Podcast “Nghề Nghiệp – Nghiệp Nghề”: Khi Gen Z vượt sướng đi làm!
Nếu như nói gen Z là thế hệ “vượt sướng”, thì Tâm Anh – khách mời trong tập 2 của series Podcast Nghề Nghiệp – Nghiệp Nghề chính là một đại diện điển hình. Tâm Anh đang giữ vai trò thư ký BOD tại công ty NAL Solutions. Những chia sẻ của cô bạn sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về công việc thư ký, cũng như thấu hiểu hơn về một thế hệ “vượt sướng”. Cùng Techie cập nhật nhé!
Gen Z đi làm liệu có “bật sếp tanh tách” như lời đồn?
“Anh thuộc thế hệ Millennial à? Làm việc với mấy bạn gen Z chắc đau đầu lắm nhỉ?”
“Em sinh năm bao nhiêu? À, thế là thuộc gen Z nhỉ. Gen Z giờ táo bạo lắm. Ở công ty chị, có bạn kia cãi tay đôi với sếp rồi nộp đơn nghỉ việc luôn!”
Những mẫu hội thoại tương tự như trên dường như không quá hiếm hoi trong môi trường công sở. Một cách vô tình, chúng ta cứ dán những chiếc nhãn mặc định lên từng thế hệ. Nhưng liệu gen Z có phải là một thế hệ “hay cãi”?
Nhìn nhận một cách khách quan, đây là nhóm tuổi lớn lên trong thời đại số. Các bạn trẻ được tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng, vì thế họ thường có cái nhìn đa chiều và không ngại bày tỏ ý kiến, kể cả với cấp trên. Tuy nhiên, “việc cãi sếp” của gen Z thường không xuất phát từ sự phản kháng hay thiếu tôn trọng, mà xuất phát từ tư duy phản biện mạnh mẽ để tìm kiếm phương án làm việc hiệu quả hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, Tâm Anh bày tỏ: “Gọi là “bật” sếp thì không phải. Nhưng mình sẽ đưa ra những ý kiến, ví dụ như là em thấy phương án như thế này sẽ hợp lý hơn. Thì cấp trên vẫn sẽ lắng nghe một cách tôn trọng và ghi nhận những ý kiến đóng góp đó”.
Tâm Anh cũng chia sẻ thêm, quan trọng là khi đưa ra ý kiến, chúng ta cũng cần bày tỏ một cách khéo léo. Nhìn chung, tinh thần phản biện của gen Z nếu được thể hiện đúng cách sẽ là một điểm mạnh, để thúc đẩy sự cởi mở, sáng tạo và đổi mới trong tổ chức.
Định kiến về công việc thư ký
Trên phim ảnh, vai trò thư ký thường được truyền tải tập trung vào vẻ ngoài và tính cách hấp dẫn của nhân vật, đôi khi là đối tượng của những mối tình công sở – thay vì tập trung vào kỹ năng chuyên môn. Vì vậy mà đây là công việc phải chịu ít nhiều “định kiến”. Vậy còn thực tế thì sao?
Đối với Tâm Anh, thư ký là công việc cực kỳ áp lực và bận rộn. Từ việc phải chạy đi ký tá các giấy tờ hành chính, chuẩn bị cho các cuộc họp, hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc xử lý thông tin, ra quyết định… cho đến việc gặp gỡ đối tác, khách hàng cùng hàng loạt các công việc không tên khác. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, bên cạnh kỹ năng chuyên môn, các kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, khả năng giải quyết vấn đề… đều rất cần thiết.
Ngoài ra, khi làm việc trong một công ty công nghệ, Tâm Anh cho biết bản thân cũng cần phải không ngừng cập nhật, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới. Bởi không chỉ phải làm việc với ban lãnh đạo luôn “nhảy số” cực nhanh, mà các bạn đồng nghiệp xung quanh cũng đều rất giỏi và năng động. Việc đôi khi đối diện với cảm giác sợ bản thân “bị thụt lùi” là điều không thể tránh khỏi.
Đừng ngại thử sức trong môi trường công nghệ
Môi trường làm việc trong các công ty công nghệ thường được đánh giá cao bởi văn hóa làm việc linh hoạt, cũng như sự trẻ trung, năng động và sáng tạo. Mặc dù tập trung chủ yếu vào các vị trí kỹ thuật, nhưng trong công ty công nghệ còn có nhiều vai trò khác ở các vị trí non-Tech.
Ngoài vị trí thư ký, Tâm Anh gợi ý một số công việc mà các bạn trẻ non-Tech có thể làm việc tại công ty công nghệ là Marketing – Branding, HR, Tuyển dụng, Kế toán, Pháp lý… Bởi, bên cạnh việc học hỏi từ công việc, thì chúng ta cũng có thể học hỏi nhiều thứ ở môi trường làm việc. IT sẽ là môi trường đáng để trải nghiệm cho những ai yêu thích sự sáng tạo và không ngại học hỏi cái mới.
Xem toàn bộ podcast tại đây nhé!
>>Xem thêm: Podcast “Nghề Nghiệp – Nghiệp Nghề”: Làm sao để học hỏi và phát triển như một CTO?