biết team đã làm được những gì và cần làm việc với tiến độ như thế nào để hoàn thành mục tiêu Sprint. Mặt khác, nó cũng là công cụ cảnh báo rủi ro khi công việc đang diễn ra không đúng với dự kiến.
- Cập nhật tiến độ dự án với khách hàng
Nhờ tính trực quan, minh bạch và dễ hiểu, Burn down chart sẽ giúp ích cho việc trình bày tiến độ dự án với khách hàng. Nó có thể cho khách hàng thấy được rằng nhóm đang đáp ứng đúng tiến độ; hoặc bị chậm tiến độ do nhiều công việc mới thêm vào.
Vậy Burn down chart có nhược điểm nào không?
- Thông tin còn hạn chế
Burn down chart chỉ hiển thị số story đã hoàn thành, tuy nhiên chúng không chỉ ra được bất kỳ sự thay đổi nào trong Product Backlog. Chỉ các task đã hoặc chưa hoàn thành mới thể hiện trên biểu đồ; các task đang trong quá trình thực hiện (in-process) sẽ không được hiển thị. Do đó, đôi khi nó có thể dẫn đến sự sai lệch giữa mong đợi với khả năng thực tế của team.
- Không biểu thị được hiệu quả của công việc
Burn down chart cung cấp tiến trình công việc, tuy nhiên nó không thể hiện được rằng công việc nhóm đang thực hiện có đúng hướng hay không. Nhìn chung, nó được xem là công cụ dự báo xu hướng. Còn để có sự đánh giá chính xác hiệu suất của nhóm, ta cần kết hợp với các kỹ thuật khác cũng như các cuộc họp quan trọng như sơ kết, cải tiến.
Burn up chart là gì?
Nếu như Burn down chart cho biết lượng công việc còn lại phải thực hiện trong dự án, thì Burn up chart cho biết bao nhiêu công việc đã được hoàn thành và tổng khối lượng công việc. Nói cách khác, nó là một dạng biểu thị khác nhằm giúp người xem có cái nhìn tổng quan về thời gian dự kiến cần có để hoàn thành một dự án.
Khi làm sản phẩm, không hiếm trường hợp khách hàng yêu cầu thêm các tính năng – qua đó thêm các đầu mục mới vào dự án. Lúc này, Burn up chart sẽ giúp nhóm biết rằng việc thêm mới các đầu mục ảnh hưởng đến deadline dự án như thế nào. Đồng thời, khách hàng cũng sẽ được nắm bắt về tiến độ, để từ đó cân nhắc mình có thật sự cần các đầu mục bổ sung đó hay không.
Chú thích biểu đồ:
+ Trục Y (trục thẳng đứng): số lượng story/task trong dự án.
+ Trục X (trục nằm ngang): dòng thời gian của dự án hoặc thời gian ước tính để dự án hoàn thành.
+ Đường màu xanh (total): tổng khối lượng công việc cần hoàn thành theo dòng thời gian. Ở đây có thể thấy, khối lượng công việc ban đầu từ 100 theo đã tăng lên 120.
+ Đường màu đỏ (completed): khối lượng công việc đã hoàn thành.
Nhìn chung, cả Burn down chart và Burn up chart đều là dạng biểu độ giúp quản lý và theo dõi tiến độ dự án của nhóm Scrum. Tùy vào từng ngữ cảnh để chúng ta áp dụng loại biểu đồ phù hợp, từ đó có thể đưa ra các giải pháp cải thiện tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu dự án.