Ngôn ngữ lập trình Scratch: Giải đáp từ A-Z
Ngôn ngữ lập trình Scratch là gì mà lại nổi tiếng với các em nhỏ đến thế? Có phải vì tính trực quan và thân thiện của ngôn ngữ giúp cho các bạn nhỏ dễ dàng học hỏi? Hãy để Techie bật mí cho bạn đọc về khái niệm cũng như những điều thú vị về ngôn ngữ lập trình này nhé!
Ngôn ngữ lập trình Scratch là gì?
Khái niệm về ngôn ngữ lập trình Scratch
Scratch được biết đến như một loại ngôn ngữ lập trình trực quan với mục tiêu người dùng chính là trẻ em ở độ tuổi từ 8-16 tuổi. Các dự án được xây dựng bằng Scratch có thể được xuất sang các tệp HTML5, Android, Bundle (macOS) và EXE độc lập bằng các công cụ bên ngoài.
Ngôn ngữ lập trình Scratch được phát triển bởi MIT Media Lab (Viện công nghệ Massachusetts Institute of Technology), và đã được dịch sang hơn 70 ngôn ngữ và được sử dụng rộng rãi toàn cầu. Với mục đích chính là trở thành ngôn ngữ giúp trẻ em có thể học lập trình, cho nên Scratch thường được dạy và sử dụng trong các trung tâm, trường học và cao đẳng, cũng như các tổ chức tri thức công cộng khác.
Tính đến ngày 15 tháng 2 năm 2023, dựa trên thống kê từ trang web chính thức của Scratch cho thấy đã có hơn 123 triệu sản phẩm được chia sẻ công khai cho hơn 103 triệu người dùng, và hơn 804 triệu sản phẩm (bao gồm cả các sản phẩm không được chia sẻ) đã được xây dựng bằng ngôn ngữ Scratch, với hơn 95 triệu lượt truy cập trang web hàng tháng.
Scratch được đặt tên dựa trên một kỹ thuật của DJ gọi là scratching (chà đĩa), kỹ thuật này được thao tác trên một turntale (bàn xoay) để tạo ra các hiệu ứng âm thanh đặc sắc bằng cách kết hợp nhiều bản nhạc lại với nhau. Giống như kỹ thuật cùng tên trong giới DJ, ngôn ngữ lập trình Scratch cho phép người dùng kết hợp các khối mã khác nhau (bao gồm đồ họa, âm thanh và các chương trình) theo nhiều cách sáng tạo.
Scratch được ứng dụng vào đâu?
Scratch được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: trường học, bảo tàng, thư viện, trung tâm cộng đồng. Scratch được thiết kế chủ yếu cho người dùng từ 8–16 tuổi, nhưng kể từ năm 2009 ngôn ngữ này đã mở rộng tệp người dùng đến những người lớn tuổi muốn học lập trình. Với việc tiếp cận rộng rãi đến nhiều tệp người dùng đã tạo ra cộng đồng to lớn. Vào tháng 4 năm 2020, Scratch đã lọt vào top 20 trong bảng xếp hạng các ngôn ngữ lập trình trên thế giới của Tiobe. Theo Tiobe, có 50 triệu dự án được viết bằng Scratch và mỗi tháng có một triệu dự án mới được bắt đầu bằng ngôn ngữ lập trình này.
Ứng dụng vào Giáo dục
Scratch được lựa chọn làm ngôn ngữ trình “nhập môn” cho các bạn trẻ vì mức độ dễ hiểu và các kỹ năng học được từ Scratch có thể áp dụng vào các ngôn ngữ lập trình khác như Python và Java.
Với hình ảnh minh hoạ dễ hiểu, các lập trình viên “tay mơ” có thể tạo hoạt ảnh, văn bản, trò chơi v.v. Hiện đã có nhiều chương trình giúp học sinh có thể tìm hiểu thêm về toán học, lịch sử,… Scratch cho phép giáo viên tạo các bài học mang tính trực quan giúp các em dễ dàng hình dung được các khái niệm khó hiểu, như các hình ảnh động mô tả về các thí nghiệm khoa học. Trong các môn khoa học xã hội, người hướng dẫn có thể tạo các câu đố, trò chơi để tương tác với học sinh. Sử dụng Scratch cho phép các bạn trẻ hiểu được logic về việc lập trình và cách xây dựng sản phẩm công nghệ một cách sáng tạo.
Hiện Scratch đang được giảng dạy cho hơn 800 trường học và 70 trường cao đẳng của tổ chức DAV ở Ấn Độ và trên toàn thế giới. Trong giáo dục đại học, Scratch được sử dụng trong khóa nhập môn khoa học máy tính CS50 của Đại học Harvard.
Xây dựng cộng đồng trực tuyến
Cộng đồng người dùng ngôn ngữ lập trình Scratch còn được gọi là ‘Scratchers’. Các Scratchers có khả năng chia sẻ sản phẩm của họ và nhận phản hồi từ các Scratchers khác trong cộng đồng. Người dùng chia sẻ trực tiếp từ trang phát triển sản phẩm lên website Scratch và bất kỳ thành viên nào trên cộng đồng đều có thể tải xuống đầy đủ mã nguồn của sản phẩm đó để nghiên cứu hoặc phối lại thành các dự án mới. Scratchers cũng có thể nhận xét và “thả tim” dự án của người khác, theo dõi các thành viên để xem dự án và hoạt động của họ.
Các dự án có thể là trò chơi điện tử đến các công cụ áp dụng vào đời thật. Ngoài ra, để khuyến khích việc tạo và chia sẻ giữa người dùng, trang chủ của Scratch còn hay tổ chức các thử thách mang tên “Scratch Design Studio”.
Còn một cộng đồng trực tuyến khác dành riêng cho các nhà giáo dục có tên là ScratchEd – được phát triển và hỗ trợ bởi Harvard Graduate School of Education. Trong cộng đồng này, các nhà giáo dục Scratch chia sẻ các câu chuyện, trao đổi tài nguyên với nhau.
Vì sao ngôn ngữ lập trình Scratch lại đuợc yêu thích
Một trong những lý do Scratch được yêu thích như vậy là vì tính dễ hiểu của nó. Trong các hình thức lập trình máy tính thì hình thức cơ bản nhất là mã hóa dựa trên khối (Block-based coding). Thay vì phải bắt đầu viết mã với những dòng mã văn bản phức tạp, block-based coding là cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để trẻ em học các nguyên tắc cơ bản của lập trình.
Trong block-based coding, trẻ em sẽ dùng các khối trực quan để tạo nên hoạt ảnh hoặc trò chơi.
Với giao diện trực quan, Scratch cho phép trẻ chỉ cần kéo và thả các khối – mỗi khối đại diện cho một dòng mã. Vì vậy, về bản chất, trẻ đang viết mã mà không sử dụng văn bản. Việc sử dụng các khối cũng giúp cho việc phát hiện và sửa lỗi trong chương trình trở nên dễ dàng hơn.
Sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch sẽ giúp trẻ em nhanh chóng nắm bắt các khái niệm cơ bản về lập trình. Mỗi khối thực hiện một lệnh khác nhau, tất cả những gì trẻ cần làm là sắp xếp chúng theo một thứ tự cụ thể và chương trình sẽ tự chạy.
Ưu và nhược điểm của ngôn ngữ lập trình Scratch
Ưu điểm của Scratch
Ngôn ngữ lập trình Scratch đã khiến việc lập trình trở nên thú vị và dễ hiểu hơn với nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Với cách thể hiện trực quan và màu sắc, trẻ em nhanh chóng học được tư duy lập trình máy tính, điều cần thiết cho bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào.
Một ưu điểm khác của việc sử dụng block-based coding là nó đã được chứng minh là cải thiện các kỹ năng quan trọng khác như trí tưởng tượng, sáng tạo và giao tiếp. Ngôn ngữ lập trình này hiện đã có mặt hơn 150 quốc gia với hơn 40 ngôn ngữ, vì vậy việc chọn một trung tâm đào tạo lập trình với Scratch cũng trở nên dễ dàng hơn.
Nhược điểm của Scratch
Vì nhắm đến đối tượng chính là các em nhỏ, nên việc sử dụng địa chỉ mail để đăng ký học cũng có thể trở thành rào cản với các em, đặc biệt nếu phụ huynh không am hiểu về công nghệ và gia đình thiếu điều kiện để con em theo học.
Với cộng đồng lớn cộng với việc các người dùng có thể thoả mái copy ý tưởng và mã nguồn của nhau thì việc “ăn cắp ý tưởng” không còn là mới lạ trên Scratch.
Trên đây là khái niệm và những điều nổi bật về ngôn ngữ lập trình Scratch. Techie mong rằng bạn đã nắm được những điều cơ bản về ngôn ngữ lập trình này. Hãy cùng theo dõi Techie để đọc những bài viết mới trong chuỗi “giải mã” về các ngôn ngữ lập trình khác sắp tới nhé!
Xem thêm: Ngôn ngữ lập trình: Hiểu để chọn đúng!