Làn sóng đa chiều về Susan Wojcicki – Người phụ nữ đứng đầu đế chế YouTube
Susan Wojcicki – CEO của YouTube – nổi tiếng là một trong số ít phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất giới công nghệ. Bà từng được Forbes xếp thứ 2 trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Nhưng trớ trêu thay, Susan Wojcicki cũng “đứng” trong danh sách những người đáng bị ghét nhất đối với cộng đồng mạng – đặc biệt là những ai thường xuyên sử dụng YouTube!
Từ hình mẫu nữ quyền toàn năng
Phụ nữ làm công nghệ không nhiều. Và phụ nữ đạt được những thành tựu nổi bật trong giới công nghệ như Susan Wojcicki lại càng hiếm hoi.
Susan vốn là thành viên thứ 16 của Google với vị trí quản lý marketing đầu tiên. Khác với nhiều vị CEO lừng lẫy tại Thung lũng Silicon, bà không phải là người có phong cách kỳ dị hay có những ý tưởng độc lạ nảy ra khi đang đi học. Susan cũng không bỏ ngang Đại học giữa chừng để khởi nghiệp, mà trái lại, bà từng tốt nghiệp Harvard với bằng xuất sắc chuyên ngành Lịch sử và Văn học.
Câu chuyện Susan Wojcicki đến với Google khởi nguồn từ mùa thu năm 1998, khi bà cho 2 sinh viên Stanford thuê gara trong khuôn viên ngôi nhà mình đang sống cùng chồng để mở công ty. Hai sinh viên nói trên chính là cha đẻ của công cụ tìm kiếm Google: Larry Page và Sergey Brin. Chỉ khoảng chưa đầy 1 năm sau khi Google được thành lập, Wojcicki – lúc ấy đang mang thai 4 tháng – đã từ bỏ công việc ổn định ở Intel để gia nhập vào dự án khởi nghiệp với chỉ vỏn vẹn 15 người.
Một trong những dự án đầu tiên của Susan là trang trí logo Google sao cho phù hợp với không khí của các dịp sự kiện đặc biệt – tiền thân của Google Doodle ngày nay. Trong quá trình đảm nhiệm vị trí Giám đốc Marketing và sau đó là Phó chủ tịch cấp cao Quảng cáo & Thương mại, Susan đã tham gia phát triển cũng như đóng góp cho sự thành công của Google Images, Google Books và các sản phẩm quảng cáo, phân tích như AdWords, AdSense, Google Analytics. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của bà phải kể đến 2 thương vụ lớn nhất Google: mua lại YouTube giá 1.65 tỷ USD vào năm 2006 và mua lại DoubleClick 3.1 tỷ USD năm 2007.
Tháng 2/2014, Susan Wojcicki đã thay thế thành viên thứ 9 của Google là Salar Kamangar để đảm nhận vai trò CEO YouTube. Dưới sự chèo lái của nữ CEO, YouTube đã đạt mục tiêu thu hút người dùng xem hơn 1 tỷ giờ video mỗi ngày, tăng gấp 10 lần so với năm 2012. Ngày nay, YouTube hiện đang là nền tảng mạng xã hội lớn thứ 2 Thế giới – chỉ sau Facebook – với hơn 2 tỷ người hoạt động hằng tháng.
Không chỉ nổi tiếng với hình tượng CEO tài giỏi và thành công, Susan Wojcicki còn là người mẹ phi thường của 5 đứa trẻ. Dù bận rộn với hàng trăm dự án lớn nhỏ, bà vẫn dành thời gian để chăm sóc cho gia đình, nuôi dạy 5 người con thật tốt. Chỉ khiêm nhường tự nhận mình là một người mẹ yêu công nghệ, làm việc và làm mẹ là 2 điều gắn bó chặt chẽ với Susan Wojcicki. Bà từng kêu gọi trên The Wall Street Journal rằng nước Mỹ nên trở thành quốc gia đi đầu về phúc lợi thai sản. Nhờ sự ảnh hưởng của Susan, nhân viên nữ tại Google đã có chế độ nghỉ thai sản lên tới 18 tuần thay vì 12 tuần theo chính sách tại Mỹ.
Cùng với đó, Susan còn là một người đấu tranh cho nữ quyền. Kể từ khi bà trở thành CEO, tỷ lệ nhân viên nữ của YouTube đã tăng từ 24% lên gần 30%. “Mặc dù chúng tôi cần nhiều nhân viên là phụ nữ tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật nhưng tôi luôn muốn nhắc nhở phụ nữ rằng bạn không cần phải có bằng cấp về khoa học hoặc công nghệ để xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.” Những phát ngôn của Susan Wojcicki đã truyền cảm hứng cho rất nhiều cô gái trẻ đang mong muốn phát triển sự nghiệp trong ngành.
Cho đến nhân vật bị ghét nhất đội ngũ YouTube
Tạp chí Forbes từng gọi Susan Wojcicki là “người quan trọng nhất của Google mà chưa từng được biết tới” – cho thấy sự kín tiếng và điềm đạm của nữ CEO. Một người phụ nữ với khối tài sản khổng lồ nhưng lại theo đuổi cuộc sống bình dị không phô trương; dành thời gian chăm sóc gia đình và đấu tranh cho quyền lợi nữ giới… tưởng chừng không có gì để chê trách, ấy vậy mà vài năm trở lại đây, Susan Wojcicki lại bị cộng đồng mạng “ném đá” không thương tiếc. Căn cớ là do đâu?
Loạt bê bối và hỗn loạn của YouTube
Sóng gió bắt đầu bùng lên với YouTube và cá nhân Wojcicki vào mùa xuân năm 2017, khi nền tảng này bị hàng loạt công ty lớn tẩy chay sau khi thương hiệu của họ hiện diện cùng các video “nhạy cảm” về chính trị xã hội như phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, phát động chủ nghĩa cực đoan… Dưới sức ép dư luận các nhãn hàng, Google đã lên kế hoạch tuyển dụng khoảng 10.000 nhân viên để kiểm duyệt các nội dung xấu trên YouTube trong năm 2018.
Không chỉ bị người dùng phản đối, chính sách của YouTube còn gây bất mãn cho chính những người sáng tạo nội dung trên nên tảng này: các YouTuber. Đỉnh điểm, tháng 4/2018, một nữ YouTuber đã phản đối bằng cách xả súng ngay tại trụ sở YouTube, qua đó gây ra cái chết cho chính mình và làm 3 người bị thương.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn chưa dừng lại tại đó. Năm 2019, Google đã phải bỏ ra 200 triệu USD để dàn xếp vụ điều tra của FTC (Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ) về cáo buộc: YouTube thu thập thông tin trái phép về trẻ em dưới 13 tuổi. Bên cạnh đó, kênh YouTube Kids bị tố cáo là chứa các nội dụng độc hại, thiên hướng bạo lực, ấu dâm… Án phạt của FTC lúc đó đã nhận được rất nhiều sự phản đối, hầu hết cho rằng khoản tiền phạt chỉ như “cái tát trên cổ tay” và không thấm vào đâu so với doanh thu hàng tỷ USD mà YouTube thu về mỗi năm.
Câu hỏi dư luận đặt ra là phải chăng, kể từ khi đảm nhiệm vị trí CEO của YouTube, Susan Wojcicki – với “KPI” là thu hút càng nhiều người dùng càng tốt – đã luôn chú tâm vào con số thay vì tập trung vào giá trị cố hữu bên trong nội dung sản phẩm của mình?
“Vòi” tiền người xem, lạm dụng quảng cáo
Nối tiếp loạt bê bối vì “dung túng” cho nội dung độc hại thì ngay đầu năm nay, YouTube đã bị cộng đồng mạng lên án dữ dội khi hiển thị tới 10 quảng cáo không thể bỏ qua trong 1 video. Nhiều người dùng liên tục bày tỏ sự “khó chịu” trên Twitter, tỏ ý không còn muốn muốn tiếp tục sử dụng nền tảng YouTube để xem video.
Hay như trong tháng 10/2022 vừa qua, YouTube đã chạy thử một gói dịch vụ “đòi” người dùng nâng cấp tài khoản thành gói Premium mới được xem video ở chất lượng 4K. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, đội ngũ YouTube đã buộc phải dừng cuộc “thử nghiệm” chỉ sau vài ngày.
Trước những sóng gió liên tục tại YouTube, Susan Wojcicki luôn điềm tĩnh cho rằng phản ứng tiêu cực từ người dùng là điều không thể tránh khỏi, và bà cùng đội ngũ YouTube luôn cố gắng khắc phục điều đó. Nhưng khổ một nỗi, mỗi động thái khắc phục của YouTube đôi khi lại đẩy đến một làn sóng phản đối khác. Chẳng hạn, việc ẩn nút Dislike nhằm bảo vệ người sáng tạo nội dung vẫn còn đang liên tục gây ra những tranh cãi; hay như việc YouTube ẩn đi những comment không phù hợp cũng bị nhiều người dùng cho là ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.
Dẫu biết, trước những “vấn đề lớn và phức tạp” của YouTube, khó có thể quy hết trách nhiệm cho Susan. Song, với vai trò là người “đứng mũi chịu sào” của một nền tảng mạng xã hội lớn nhất nhì thế giới, việc hứng chịu chỉ trích là điều không thể tránh khỏi.
Liệu rằng Susan có thể “giải độc” cho YouTube? Câu trả lời có lẽ vẫn sẽ còn bỏ ngỏ trong một thời gian nữa.