Lễ hội âm nhạc Coachella và những lần đón đầu xu hướng công nghệ
Âm nhạc và công nghệ, những tưởng là hai phạm trù không liên quan gì đến nhau, lại có thể được kết hợp vô cùng sáng tạo tại Coachella. Là một trong những sự kiện giải trí lớn nhất thế giới, Coachella luôn biết cách chiều lòng người hâm mộ bằng cách đón đầu các xu thế mới nhất. Cùng điểm qua những lần “chơi lớn” của lễ hội âm nhạc này trong suốt lịch sử 20 năm của mình nhé!
Công nghệ trình chiếu Holography
Năm 2012, lễ hội Coachella cho khán giả tại sự kiện một phen sửng sốt khi cố rapper huyền thoại Tupac Shakur – người đã ra đi vào năm 1996 – xuất hiện trên sân khấu. Không chỉ là hình ảnh, mà “Tupac” này còn trình diễn 2 ca khúc đình đám Hail Mary và 2 of Amerikaz Most Wanted, hay thậm chí còn chào khán giả có mặt tại lễ hội “What the **** is up, Coachella?”.
Trên thực tế, đây là sản phẩm của công nghệ Hologram (một sản phẩm của kỹ thuật ghi hình 3D), dưới sự chỉ đạo của đạo diễn siêu phẩm “Avatar” đình đám, James Cameron. Để thực hiện được màn trình diễn này, đội kỹ thuật đã dày công nghiên cứu chuyển động, cử chỉ của Tupac từ các thước phim của rapper lúc sinh thời, sau đó kết hợp với đồ hoạ CGI để hình ảnh hoạt hoạ của anh trở nên sinh động nhất. Trước buổi trình diễn, một màn hình (kích thước 9x4m) cũng được đặt trên sân khấu, kèm với một hệ thống máy chiếu đặt trên cao. Hệ thống này chiếu chồng lên nhau 54.000 lumen hình ảnh của Tupac trên màn hình này (Lumen là đại lượng trắc quang cho biết công suất bức xạ của chùm ánh sáng phát ra từ một nguồn phát sáng điểm, một bóng đèn sợi đốt 75W phát ra 1.100 lumen).
Virtual Reality (Thực tế ảo)
Năm 2016, để cung cấp cho người hâm mộ trải nghiệm thực tế ảo ngay trước khi tham gia sự kiện, lễ hội Coachella kết hợp với Vantage.tv để tạo ra Welcome Box – gồm vòng đeo tay, bản đồ hướng dẫn và các món đồ lưu niệm khác. Ngoài ra, những người tham gia Coachella năm 2016 còn được cung cấp headset thực tế ảo Google Cardboard, được kết nối với ứng dụng Coachella.
Trong ứng dụng này, người dùng có thể trải nghiệm những bức ảnh 360 độ từ lễ hội của các năm trước hay xem các màn phỏng vấn độc quyền với các nghệ sỹ. Quan trọng hơn, ứng dụng này còn thiết kế một tour ảo về sơ đồ của lễ hội, giúp người tham gia có thể lên dự tính kế hoạch trải nghiệm Coachella.
Augmented Reality (Thực tế tăng cường)
Tiếp bước VR, năm 2019, công nghệ AR – Augmented Reality chính thức xuất hiện tài Lều Sahara, một trong những sân khấu chính của Coachella. Khán giả Coachella có cơ hội được chiêm ngưỡng những những hình ảnh về vũ trụ, như các chòm sao, hành tinh, trạm không gian…lơ lửng phía trên đám đông người tham dự. Để sử dụng công nghệ này, người tham gia phải download ứng dụng Coachella, sau đó sử dụng tính năng Camera trên app này, đặt camera trước màn trình chiếu của lều Sahara khi được hướng dẫn để trải nghiệm thực tế ảo. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng cho phép người dùng lưu hình ảnh/ video từ trải nghiệm này.
NFT
Các nhà tổ chức lễ hội Coachella lựa chọn đơn vị tiền ảo FTX là nơi “chọn mặt gửi vàng” cho nước đi táo bạo năm nay – tạo ra thị trường NFT. Thông qua thị trường này, những người tham dự lễ hội sẽ có cơ hội mua bán và trao đổi 3 chuỗi vật phẩm khác nhau.
Vật phẩm đầu tiên được mở bán là Bộ sưu tập chìa khoá độc quyền Coachella, có chức năng tương đương với vé vào cửa trọn đời cho chủ sở hữu. Không chỉ các sự kiện trực tiếp, người sở hữu vật phẩm NFT này cũng được tham gia nhiều sự kiện VIP trực tuyến khác được tổ chức tại Coachella. 2 vật phẩm còn lại, BST The Sights and Sounds, với tập hợp 10.000 bức ảnh và bài hát được số hoá tại Coachella, được bán với mức giá giao động từ 60$ và BST Desert Reflections – bộ sách ảnh nhằm kỷ niệm 20 năm lịch sử phát triển của lễ hội này.
Coachella vốn thu hút khán giả nhờ khả năng quy tụ nhiều nghệ sỹ đình đám, nhưng theo thời gian, người hâm mộ lễ hội âm nhạc này còn hiếu kỳ, chờ đón những xu thế công nghệ được ứng dụng một cách sáng tạo tại Coachella. Với tầm nhìn “mon men” đến gần hơn với thế giới Metaverse, chắc chắn Coachella sẽ còn nhiều điều đáng trông đợi hơn nữa trong tương lai.