Nvidia mắc giữa “tâm bão” cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung

Ngay sau khi Mỹ áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đối với dòng chip AI H20 sang Trung Quốc, CEO Nvidia là Jensen Huang đã bay tới Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức cấp cao của nước này. Gã khổng lồ chip máy tính một lần nữa lại trở thành tâm điểm trong căng thẳng thương mại – công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì sao Nvidia lại trở thành yếu tố then chốt trong cuốc đua AI giữa 2 cường quốc? Cùng Techie tìm hiểu ngay! 

Nvidia có gì đặc biệt?

Nvidia là công ty chuyên thiết kế các dòng chip bán dẫn, là vật liệu đóng vai trò nền tảng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI). Vài năm trở lại đây, sự tăng mạnh về nhu cầu đối với các dòng chip AI đã đưa Nvidia trở thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới. Vào tháng 11 năm ngoái, Nvidia thậm chí đã vượt qua Apple, trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Chính vì tầm quan trọng của các dòng chip Nvidia trong tiến trình phát triển AI tạo sinh, mối quan hệ của Nvidia với Trung Quốc luôn được chính quyền Mỹ theo dõi chặt chẽ. Theo nhận định của giới chức trong ngành, chính quyền Washington kỳ vọng rằng việc siết chặt xuất khẩu chip sẽ làm chậm tốc độ phát triển AI tiên tiến tại Trung Quốc. Đặc biệt là hạn chế khả năng ứng dụng công nghệ này vào lĩnh vực quân sự, qua đó duy trì lợi thế cạnh tranh của Mỹ trước Bắc Kinh.

Vì sao dòng chip H20 của Nvidia bị nhắm tới?

Lệnh hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến của Nvidia sang Trung Quốc không phải là một động thái mới. Từ năm 2022, chính quyền Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt lên dòng chip bán dẫn cao cấp. Để tuân thủ, Nvidia đã giới thiệu dòng chip H20, trong khi dòng chip mạnh mẽ hơn H100 trước đó đã bị cấm ở thị trường Trung Quốc.

Chip H20
CEO Jensen Huang giới thiệu về dòng chip H20

Tuy nhiên, sự xuất hiện của AI DeepSeek gần đây đã khiến Mỹ lo ngại rằng ngay cả những dòng chip kém mạnh mẽ hơn cũng có thể thúc đẩy các đột phá công nghệ lớn. Bởi, DeepSeek tuyên bố có thể vận hành hiệu quả tương đương các ứng dụng như ChatGPT, dù với những dòng chip ít tiên tiến hơn.

Hiện tại, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tencent, Alibaba và ByteDance đang gia tăng mạnh mẽ nhu cầu đối với chip H20 của Nvidia, với nhiều đơn hàng đã được đặt trước. Do lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, Nvidia ước tính thiệt hại có thể lên tới 5,5 tỷ USD vì không thể hoàn thành các đơn hàng này.

Ông Chim Lee, chuyên gia phân tích tại Economist Intelligence Unit, nhận định rằng các công ty Trung Quốc, điển hình như Huawei, đang nỗ lực phát triển chip AI thay thế. Mặc dù chất lượng hiện tại chưa thể so sánh với Nvidia, lệnh cấm của Mỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải thiện công nghệ chip trong nước.

Theo ông Lee, “Lệnh cấm này chắc chắn sẽ gây ra những thách thức cho hệ sinh thái AI của Trung Quốc, nhưng khó có khả năng làm chậm đáng kể tốc độ phát triển và ứng dụng AI tại quốc gia này.”

Động thái tới Trung Quốc của CEO Nvidia

Trung Quốc vẫn là một thị trường then chốt đối với Nvidia, đóng góp khoảng 13% vào tổng doanh thu toàn cầu của hãng trong năm trước, dù con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với thị trường Mỹ (gần 50%).

Chuyến thăm gần đây của CEO Nvidia Jensen Huang được xem là một động thái nhằm củng cố vị thế kinh doanh của công ty tại Trung Quốc trong bối cảnh các quy định kiểm soát công nghệ ngày càng thắt chặt.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc Ren Hongbin, ông Huang bày tỏ hy vọng về việc “tiếp tục hợp tác với Trung Quốc,” theo tường thuật của đài CCTV. Financial Times cũng đưa tin ông Huang đã gặp nhà sáng lập DeepSeek, Liang Wenfeng, trong chuyến đi này.

Jenseng Huang
Jensen Huang trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây

Bên cạnh đó, theo Tân Hoa Xã, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã khẳng định với ông Huang về “tiềm năng đầu tư và tiêu dùng to lớn” của thị trường Trung Quốc. Tại cuộc gặp với thị trưởng Thượng Hải trong chuyến đi, ông Huang cũng nhấn mạnh cam kết gắn bó của Nvidia với thị trường này, theo thông báo từ chính quyền thành phố.

Các biện pháp kiểm soát ngày càng tăng từ Washington là một phần của chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro về chuỗi cung ứng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy hoạt động sản xuất chip quay trở lại Mỹ. Gần đây, Nvidia đã công bố kế hoạch xây dựng một hệ thống máy chủ AI trị giá 500 tỷ USD tại Mỹ, một quyết định mà Tổng thống Donald Trump cho rằng được thúc đẩy bởi khả năng tái tranh cử của ông. Trước đó, vào tháng 3, TSMC, đối tác sản xuất chip quan trọng của Nvidia, cũng công bố kế hoạch đầu tư thêm 100 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở Arizona.

Chuyên gia kinh tế Gary Ng nhận định với BBC rằng những diễn biến gần đây cho thấy sự phân cực ngày càng rõ rệt của công nghệ toàn cầu thành “hai hệ thống” riêng biệt, một do Mỹ dẫn đầu và một do Trung Quốc chi phối. Ông Ng kết luận: “Theo xu hướng này, công nghệ sẽ trở nên ít toàn cầu hóa hơn và chịu nhiều hạn chế hơn.”

>>Xem thêm: Meta có thể bị buộc bán Instagram và WhatsApp – Sẽ như thế nào nếu điều này xảy ra?

Khám phá thêm
Mối quan hệ tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn và phức tạp. Cũng dễ hiểu khi nhiều...
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm đến hơn 70%, Việt Nam luôn được coi là thị trường...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...